Chính phủ sẽ mở rộng mô hình Quỹ Đầu tư phát triển
11:41' 24/07/2003 (GMT+7)

(VietNamNet) - Chiều nay, Chính phủ đã trình lên UBTV Quốc hội xin ý kiến về việc cho phép một số tỉnh, thành trực thuộc Trung ương được thành lập Quỹ Đầu tư phát triển (ĐTPT). Tuy nhiên, Chủ tịch Nguyễn Văn An cho rằng, việc này không thuộc thẩm quyền của UBTV và dành lại cho Chính phủ tự quyết định.

Quỹ ĐTPT sẽ là nguồn vốn chính hỗ trợ cho kinh tế các địa phương.

Đây là một định chế tài chính mới, đã được Chính phủ thí điểm triển khai thực hiện ở 12 tỉnh, thành phố trong cả nước trong 6 năm qua và dự kiến sẽ mở rộng thêm ở một số tỉnh, thành bởi nhu cầu vốn đầu tư phát triển của các ngành, các địa phương rất lớn và ngày càng tăng.

Tuy nhiên, quan điểm của Chính phủ là không mở rộng việc thành lập Quỹ ở tất cả các địa phương mà chỉ tập trung ở các đô thị, các khu tam giác kinh tế, khu kinh tế trọng điểm có đủ điều kiện về tài chính nhằm tạo động lực thúc đẩy hoạt động đầu tư và phát triển tại các địa phương, từ đó làm đầu kéo cho sự phát triển kinh tế trong khu vực.

Tháng 6/1996, Chính phủ đã quyết định thí điểm thành lập Quỹ Đầu tư phát triển đô thị TP.HCM. Từ đó đến nay đã có 12 tỉnh, thành phố thành lập loại hình Quỹ này. Tổng số vốn đầu tư trực tiếp của các Quỹ đến hết năm 2002 là trên 300 tỷ đồng, chiếm trên 25% vốn điều lệ. Các Quỹ đã hợp vốn cùng với các tổ chức kinh tế khác trên địa bàn đầu tư vào hơn 120 dự án, với tổng mức vốn đầu tư trên 1.500 tỷ đồng.

Chính phủ dự kiến cuối năm nay sẽ ban hành Nghị định về tổ chức và hoạt động của Quỹ ĐTPT. Theo đó, sẽ cho phép hoạt động đầu tư trực tiếp của các Quỹ được thực hiện dưới nhiều hình thức khác nhau như đầu tư trọn gói bằng nguồn vốn tự có của Quỹ, hợp vốn với các tổ chức kinh tế để cùng thực hiện dự án và góp vốn thành lập các doanh nghiệp để đấu tư vào các dự án hạ tầng kinh tế, kỹ thuật trên địa bàn.

Khác với các tổ chức tín dụng thành lập theo quyết định của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, Quỹ ĐTPT do Chủ tịch UBND cấp tỉnh phê duyệt thành lập. Bộ Tài chính sẽ hướng dẫn việc xây dựng điều lệ và giám sát các hoạt động của quỹ; thực hiện chức năng quản lý Nhà nước đối với hoạt động của quỹ.

Quỹ ĐTPT được xác định là tổ chức tài chính Nhà nước hoạt động trên nguyên tắc bảo toàn vốn. Ngân sách địa phương không bao cấp cho các hoạt động của Quỹ. Trong quá trình hoạt động, tuỳ từng công trình, dự án mà Quỹ xác định phương thức đầu tư và mức lợi nhuận phù hợp. Nhưng nhìn chung hoạt động của Quỹ mang nhiều tính chất của một tổ chức tài chính chính sách.

Quỹ ĐTPT sẽ cho vay các dự án thuộc các lĩnh vực, ngành nghề ưu tiên nằm trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, thành phố. Lãi suất cho vay là lãi suất ưu đãi, thay đổi linh hoạt theo từng dự án. Dự án cho vay của các Quỹ đầu tư phát triển đều là dự án trung và dài hạn.

Ngoài ra, Quỹ có thể có các hoạt động khác như quản lý vốn uỷ thác của các tổ chức kinh tế trên địa bàn, nhằm tận dụng nguồn vốn và năng lực bộ máy hiện có; thực hiện tư vấn đầu tư để từng bước sắp xếp lại các hoạt động dịch vụ tài chính trên địa bàn, đồng thời sử dụng chính những kinh nghiệm thu được để phục vụ trở lại các hoạt động của Quỹ.

Vốn hoạt động của các Quỹ đầu tư phát triển khi mới thành lập (vốn điều lệ) được hình thành từ các nguồn tăng thu, tiết kiệm chi của ngân sách địa phương (đối với các Quỹ thí điểm là 50 tỷ đồng). Hàng năm, vốn điều lệ của các Quỹ được bổ sung từ các nguồn tích luỹ trong quá trình hoạt động. Hiện tổng số vốn điều lệ của các quỹ đã lên tới trên 1.200 tỷ đồng. Một số quỹ có quy mô vốn điều lệ khá lớn như TP.HCM 390 tỷ, Đồng Nai 140 tỷ, Bình Dương 100 tỷ đồng, Bình Định 100 tỷ đồng.

