Xây dựng Luật Cạnh tranh:
Mặt trái của hành vi cạnh tranh sẽ được điều chỉnh
10:58' 19/07/2003 (GMT+7)

Thoả thuận ngưng bán đường của Hiệp hội Mía đường được coi là cạnh tranh không lành mạnh.

''Mục đích soạn thảo Luật Cạnh tranh là nhằm điều chỉnh mặt trái của những hành vi cạnh tranh. Luật không cấm cạnh tranh, mà tạo lập môi trường cạnh tranh bình đẳng và bảo vệ môi trường cạnh tranh đó. DN được thực hiện quyền tự do cạnh tranh mà không xâm hại đến thị trường, đến quyền lợi người tiêu dùng và DN khác''. Ông Trương Quang Hoài Nam, Vụ trưởng Vụ pháp chế Bộ Thương mại, cho biết như vậy tại hội thảo góp ý xây dựng Luật Cạnh tranh vừa tổ chức ở TP.HCM.

Ông Nam thừa nhận, từ nhiều năm nay người dân cũng như DN đã nêu lên nhu cầu bức bách về một khung pháp lý để điều chỉnh những hành vi cạnh tranh không bình đẳng.

Hiệp hội, cơ quan nhà nước cũng bị xử lý 

Ðối tượng điều chỉnh mà dự thảo luật đưa ra là các hành vi cạnh tranh trong quá trình kinh doanh và các hành vi cạnh tranh không lành mạnh. Trong đó bao gồm cả những hành vi thỏa thuận hạn chế cạnh tranh, lạm dụng vị trí thống lĩnh và vị trí độc quyền gây thiệt hại cho thị trường.

Luật DN được coi là ''luật đầu vào'' - tạo ra DN, Luật Phá sản được coi là ''luật đầu ra'' còn Luật Cạnh tranh là khúc giữa của cái đầu vào và đầu ra ấy.

Ông Trương Quang Hoài Nam Vụ trưởng Vụ pháp chế Bộ Thương mại. 

Dự thảo không chỉ quy định áp dụng đối với tổ chức, cá nhân có hoạt động sản xuất kinh doanh mà cả hiệp hội ngành nghề và cơ quan quản lý nhà nước. Ông Nam giải thích việc đưa hiệp hội vào phạm vi áp dụng của dự thảo luật vì đây là diễn đàn tập hợp nhiều thương nhân có nhiều điểm chung. Dù không hoạt động kinh doanh trực tiếp, nhưng hành vi, quyết định của hiệp hội nhiều khi có ảnh hưởng đến môi trường cạnh tranh. 

Cơ quan quản lý nhà nước cũng nằm trong phạm vi áp dụng mà dự thảo luật đã đề cập, bởi các cơ quan này có thể có hành vi can thiệp vào hoạt động kinh doanh của DN làm ảnh hưởng đến cạnh tranh trên thị trường. Chẳng hạn, Sở Giáo dục một tỉnh quy định học sinh chỉ được sử dụng bút có nhãn hiệu nào đó chính là làm tổn hại đến khả năng cạnh tranh của những loại bút có nhãn hiệu khác.

Phó Tổng giám đốc Công ty liên doanh Mercedes - Benz, ông Hà Chí Thành cho rằng DN mình cũng là nạn nhân bởi sự can thiệp của cơ quan nhà nước. Ông Thành dẫn chứng một địa phương quy định trang bị xe buýt công cộng chỉ được mua của một công ty quốc doanh nào đó, đã làm cho các DN sản xuất ôtô khác không có cơ hội kinh doanh một cách bình đẳng.

Ông Nam cho biết, ở các nước đang phát triển và đặc biệt các nước có nền kinh tế đang chuyển đổi, Luật Cạnh tranh áp dụng cho các hoạt động của cơ quan nhà nước nếu có ban hành quy định làm hạn chế cạnh tranh. Ví dụ như quy định phân biệt trong đấu thầu, cấp phép cho công ty này nhưng không cấp phép cho công ty khác, quy định phân biệt trong việc cung cấp hàng hoá… 

Không được lạm dụng độc quyền

Ông Phạm Hồng Phát, Tổng giám đốc Công ty liên doanh Bình khí đốt Hong Leong Saigon ủng hộ ban soạn thảo đã đưa các DN độc quyền nhà nước vào trong phạm vi áp dụng của dự thảo luật. Bởi DN đang phải gánh chịu những sản phẩm, dịch vụ kém chất lượng của các DN độc quyền nhà nước. Bản thân Hong Leong đã từng bị các đối tác thuộc các ngành độc quyền nhà nước vi phạm hợp đồng nhưng không hề nhận được lời xin lỗi. Ông Phát nói: '' Ðối với các ngành này, mình chỉ là thượng đế nháy nháy. Nếu cứ duy trì cách làm này DN sẽ khó có thể tồn tại khi hội nhập''.

