(VietNamNet) - Trong phiên họp bàn về Luật Doanh nghiệp Nhà nước (sửa đổi) của UBTV Quốc hội hôm qua (23/7), các ý kiến đều nhất trí phải làm rõ trong Luật vấn đề phân công, phân cấp thực hiện quyền, nghĩa vụ của Chủ sở hữu Nhà nước và đại diện chủ sở hữu Nhà nước trong các doanh nghiệp Nhà nước (DNNN); đồng ý xóa chủ quản, nhưng không thể xóa bỏ ngay vì rất cần có sự quản lý của Nhà nước với vai trò là chủ sở hữu của doanh nghiệp.
|
Chức năng chủ quản các doanh nghiệp sẽ được chuyển sang cho Hội đồng quản trị các tổng công ty. | Ban soạn thảo dự án Luật DNNN (sửa đổi) cho rằng, hiện các Bộ, Uỷ ban nhân dân địa phương vẫn thực hiện việc đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện các chủ trương định hướng phát triển, giải quyết vướng mắc khó khăn cho DN. Cần từng bước tách Bộ, UBND khỏi chức năng chủ quản để chuyển sang quản lý nhà nước bằng cách lập tổng công ty đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước, giao cho tổng công ty này thực hiện việc quản lý và kinh doanh vốn ở các doanh nghiệp chuyển đổi sở hữu và chuyển đổi hình thức pháp lý; các DNNN hiện hành vẫn để Bộ, Uỷ ban nhân dân đại diện sở hữu trừ các doanh nghiệp thành viên các tổng công ty.
Cơ quan thẩm tra và Ban soạn thảo đề nghị sửa đổi Luật theo hướng này bởi phương án này vừa đảm bảo tinh kế thừa, vừa hướng tới việc bỏ chủ quản (giao cho một số ít Bộ và UBND cấp tỉnh một số chức năng đại diện sở hữu các doanh nghiệp cha chuyển đổi). Cùng với quá trình chuyển đổi doanh nghiệp (chuyển đổi sở hữu và hình thức pháp lý) sẽ chuyển dần chức năng chủ quản các doanh nghiệp chuyển sang cho Hội đồng quản trị các tổng công ty và tổng công ty đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước.
Phương án này phù hợp với thực tế đang diễn ra ở các tổng công ty và được phát triển khi hình thành tổng công ty đầu tư và kinh doanh vốn Nhà nước. Về tổng công ty đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước: có ý kiến cho rằng không nên tổ chức tổng công ty này mà tiếp tục giao cho các Bộ, Uỷ ban nhân dân làm đại diện sở hữu. Trong trường hợp đó sẽ tiếp diễn tình trạng Bộ chủ quản và cấp hành chính chủ quản, phân tán về đại diện sở hữu, không có đầu mối quản lý phần vốn của Nhà nước tại các doanh nghiệp đã đa dạng hoá sở hữu.
Ngoài ra, cũng có ý kiến cần quy định ngay các Bộ, Uỷ ban nhân dân không trực tiếp là chủ sở hữu, không quản lý DNNN, mà chỉ thực hiện chức năng quản lý nhà nước. Thành lập Tổng công ty đầu tư và kinh doanh vốn Nhà nước để thay Bộ, Uỷ ban nhân dân là chủ sở hữu, quản lý DNNN. Phương án này giải quyết dứt điểm hơn chế độ chủ quản, nhưng đụng chạm ngay về mặt tổ chức, chức năng, nhiệm vụ của các Bộ, Uỷ ban nhân dân, do đó ít khả thi.
Cơ quan thẩm tra và Ban soạn thảo đồng tình với nhiều ý kiến cần thiết phải tổ chức loại tổng công ty đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước để quản lý phần vốn nhà nước ở các doanh nghiệp chuyển đổi sở hữu, đồng thời dần dần làm nhiệm vụ đầu tư và kinh doanh vốn ở những nơi có hiệu quả, có lãi.
Dự thảo vẫn chưa ''cởi trói'' cho doanh nghiệp?
Một số ý kiến cho rằng Dự thảo vẫn chưa ''cởi trói'' cho doanh nghiệp, như vẫn giao gánh nặng xã hội đối với các DNNN; chưa tìm ra được cơ chế động lực hoạt động thích hợp cho DNNN trong tình hình mới, bao gồm động lực của DN, động lực của Giám đốc; tình trạng cào bằng quyền lợi của doanh nghiệp, của Giám đốc dù làm ra nhiều hay ít lợi nhuận; chế độ lương thưởng chưa linh hoạt; chưa có cơ chế thưởng lớn, thưởng công khai, thưởng rõ ràng khi có lợi nhuận nhiều; hệ số giãn cách tiền lương hiện nay quá ít, lương cao nhất cũng chỉ hơn lương bình quân 2-3 lần; chưa có cơ chế để doanh nghiệp động viên thêm người lao động.
