Lùi thời hạn bỏ phiếu vụ kiện cá tra, basa đến 23/7
18:44' 17/07/2003 (GMT+7)
Cá basa hoàn toàn khác catfish Mỹ.
(VietNamNet)
- TS. Nguyễn Hữu Dũng, Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam (VASEP), vừa cho biết, Ủy ban Thương mại Quốc tế Hoa Kỳ (USITC) sẽ bỏ phiếu quyết định sản phẩm cá tra, basa đông lạnh của Việt Nam gây thiệt hại/có nguy cơ gây thiệt hại nền công nghiệp catfish Mỹ hay không vào 23/7, chứ không phải ngày 18/7. Thay vì công bố kết quả bỏ phiếu vào ngày 31/7, USITC sẽ thông báo vào 10/8.

Thứ tư tuần sau (23/7), tại Washington, 4 thành viên của USITC sẽ tiến hành bỏ phiếu. Theo thông lệ, 6 thành viên USITC sẽ tham gia bỏ phiếu, nhưng đến nay uỷ ban này đang trống 2 vị trí. Trong số 4 thành viên còn lại có 3 người là nữ.

Theo nghiên cứu của Viện Cato (Mỹ), 117 trong số 125 vụ kiện năm 2001, Bộ Thương mại Hoa Kỳ thấy rằng, khoảng cách giữa giá bán thực tế và giá thị trường của các mặt hàng nhập khẩu bị cho là bán phá giá đủ rộng để áp đặt mức thuế suất cao hơn mức tối thiểu là 2%. Cũng theo nghiên cứu nêu trên, 79% các phán quyết trong các vụ điều tra sơ bộ và 83% các phán quyết cuối cùng của USITC theo hướng có lợi cho ngành công nghiệp trong nước của Hoa Kỳ.

Trước đó, trong quyết định cuối cùng về vụ kiện, Bộ Thương mại Hoa Kỳ đã kết luận các DN Việt Nam bán phá giá và áp với mức thuế rất cao. Kết luận vô lý này đã không tính đến quy trình sản xuất cá tra, basa liên hoàn tại Việt Nam, mà chỉ sử dụng giá trị thay thế của cá nguyên con tại công đoạn filê là 1,23 USD/kg. Ngày 23/7 tới, nếu 3/4 thành viên USITC bỏ phiếu kết luận sản phẩm cá tra, basa Việt Nam không gây thiệt hại cho ngành sản xuất catfish Hoa Kỳ, lệnh áp thuế chống bán phá giá của DOC không còn hiệu lực. Ngược lại, USITC cho rằng có gây thiệt hại/đe doạ gây hại, mức thuế chống phá giá sẽ được áp ngay sau đó.

USITC đang chịu nhiều sức ép

Trao đổi với VietNamNet, TS. Nguyễn Hữu Dũng cho biết, hôm qua (16/7), 6 thượng nghị sĩ Mỹ, thuộc cả hai đảng (Cộng hòa và Dân chủ), tại 6 bang phân bố khắp nước Mỹ, đã gửi thư đến bà Deanna Tanner Okun, Chủ tịch USITC, để kêu gọi ủy ban này đưa ra kết luận công bằng, đúng đắn.

Chủ tịch Phòng Thương mại Hoa Kỳ tại Việt Nam (AmCham), ông Walter Blocker, đại diện hơn 750 thành viên, cũng gửi thư đến bà Deanna Tanner Okun. Trong thư nêu rõ: "Bất chấp những cam kết mơ hồ mà quyết định sơ bộ đã đưa ra, thuế chống bán phá giá đã được tính là bất công, không phản ánh công bằng hoạt động nuôi và chế biến (thủy sản) của các nhà xuất khẩu Việt Nam".

Họ cũng không hiểu vì sao giới kinh doanh cá da trơn Hoa Kỳ có thể khởi kiện chống lại cá tra và basa, trong khi một năm trước đó, chính họ đã lập luận rằng, catfish và cá tra, basa là hoàn toàn khác nhau; và nhờ vậy, đã thành công trong việc vận động Hạ viện Hoa Kỳ thông qua luật bảo hộ nhãn hiệu. Luật bảo hộ nhãn hiệu lẽ ra đã điều chỉnh được mọi rối loạn của thị trường và những khó khăn phát sinh, do vậy, vụ kiện bán phá giá này là hoàn toàn không cần thiết. Theo ông Dũng, sản phẩm bị khởi kiện là bán giá thấp dưới mức cho phép phải giống hoặc tương tự như sản phẩm của nguyên đơn. Trong trường hợp này, khi catfish và cá tra, basa là hai loài riêng biệt, thì các sản phẩm nhập khẩu đó không thể cạnh tranh trực tiếp với nhau. Do đó, không thể gây thiệt hại đáng kể đối với nền công nghiệp catfish Hoa Kỳ, ít nhất nó cũng không gây thiệt hại nhiều hơn bất kỳ sản phẩm cá nhập khẩu nào khác.

