Muốn phát triển, không thể không liên kết
09:01' 20/07/2003 (GMT+7)

Tháng 2/2002, sau khi dự lễ cắt băng khánh thành ở phía bờ Nam cầu Tân Đệ do tỉnh Nam Định tổ chức, Thủ tướng Phan Văn Khải đã phải đi bộ trong cơn mưa lạnh hơn 1km qua cầu sang bờ phía Bắc bên Thái Bình để dự lễ cắt băng khánh thành cầu này do tỉnh Thái Bình tổ chức. Hai tỉnh nằm hai bên bờ cầu Tân Đệ đã không thể cùng nhau tổ chức lễ khánh thành cây cầu này. Điều này cho thấy không ít địa phương ở Bắc bộ, trong đó có vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ (vùng KTTĐ), không phải lúc nào cũng ''ngồi bàn được với nhau'' trước những việc tưởng như đơn giản.

Cầu Tân Đệ.

Thiếu một sự gắn kết thống nhất

Báo cáo tại Hội nghị Phát triển kinh tế-xã hội Vùng KTTĐ Bắc bộ được tổ chức tại Quảng Ninh trong hai ngày đầu tuần, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư Trần Đình Khiển cho biết, tuy chỉ chiếm 3% diện tích, 10% dân số cả nước nhưng năm 2002, vùng KTTĐ Bắc bộ đã đóng góp 15% GDP, 25% giá trị sản xuất công nghiệp, 23% vốn đầu tư nước ngoài (ĐTNN), 28% thu ngân sách.

Tuy nhiên, cựu Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Xuân Giá đã khẳng định rằng những con số trên ''chỉ là sự lắp ghép cơ học từ số liệu của mỗi địa phương chứ không phải là kết quả được rút ra từ một thực thể kinh tế chung''.

Theo ông Giá, một trong những nguyên nhân của tình trạng này là do sự thiếu phối hợp giữa các địa phương. Ông cho biết, trong nội bộ của vùng, các tỉnh dường như không xây dựng kinh tế trên cơ sở lợi thế so sánh của từng tỉnh mà đều muốn xây dựng địa phương trở thành một thực thể kinh tế độc lập, không tính đến việc phối hợp với các địa phương bên cạnh để tránh lãng phí hoặc thừa công suất.

Phó thủ tướng Vũ Khoan thừa nhận đây là vùng nông nghiệp nhưng công nghiệp chế biến thực phẩm kém phát triển, không có sự liên hệ nào giữa các nhà máy chế biến với vùng nguyên liệu. Nhà máy chế biến Cà chua (Hải Phòng) với tổng vốn đầu tư khoảng 70 tỷ đồng, vừa xây dựng xong nay ''đang đắp chăn'' trong khi cà chua lại đang được trồng nhiều ở Hải Dương. Nhà máy dầu thực vật Quảng Ninh đang nhập toàn bộ nguyên liệu từ nước ngoài.

Một thực tế khác là việc đầu tư vào vùng KTTĐ Bắc bộ bấy lâu nay còn dựa nhiều vào Nhà nước. Trong khi vùng Đông Nam bộ, vốn đầu tư cho phát triển của Nhà nước chỉ chiếm 37,5% thì tại Bắc bộ, tỷ lệ này là 62%. Vốn của các doanh nghiệp ngoài quốc doanh, tại Đông Nam bộ là 21,7%, Bắc bộ là 15,91%; vốn ĐTNN của miền nam là 40,58%; Bắc bộ là 22,19%.

Với tỷ lệ vốn của tư nhân và của khu vực ĐTNN thấp như vậy, rõ ràng đây là khu vực kinh tế ''chưa hấp dẫn các doanh nghiệp'' và để thu hút đầu tư, đang diễn ra cuộc đua ''giảm giá tiền thuê đất'' giữa các địa phương. Theo lời Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Tấn Vạn, mỗi suất đầu tư trên một hecta cho xây dựng nhà máy cạnh đường 5 (Hà nội, Hải Phòng) là 23 tỷ đồng, trong khi đó ở vùng phía Nam dọc quốc lộ 51 chỉ từ 0,6-0,8 tỷ đồng. Ông Vạn đề nghị nên mạnh dạn chuyển đổi không gian phát triển công nghiệp ở vùng Bắc Bộ dọc đường 5 hiện nay sang dọc đường 18 từ Nội Bài đến Hạ Long.

