Cơ chế phân bổ hạn ngạch dệt - may vào thị trường Hoa Kỳ năm 2003
Hiệp định Dệt - may Việt Nam - Hoa Kỳ được ký tắt vào ngày 26/4/2003. Theo đó, từ ngày 1/5/2003 việc xuất khẩu hàng dệt may sang thị trường Hoa Kỳ bị khống chế về số lượng đối với 38 chủng loại sản phẩm (category - cat). Những cat. bị khống chế về số lượng là những cat. mà thị trường Hoa Kỳ có nhu cầu lớn và Việt Nam có khả năng xuất khẩu. Các cat. được xuất khẩu tự do (free quota) thì hoặc là nhu cầu không lớn hoặc là Việt Nam không có khả năng cạnh tranh.
Nếu tính theo giá trị xuất khẩu vào thị trường Hoa Kỳ năm 2002, thì mức xuất khẩu năm 2003 bao gồm các cat. được xuất khẩu tự do và các cat. bị khống chế theo hiệp định sẽ đạt giá trị khoảng 1,7 tỷ USD. Do bốn tháng đầu năm 2003 Việt Nam đã xuất khẩu tự do, cho nên hạn ngạch được giao chỉ tính cho 8 tháng (tức chỉ bằng 2/3 số lượng sản phẩm theo các cat. có hạn ngạch quy định trong hiệp định, tính ra giá trị hàng xuất khẩu, kể cả các sản phẩm không bị khống chế, chỉ khoảng 1,13 tỷ USD).
Đã có nhiều phương án khác nhau về phân giao hạn ngạch được đề xuất: Đấu thầu; giao cho các địa phương, các ngành phân cho các doanh nghiệp thuộc mình quản lý hoặc giao cho liên bộ Thương mại, Công nghiệp, Kế hoạch và Đầu tư và Hiệp hội Dệt may Việt Nam phối hợp phân bổ.
Sau khi cân nhắc nhiều mặt và để có thể phân nhanh hạn ngạch, ngày 21/5/2003, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định giao liên bộ phối hợp với Hiệp hội Dệt may Việt Nam phân bổ.
Chỉ sáu ngày sau (ngày 27/5), liên bộ Bộ Thương mại, Công nghiệp, Kế hoạch và Đầu tư (với sự tham gia của Hiệp hội Dệt may Việt Nam) đã ban hành Thông tư liên bộ số 02/2003/TTLT/BTM-KHĐT-CN quy định các nguyên tắc, tiêu chí để phân phối hạn ngạch cho các doanh nghiệp. Theo đó, các doanh nghiệp có quyền được phân hạn ngạch gồm:
1- Các doanh nghiệp đã xuất khẩu hàng dệt may sang thị trường Hoa Kỳ từ ngày 1/1/2002 đến ngày 31/3/2003. Đây là các doanh nghiệp đã có thị trường, bạn hàng và là các doanh nghiệp đã tạo ra mức xuất khẩu làm cơ sở để đàm phán hạn ngạch với Hoa Kỳ (Thông tư liên bộ gọi là các doanh nghiệp thành tích).
2- Các doanh nghiệp tuy chưa xuất khẩu vào thị trường Hoa Kỳ từ ngày 31/3/2003 về trước nhưng đã đầu tư sản xuất và có khả năng xuất khẩu và trên thực tế nhiều doanh nghiệp đã xuất khẩu từ ngày 1/4/2003 (Thông tư liên bộ gọi là các doanh nghiệp phát triển).
Thông tư đã được thông báo rộng rãi trên trang thông tin trên mạng của Bộ Thương mại (trang web www.mot.gov.vn), gửi đến các Sở Thương mại và doanh nghiệp. Ngày 5/6, liên Bộ đã tổ chức họp báo công bố rộng rãi Thông tư này.
Về quy định cấp VISA
Mặc dù việc cấp VISA (giấy chứng nhận xuất khẩu theo mẫu của Hoa Kỳ) được thực hiện từ ngày 1/7/2003 theo quy định của Hiệp định (do cần phải có thời gian chuẩn bị và in ấn biểu mẫu theo yêu cầu của Hoa Kỳ, khắc dấu, giới thiệu chữ ký của người ký visa cho Hải quan Hoa Kỳ), nhưng hạn ngạch chính thức bị áp đặt từ ngày 1/5/2003.