Các DN, hiệp hội nước ngoài cũng là đối tượng được áp dụng trong dự thảo luật cạnh tranh này. Bởi vì trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế hiện nay, quan hệ kinh tế, thương mại vượt ra ngoài biên giới từng quốc gia. Một công ty đặt trụ sở ở nước này nhưng có thể chi phối thị trường ở một nước khác. Ngay khi thực hiện AFTA (Khu vực mậu dịch tự do các nước Ðông Nam Á), nền kinh tế các nước thành viên sẽ trở nên nhạy cảm hơn với tác động của hành vi cạnh tranh xảy ra ở một nước thành viên khác. 

Dự thảo luật cạnh tranh lần này cũng đề cập đến những hành vi thỏa thuận hạn chế cạnh tranh như thỏa thuận ấn định giá, phân chia thị trường, hạn chế số lượng, thông đồng để một bên hay một số bên thắng thầu, ngăn cản hoặc kìm hãm DN khác tham gia thị trường… Trong đó, hành vi thông đồng để thắng thầu hoàn toàn bị cấm, các hành vi còn lại có thể xem xét một số trường hợp được miễn trừ. 

Nỗ lực xây dựng cho mình vị trí thống lĩnh, độc quyền trên thị trường là mục tiêu chính đáng của DN. Dự thảo luật khẳng định điều này, nhưng cũng quy định chế tài khi DN lạm dụng vị trí này. Ông Nam nói: Vị trí độc quyền DN đã phải đổi bằng mồ hôi nước mắt nên không thể xem là có tội. Nhưng độc quyền đó sẽ bị xem là vi phạm luật pháp khi lạm dụng vị trí này gây thiệt hại cho xã hội. Theo dự thảo, những hành vi lạm dụng độc quyền bị xem là vi phạm luật như đẩy giá lên cao làm thiệt hại cho người tiêu dùng, làm DN khác không thể phát triển, gia nhập thị trường. 

Người dân đang mong đợi một môi trường pháp lý thật sự khuyến khích cạnh tranh để phát triển kinh tế, tránh những hành vi can thiệp hành chính làm cản trở cạnh tranh, nhưng đồng thời cũng bảo vệ được quyền lợi người tiêu dùng, DN và cả nền kinh tế trong xu thế hội nhập. Ðó là điều làm những người soạn thảo dự thảo Luật Cạnh tranh đang phải xem xét một cách thấu đáo. 

Một số hành vi cạnh tranh không lành mạnh sẽ bị xử lý theo dự thảo Luật Cạnh tranh: 

- Giả mạo chỉ dẫn thương mại (tên thương mại, chỉ dẫn địa lý, quyền sở hữu công nghiệp). 

- Xâm phạm bí mật kinh doanh. 

- Mua chuộc, dụ dỗ, ép buộc trong kinh doanh và gièm pha DN khác. 

- Gây rối loạn hoạt động kinh doanh của DN khác. 

- Lôi kéo nhân viên của đối thủ cạnh tranh. 

- Quảng cáo nhằm cạnh tranh không lành mạnh. 

- Khuyến mãi nhằm cạnh tranh không lành mạnh. 

- Phân biệt đối xử trong hiệp hội bán hàng đa cấp bất chính.

(Theo SGTT)

  Gửi tin qua Mobile Gửi tin qua E-mail In tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC:
Hội thảo về thuỷ sản Việt Nam tại Tokyo (19/07/2003)
"Không ký hợp đồng xuất gạo giá quá thấp" (19/07/2003)
Sẽ thay thế một nửa lượng phân bón DAP nhập khẩu (19/07/2003)
Vinatex dùng trên 80% nguyên liệu trong nước (19/07/2003)
"Việc cấm khai thác cá nóc là không khả thi" (19/07/2003)
Sẽ lập bản đồ quy hoạch vùng biển Việt Nam (19/07/2003)
Năm 2004, phấn đấu chi đầu tư phát triển đạt mức 30% ngân sách (18/07/2003)
Suy nghĩ vàng xuống giá đã thay đổi (18/07/2003)
Trung Quốc chưa muốn thả nổi đồng Nhân dân tệ (18/07/2003)
Người nước ngoài được nắm giữ 30% cổ phiếu niêm yết (18/07/2003)
Khai trương nhà máy mì ăn liền của Việt Nam tại Ukraina (18/07/2003)
Nhà đầu tư chờ 3 năm vẫn chưa có đất! (18/07/2003)
Năm nay sẽ nhập trên 2 triệu tấn clinker (18/07/2003)
Ngân hàng Mỹ hoàn tất thủ tục bảo lãnh tín dụng cho Vietnam Airlines (18/07/2003)
Xem tiep Tro ve dau trang