Trước đó, ngày 13/7, tờ Washington Post đã đăng bài của tác giả Paul Blustein, cho rằng, khi DOC áp thuế bán phá giá cứng rắn đối với sản phẩm cá tra, basa nhập khẩu, sự bảo hộ mà các DN Hoa Kỳ có được chính là chi phí của người tiêu dùng, những người chịu thiệt thòi mà đáng ra họ phải được hưởng các sản phẩm có giá thành rất rẻ. Còn các nhà xuất khẩu nước ngoài phải gánh mức thuế suất chống phá giá và buộc phải rút lui khỏi thị trường.

Chính ông David J. Rothkopf, Phó trợ lý Thứ trưởng thương mại của Chính phủ Clinton, từng thừa nhận: “Ðây hoàn toàn là sự biểu hiện đạo đức giả trong chính sách thương mại của Hoa Kỳ. Luật chống bán phá giá là một trong những hàng rào thương mại hiệu quả và bị lạm dụng nhiều nhất mà chúng ta có”.

Với những ai mong muốn nhìn thấy Hoa Kỳ thực hiện nguyên tắc tự do thương mại một cách trung thực hơn như họ từng rao giảng thì vụ kiện này như là một trò hề, minh chứng rằng bất kỳ lúc nào khi có sự việc liên quan đến nền công nghiệp có sức mạnh chính trị - ví dụ như thép, đường, gỗ xẻ - Washington lại thường tìm cách loại bỏ đối thủ cạnh tranh nước ngoài. Mặc dù luật chống bán phá giá nhằm mục đích thiết lập - một "sân chơi công bằng" cho các DN Hoa Kỳ và nước ngoài -  nhiều nhà kinh tế học và nhiều nhà lý luận về tự do thương mại đã nhạo báng các đạo luật và biện pháp thực thi thiên vị nhằm bảo hộ các nhà sản xuất trong nước.

Trích từ bài: "Cá da trơn Việt Nam đã viết nên một câu chuyện ngoại giao và tranh cãi về ưu đãi nội địa", đăng trên Washington Post ngày 13/7.

  • Hà Yên
  Gửi tin qua Mobile Gửi tin qua E-mail In tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC:
WTO buộc Nhật Bản dỡ bỏ biện pháp hạn chế nhập khẩu táo Mỹ (17/07/2003)
Giá gạo có thể sẽ tăng nhẹ (17/07/2003)
Xây nhà ở nông thôn sẽ phải có giấy phép (17/07/2003)
Nhiều công ty điện lực Mỹ tìm kiếm cơ hội kinh doanh tại Việt Nam (17/07/2003)
Chuẩn bị tổ chức ''Tuần văn hoá Việt Nam'' tại Hongkong (17/07/2003)
Nên hiểu thế nào về khái niệm ''phù hợp'' trong quảng cáo? (17/07/2003)
Đầu tư tin học của Vietnam Airlines ''chênh lệch'' 153,5 triệu đồng (17/07/2003)
Vì sao IMF ngừng giải ngân cho Việt Nam? (17/07/2003)
Siêu thị Metro đầu tiên tại Hà Nội mở cửa vào 31/7 (17/07/2003)
Sẽ có tuyến ống dẫn khí đốt giữa Việt Nam và 3 nước ASEAN (16/07/2003)
Công ty quản lý quỹ đầu tư chứng khoán đầu tiên được cấp phép (16/07/2003)
Không phải cứ trọng điểm là Nhà nước ''móc'' tiền ra làm hết (16/07/2003)
Hà Nội công bố giá đền bù GPMB quận Ba Đình, Tây Hồ (16/07/2003)
Từ 1/8, lại áp hạn ngạch với bông, thuốc lá nguyên liệu, muối (16/07/2003)
Xem tiep Tro ve dau trang