Để quản lý số lượng xuất khẩu từ ngày 1/5 đến khi xác định được hạn ngạch cho từng doanh nghiệp, Bộ Thương mại đã có Công văn số 0962/TM-XNK ngày 28/4 yêu cầu từ ngày 5/5 tất cả các doanh nghiệp xuất khẩu vào thị trường Hoa Kỳ phải có giấy chứng nhận xuất khẩu (E/C) do các Phòng Quản lý XNK thuộc Bộ Thương mại cấp.
Để có E/C, các doanh nghiệp phải xuất trình: Hợp đồng xuất khẩu (hoặc hợp đồng gia công), Hóa đơn thương mại và Bảng kê đóng gói hàng... Ngày 7/5, Bộ Thương mại lại có Công văn số 1024/TM-XNK nêu rõ: Số lượng sản phẩm xuất khẩu của các doanh nghiệp từ ngày 1/5 theo các cat. bị giới hạn bởi hạn ngạch đều phải trừ vào hạn ngạch mà doanh nghiệp sẽ được liên bộ phân bổ. Mục đích của việc này là để ngăn chặn tình trạng doanh nghiệp xin E/C dự phòng mà chưa có hợp đồng xuất khẩu, chưa đến ngày giao hàng theo hợp đồng.
Nếu không làm như vậy, các doanh nghiệp sẽ tận dụng thời gian hạn ngạch chưa được phân bổ để tranh thủ ký hợp đồng với khách hàng với khối lượng không bị khống chế, theo kiểu "mạnh ai nấy làm", đến khi hạn ngạch được phân bổ thì không còn hạn ngạch nữa, ảnh hưởng đến các doanh nghiệp đã sản xuất ra sản phẩm, sẵn sàng xuất khẩu nhưng không còn hạn ngạch.
Như vậy, không thể nói doanh nghiệp hiểu lầm rằng từ ngày 1/5 đến ngày 30/6 được xuất khẩu tự do và trách nhiệm thuộc về Bộ Thương mại như một số ý kiến nêu trên báo chí trong những ngày gần đây.
Ngay sau khi có Thông tư, Tổ Điều hành liên Bộ đã làm việc khẩn trương, không kể thời gian, không kể ngày nghỉ để xử lý số liệu, lên phương án phân bổ. Nhưng do có hơn 700 doanh nghiệp xuất khẩu vào thị trường Hoa Kỳ, khối lượng công việc phải xử lý quá lớn, số liệu do doanh nghiệp gửi về Bộ Thương mại không khớp với số liệu Hải quan, nhiều doanh nghiệp gửi chậm, cho nên đến ngày 10-6 Bộ Thương mại mới có thể giao hạn ngạch đợt I và đến ngày 26/6 đã phân giao cho 518 doanh nghiệp có thành tích và 169 doanh nghiệp phát triển.
Tất cả các số liệu phân giao hạn ngạch cho doanh nghiệp đều được công bố trên trang thông tin trên mạng của Bộ Thương mại.
Đến nay, chưa có doanh nghiệp nào phản ánh về sự không công bằng và minh bạch của việc phân giao hạn ngạch. Có ý kiến phản ánh Bộ Thương mại không công bố tiêu chí phân bổ hạn ngạch. Bộ Thương mại cho rằng tiêu chí phân bổ đã được xác định tại Thông tư liên bộ. Riêng công thức tính và hệ số phân bổ, do các doanh nghiệp gửi hồ sơ không đầy đủ, vì vậy phải tính lại hệ số điều chỉnh cho từng đợt phân bổ và chỉ khi kết thúc việc phân bổ mới xác định được hệ số chung cho tất cả các tỷ lệ và ngày 5/7, Bộ Thương mại đã công bố công khai trên trang thông tin của Bộ.
Những vấn đề gì đang nổi lên chung quanh việc phân hạn ngạch dệt - may?
Việc phân giao hạn ngạch là công bằng, công khai và minh bạch, doanh nghiệp có thể so sánh được phần hạn ngạch của mình với các doanh nghiệp khác. Nhưng do hạn ngạch Hoa Kỳ định cho Việt Nam thấp hơn nhiều so với năng lực sản xuất của ngành dệt - may Việt Nam và nhiều doanh nghiệp đã tận dụng thời gian từ ngày 1/5 đến 15/6, khi liên bộ chưa phân bổ được hạn ngạch để đẩy mạnh xuất khẩu vào Hoa Kỳ (gần 50% hạn ngạch mà Việt Nam có trong năm 2003), cho nên, số còn lại không nhiều, trong khi nhiều doanh nghiệp đã "tranh thủ" ký nhiều hợp đồng với khách hàng Hoa Kỳ với khối lượng lớn, đặc biệt là các cat. nóng dù chưa biết mình sẽ được phân bao nhiêu hạn ngạch.
