|
Thứ trưởng Đặng Hùng Võ tại toà soạn báo điện tử VietNamNet. |
Ông Võ cho biết: ''Ngày 1/8 là thời điểm sẽ đưa Luật Đất đai trưng cầu trên các phương tiện thông tin đại chúng, báo chí, về các phường xã ở tất các các địa phương trên toàn quốc''.
- Việc lấy ý kiến toàn dân sẽ thực hiện qua các kênh nào, thưa ông?
- Có nhiều hình thức: Một là công bố Dự thảo trên các phương tiện thông tin đại chúng và có một Ban thường trực để nhận ý kiến phản ánh của tất cả mọi người.
Bên cạnh đó, chúng tôi sẽ tổ chức hội thảo giữa các DN, tổ chức trong và ngoài nước và các tổ chức sử dụng đất trên nhiều vùng khác nhau để lấy ý kiến của họ. Tổ chức hội nghị để lấy ý kiến các tỉnh, trong đó có cả ý kiến của nhân dân thuộc khu vực.
Chúng tôi cũng sẽ có một website riêng để đưa Bộ luật Đất đai lên và lấy ý kiến nhân dân qua đó.
- Một mình Bộ Tài nguyên Môi trường đứng ra tổ chức thực hiện việc trưng cầu dân ý?
- Không, việc này là phối hợp giữa chúng tôi và Ủy ban Kinh tế ngân sách của Quốc hội. Đây là 2 đơn vị được giao chịu trách nhiệm chính.
- Người dân sẽ được góp ý toàn văn hay chỉ một số điểm chính của Dự luật?
- Toàn dân sẽ được góp ý về mọi nội dung Dự luật. Tuy nhiên, chúng tôi cũng sẽ gợi ý khoảng 14-15 điểm quan trọng cần chú ý như: Về đảm bảo cho người sử dụng đất, phân loại đất, quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất, thẩm quyền giao đất, cho thuê đất, thu hồi đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất... Trong 4, 5 ngày tới, Bộ Tài nguyên sẽ cùng một số bộ khác và Ủy ban Kinh tế ngân sách của Quốc hội họp bàn về vấn đề này.
- Vấn đề sở hữu toàn dân có được xem xét lại trước khi đưa ra góp ý?
- Vấn đề này cũng đang chờ ý kiến của UBTV Quốc hội. Nhưng tôi chắc là ý chí tập trung của Nhà nước như vậy, ý kiến các đại biểu Quốc hội cũng đã bàn và khá tập trung rồi nên sẽ không bàn thêm về chuyện sở hữu toàn dân và sẽ nhất trí như Dự thảo.
- Chúng ta đem Bộ luật ra trưng cầu dân ý trong thời gian 2 tháng, sát ngay Kỳ họp thứ 4 của Quốc hội vào cuối năm nay. Vậy có kịp tổng hợp những ý kiến góp ý để trình Quốc hội không và việc này có mang tính hình thức quá không?
- Tôi cho rằng 2 tháng quá đủ để nhân dân phát biểu. Thời đại công nghệ thông tin chứ đâu phải chạy ngựa như ngày xưa, từ điện thoại, đường dây nóng, thư từ đến trang web,... hoàn toàn đủ thời gian. Chúng tôi sẽ huy động người và nếu có thể, tập trung hàng trăm người để xử lý cũng được, không vấn đề gì cả.
- Hiện việc cấp sổ đỏ rất chậm, điều này ảnh hưởng thế nào đến mục tiêu đưa đất đai vào thị trường bất động sản như tinh thần Dự luật?
- Có 2 lý do: Người dân làm chậm do chưa ý thức được ý nghĩa của sổ đỏ, chưa ý thức về giá trị của tờ giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mà khi có nó họ mới được đầu tư phát triển thị trường và các công trình trên đất để tăng cường nguồn vốn đất đai của mình. Thứ hai là các cơ quan nhà nước thực thi yếu kém. Luật mới sẽ điều chỉnh cả 2 điểm đó. Nhũng nhiễu của chính quyền, của người quản lý đối với dân sẽ không còn sau khi thực thi Luật. Đó là điều phấn đấu của Luật.
- Cụ thể hơn, Luật sẽ điều chỉnh việc nhũng nhiễu của các cơ quan thực thi như thế bào?
- Dự thảo luật quy định cụ thể về các hành vi vi phạm của cơ quan quản lý nhà nước và nếu vi phạm thì sẽ bị xử phạt thế nào. Trong luật có hẳn 1 điều quy định các hành vi vi phạm của người quản lý, quy định cụ thể trách nhiệm của UBND các cấp cũng như các cơ quan địa chính các cấp. Điều này rất hiếm luật có được.
Trước đây, các UBND xã, phường biết sai phạm đất đai trên địa bàn mình nhưng không ngăn chặn vì họ cho rằng đó là việc của UBND các cấp thuộc tỉnh, nhưng bây giờ họ sẽ phải trực tiếp làm. Khi đã có quy định rất cụ thể rồi, từ trách nhiệm quyền hạn của các cấp, UBND... thì trách nhiệm của UBND xã phường rất cao. Họ phải phá dỡ ngay nếu có hành vi lấn chiếm và nếu không làm sẽ phải chịu trách nhiệm. Khi đã có quy định rất cụ thể rồi thì tôi tin sẽ cải thiện sớm các sai phạm.
Thêm một bước nữa chúng ta phải làm là Nhà nước lần này sẽ phải đầu tư để phổ biến rộng khắp để từng người dân và các cấp hiểu luật thật kỹ lưỡng. Chúng tôi sẽ tập trung làm kỹ để Luật có hiệu lực ngay. Chúng ta phải thực hiện việc thực thi rất tốt chứ không phải làm sai phạm khắp nơi như Quyết định 13 của Thủ tướng Chính phủ.
- Người dân đã làm thủ tục cấp sổ đỏ nhưng chưa được nhận ngay. Trong thời gian chờ sổ họ sẽ được hưởng những quyền lợi gì?
- Chính phủ sẽ quy định thời hạn hoàn thành việc cấp sổ đỏ và trong thời gian chưa hoàn thành việc cấp sổ thì công dân có quyền sử dụng các giấy tờ có giá trị tương đương và được thực hiện như khi có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
- Khi nào thì Chính phủ cho phép những kiều bào sống ở nước ngoài nhiều năm được quyền sử dụng, sang nhượng và mua bán quyền sử dụng đất?
- Hiện nay, pháp luật về đất đai đã cho phép người Việt Nam định cư ở nước ngoài được mua nhà ở kèm theo quyền sử dụng đất trong một số trường hợp về đầu tư tại Việt Nam, có nhu cầu định cư tại Việt Nam, các nhà văn hóa, khoa học có công trình tại Việt Nam.
Người Việt Nam định cư ở nước ngoài về đầu tư tại Việt Nam có thể lựa chọn hình thức đầu tư theo Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam hoặc Luật Khuyến khích đầu tư trong nước. Như vậy, người Việt Nam định cư ở nước ngoài đầu tư ở Việt Nam có quyền tương đương như nhà đầu tư trong nước.