Ngay trong lĩnh vực giáo dục, đây là vùng tập trung tới 50% số trường đại học trong cả nước với đội ngũ cán bộ khoa học dồi dào nhưng cũng chưa được khai thác hiệu quả. Trong khi thiếu lao động kỹ thuật cao (chỉ có 47 trong tổng số 213 trường của cả nước) thì gần 50.000 người đã tốt nghiệp cao đẳng, đại học đang thất nghiệp lại tập trung ở các đô thị trong vùng KTTĐ này và có xu hướng tăng lên.

Không liên kết, không thể phát triển

Thủ tướng Phan Văn Khải đã đồng ý với đề xuất của các địa phương sẽ thành lập một tổ chức làm nhiệm vụ đôn đốc, điều hoà, phối hợp thực hiện các chủ trương của cả vùng và do Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì. Thủ tướng cũng đồng ý đưa thêm ba thành viên mới (Hà Tây, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh) vào vùng KTTĐ Bắc Bộ.

Cái khó hiện nay, nói như Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc-Trịnh Đình Dũng: Đã có những chính sách thù để nó trở thành vùng trọng điểm làm đầu tàu kéo các vùng khác. Nhưng Chính phủ cũng phải tạo điều kiện cho các địa phương khác phát triển để giảm dần khoản cách giàu nghèo, vừa tạo ra thị trường tiêu thụ cho vùng KTTĐ.

Thủ tướng Phan Văn Khải cho biết, do nhiều lý do khác nhau, các nhà đầu tư Nhật rất muốn đầu tư vào phía Bắc Việt Nam và để chuẩn bị cho ''trào lưu'' đầu tư này, từ gần 10 năm nay, một loạt cơ sở hạ tầng giao thông đã được Nhật tài trợ. Trước mắt, theo Thủ tướng, phải xác định rõ Nhà nước quản lý đến đâu, để tạo ra môi trường đầu tư thật sự hấp dẫn cho các doanh nghiệp đầu tư.

Phó Thủ tướng Vũ Khoan thì cho rằng cũng không nên quá lo ngại trước việc một loạt các ngành kinh tế tại vùng KTTĐ Bắc bộ chưa có được công nghệ hiện đại mà nên ''tận dụng những cái đã có trên nền phát triển công nghệ mới'' để phát triển các ngành khai khoáng, cơ khí, điện, sản xuất xi măng, may mặc, giày dép...

Thủ tướng yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư xây dựng một quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế-xã hội vùng KTTĐ Bắc bộ, trước hết là quy hoạch sản xuất công nghiệp theo hướng phải tìm ra được những mặt hàng lợi thế so sánh của vùng này.

(Theo TBKTSG)

  Gửi tin qua Mobile Gửi tin qua E-mail In tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC:
Đà Nẵng hướng dẫn DN khai báo hải quan điện tử (20/07/2003)
458,5 tỷ đồng chi cho SEA Games 22 và Para Games 2 (19/07/2003)
Gian lận hàng tỷ đồng thuế bằng cách ''chơi chữ'' (19/07/2003)
Mặt trái của hành vi cạnh tranh sẽ được điều chỉnh (19/07/2003)
Hội thảo về thuỷ sản Việt Nam tại Tokyo (19/07/2003)
"Không ký hợp đồng xuất gạo giá quá thấp" (19/07/2003)
Sẽ thay thế một nửa lượng phân bón DAP nhập khẩu (19/07/2003)
Vinatex dùng trên 80% nguyên liệu trong nước (19/07/2003)
"Việc cấm khai thác cá nóc là không khả thi" (19/07/2003)
Sẽ lập bản đồ quy hoạch vùng biển Việt Nam (19/07/2003)
Năm 2004, phấn đấu chi đầu tư phát triển đạt mức 30% ngân sách (18/07/2003)
Suy nghĩ vàng xuống giá đã thay đổi (18/07/2003)
Trung Quốc chưa muốn thả nổi đồng Nhân dân tệ (18/07/2003)
Người nước ngoài được nắm giữ 30% cổ phiếu niêm yết (18/07/2003)
Xem tiep Tro ve dau trang