Mặt khác, mặc dù Luật DNNN hiện hành không quy định và không cho phép, trong thực tế Nhà nước vẫn tung ''phao'' để cứu doanh nghiệp bằng cách khoanh nợ, giãn nợ, xoá nợ. Pháp luật chưa xác định nhiệm vụ quan trọng của doanh nghiệp là đảm bảo lãi suất sinh lời trên vốn (có ý kiến cho rằng mức này phải cao hơn lãi suất ngân hàng); chưa quy định rõ trách nhiệm của người quản lý DN đối với các khoản nợ.
Tuy nhiên, Ban soạn thảo lại cho rằng Dự thảo Luật đã thể hiện tinh thần "cởi trói", giảm nghĩa vụ xã hội, tạo cơ chế động lực, thưởng rõ ràng khi tự chủ huy động vốn ngoài mà vẫn có lợi nhuận nhiều... Đồng thời, Dự Luật cũng có quy định trách nhiệm rõ ràng đối với HĐQT, Tổng giám đốc Giám đốc khi DN mắc nợ, lỗ liên tiếp 2 năm...
Cơ quan thẩm tra và Ban soạn thảo sẽ rà soát kỹ để thể hiện rõ hơn quyền và nghĩa vụ của công ty nhà nước là bình đẳng với các doanh nghiệp khác. Cụ thể, bổ sung một số quy định sau: Được chi thưởng sáng kiến đổi mới, cải tiến quản lý và công nghệ; thưởng năng suất lao động; thưởng tiết kiệm vật tư và hạch toán vào chi phí kinh doanh trên cơ sở bảo đảm hiệu quả kinh doanh của công ty. Bảo đảm kinh doanh đạt chỉ tiêu tỷ suất lợi nhuận trên vốn theo quy định của Chính phủ. Được chi lương không khống chế mức tối đa hoặc bị hạ mức lương đối với cán bộ quản lý công ty trên cơ sở hiệu quả kinh doanh.
Đối với một số loại DNNN đặc thù như các ngân hàng thương mại quốc doanh, có ý kiến đề nghị cho phép DN huy động thêm vốn điều lệ nhưng quy định người có vốn được huy động thêm này không có quyền như một cổ đông (bầu cử, biểu quyết, tham gia quản lý... mà chỉ được chia lãi trên vốn góp), do đó doanh nghiệp này vẫn là công ty nhà nước. Cơ chế này sẽ tạo ra động lực lớn và giúp cho DN giải quyết vấn đề thiếu vốn. Trong thực tế đã có một số DNNN thực hiện theo cơ chế này, trong đó không chỉ có các ngân hàng thương mại, mà ở cả các DNNN khác như các công ty vận tải. Tuy vậy, đây là vấn đề rất mới, nếu có quy định trong luật thì trong chỉ đạo phải thực hiện thí điểm, tổng kết và xét thấy có hiệu quả thì mở rộng từng bước ở những DNNN đặc thù và có điều kiện.
Có 4 loại ý kiến về phân phối lợi nhuận sau thuế của DNNN: Đa số đồng ý như dự thảo là phân chia theo nguồn vốn và lưu ý phải làm rõ cách thức xác định tỷ lệ phân chia; Không chia lợi nhuận theo nguồn vốn, mà dành lợi nhuận còn lại chia cho quĩ phúc lợi, quĩ việc làm, quĩ khen thưởng; Giao Chính phủ qui định cụ thể tỷ lệ phân chia lợi nhuận cho các quĩ; Không qui định cụ thể cách phân chia lợi nhuận mà giao Chính phủ quy định; Để DN tự phân chia lợi nhuận từ nguồn vốn DN tự tích luỹ sau khi đã làm đủ các nghĩa vụ đối với Nhà nước.
Cơ quan thẩm tra và Ban soạn thảo cho rằng: việc khuyến khích công ty tự huy động vốn có ý nghĩa rất quan trọng, tạo cho DN năng động, hạn chế trông chờ vào bao cấp của Nhà nước. Vì vậy, tiếp thu theo hướng Luật quy định nguyên tắc phân chia lợi nhuận sau thuế theo nguồn vốn và có bổ sung.
Về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn HĐQT, Tổng giám đốc, có ý kiến cho rằng HĐQT chủ yếu lập trung vào chức năng giám sát chứ không nên can thiệp vào quản lý nguồn vốn Nhà nước, xem xét, quyết định các chủ trương lớn, các dự án, đề án.
|