Trong quá trình hoạt động, các Quỹ có thể huy động các nguồn vốn khác nhau trong nền kinh tế, phục vụ cho hoạt động đầu tư của mình. Các hình thức huy động vốn chủ yếu bao gồm: huy động vốn của các tổ chức kinh tế, tài chính trên địa bàn cùng tham gia đầu tư trực tiếp hoặc cho vay các dự án; tranh thủ nguồn vốn của các tổ chức nước ngoài để đầu tư khu hàng rào ngoài khu công nghiệp, phát triển kết cấu hạ tầng nông thôn, bảo vệ môi trường.

Quỹ cũng là công cụ để chính quyền địa phương huy động vốn phục vụ nhu cầu đầu tư xây dựng công trình kết cấu hạ tầng thuộc phạm vi ngân sách cấp tỉnh. Mức vốn huy động của Quỹ cho ngân sách tỉnh không quá 30% vốn đầu tư xây dựng cơ bản hàng năm của ngân sách cấp tỉnh.

Theo Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Lê Đức Thuý, hệ thống tín dụng Nhà nước mới đáp ứng khoảng 40% nhu cầu vốn. Thị trường chứng khoán của Việt Nam còn rất nhỏ bé, gần đây có xu hướng sút giảm; các kênh huy động vốn khác chưa phát triển.

Do đó, ''việc triển khai mở rộng mô hình Quỹ ĐTPT ở các địa phương có điều kiện là nhu cầu tất yếu trong thời gian tới", như Thứ trưởng Bộ Tài chính Lê Thị Băng Tâm khẳng dịnh.

Quỹ ĐTPT tỉnh, thành phố độc lập với các tổ chức kinh tế, tài chính hiện hành

Quỹ ĐTPT các tỉnh, thành phố được phân biệt với các tổ chức kinh tế, tài chính khác (doanh nghiệp và các tổ chức tài chính, tín dụng) bởi Quỹ kết hợp giữa mục tiêu hiệu quả kinh tế với hiệu quả xã hội là chính; không đặt mục tiêu lợi nhuận lên hàng đầu như các tổ chức kinh tế khác.

Đối tượng đầu tư của quỹ tập trung vào các dự án, công trình theo chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của từng địa phương và phạm vi đầu tư được giới hạn trên địa bàn từng tỉnh. Quỹ không thực hiện các nghiệp vụ về nhận tiền gửi, phát hành chứng chỉ tiền gửi, vay vốn ngân hàng. Dịch vụ thanh toán và ngân quỹ, cho vay chỉ là một trong các hình thức hoạt động của Quỹ và chủ yếu là dưới dạng hợp vốn để dẫn dắt các tổ chức tín dụng khác cùng tham gia đầu tư theo các mục tiêu của địa phương.

Chế độ tiền lương, phân phối thu nhập thực hiện căn cứ vào kết quả hoạt động của Quỹ. Trong thời gian trước mắt, Quỹ được sử dụng chế độ tiền lương như các doanh nghiệp Nhà nước. Khi có đủ điều kiện, Chính phủ sẽ chỉ đạo việc xây dựng một hệ thống thang bậc lương riêng cho các Quỹ. Riêng hoạt động cho vay sẽ được miễn thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập doanh nghiệp.

Dự thảo Nghị định quy định cụ thể về giới hạn huy động vốn vay, biện pháp đảm bảo tiền vay, trích lập quỹ dự phòng rủi ro, xử lý rủi ro... nhằm đảm bảo an toàn trong hoạt động tín dụng của Quỹ. Đối với việc xử lý rủi ro, Dự thảo Nghị định quy định rõ thẩm quyền xử lý bao gồm: gia hạn nợ, miễn hoặc giảm lãi tiền vay được phân cấp cho Hội đồng quản lý Quỹ. Chủ tịch UBND cấp tính quyết định việc khoanh nợ, xoá nợ.

  • Hồng Phúc
  Gửi tin qua Mobile Gửi tin qua E-mail In tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC:
EU đưa ra rào cản mới về quản lý hóa chất (24/07/2003)
USITC: Cá basa Việt Nam gây thiệt hại cho catfish Mỹ (24/07/2003)
Hiu hắt... thị trường xe máy Hà Nội (24/07/2003)
Cung khan hiếm, giá hạt tiêu tăng (24/07/2003)
Thị trường nhà đất Đà Nẵng có dấu hiệu bất ổn (24/07/2003)
Tiếp sức cho HTX tại các nước ASEAN (24/07/2003)
Tàu Superstar Leo đưa du khách trở lại Việt Nam (24/07/2003)
USITC cần cân nhắc kỹ để có quyết định công bằng (23/07/2003)
Hoạt động kinh tế của ASEM cần có chiều sâu (23/07/2003)
Việt Nam đón khách du lịch Trung Quốc trở lại (23/07/2003)
Thị trường thép không biến động (23/07/2003)
Sẽ thay đổi màu xăng từ ngày 1/8 (23/07/2003)
Hơn 50% DN dệt may khai khống hạn ngạch phát triển (23/07/2003)
USD lên giá sau cái chết của các con trai Saddam Hussein (23/07/2003)
Xem tiep Tro ve dau trang