Các doanh nghiệp này đã không quan tâm đến Công văn số 1024/TM-XNK ngày 7/5 (chỉ hai ngày sau khi việc xuất khẩu phải có E/C) trong đó quy định rõ rằng, số lượng xuất khẩu từ ngày 1-5 đến khi có thông báo giao hạn ngạch của liên bộ sẽ bị trừ vào số lượng hạn ngạch mà doanh nghiệp sẽ được phân bổ trong năm 2003.
Do việc phân bổ hạn ngạch thực hiện theo các tiêu chí quy định tại Thông tư liên bộ, căn cứ vào hệ số phân bổ, bảo đảm công bằng và khách quan và do việc các doanh nghiệp đã tranh thủ xuất khẩu với số lượng lớn từ ngày 1/5 đến ngày 15/6, cho nên số lượng hạn ngạch còn lại sau khi trừ đi số lượng đã xuất khẩu không đủ để ký hợp đồng xuất khẩu với khách hàng Hoa Kỳ (chưa kể có doanh nghiệp đã xuất khẩu quá mức hạn ngạch được giao). Từ đó, dẫn đến tình trạng tổng hạn ngạch còn lại theo từng cat. là không ít nhưng bị phân tán trong nhiều doanh nghiệp, khó ký được hợp đồng xuất khẩu, trong khi các doanh nghiệp có hợp đồng xuất khẩu lại thiếu hạn ngạch.
Để xử lý tình hình này, cần có giải pháp hợp lý và có sự hợp tác từ phía các doanh nghiệp. Bởi lẽ, số hạn ngạch của doanh nghiệp (dù ít) đều là quyền lợi của các doanh nghiệp, các doanh nghiệp được quyền sử dụng hạn ngạch này. Liên bộ không có quyền lấy hạn ngạch của các doanh nghiệp này để phân cho các doanh nghiệp khác khi chưa biết rõ chắc chắn các doanh nghiệp này không có khả năng sử dụng. Ngày 4/7, Bộ Thương mại đã có Thông báo số 1766/TM-XNK đề nghị các doanh nghiệp giao lại cho Bộ Thương mại số hạn ngạch đã được phân nhưng không sử dụng được hoặc tự thỏa thuận vay mượn của nhau chỉ cần gửi văn bản thỏa thuận cho Bộ Thương mại mà không cần xin phép. Bộ Thương mại có trách nhiệm thu lại để hoàn trả cho các doanh nghiệp cho vay và khấu trừ của các doanh nghiệp đi vay trong năm 2004. Các doanh nghiệp không được mua bán hạn ngạch. Doanh nghiệp nào mua bán hạn ngạch sẽ bị thu hồi hạn ngạch và bị phạt nặng.
Đồng thời, Bộ Thương mại cũng đề nghị Hiệp hội Dệt may Việt Nam bàn với các doanh nghiệp về việc dùng hạn ngạch vay trước của năm 2004. Theo hướng dồn hạn ngạch vay này cho một số doanh nghiệp sử dụng trước, bảo đảm hiệu quả sử dụng chung. Doanh nghiệp sử dụng trước sẽ bị trừ vào hạn ngạch năm 2004.
Như vậy, đến thời điểm này, chúng ta có thể nói rằng với tinh thần trách nhiệm cao của các bộ liên quan, sự hợp tác hiệu quả của Hiệp hội Dệt may Việt Nam, việc phân bổ hạn ngạch dệt may sang thị trường Hoa Kỳ năm 2003 được triển khai một cách công khai, công bằng và minh bạch theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Những vấn đề phát sinh cũng đã có hướng xử lý nếu như có sự hợp tác của doanh nghiệp vì lợi ích của đất nước.
Cần nói thêm là trong khi các doanh nghiệp tập trung xuất khẩu vào thị trường Hoa Kỳ thì kim ngạch xuất khẩu hàng dệt - may vào các thị trường không phải hạn ngạch và thị trường EU giảm. Tình hình đó dẫn đến hệ quả là: Thứ nhất, doanh nghiệp Việt Nam mất bạn hàng và thị trường. Thứ hai, các doanh nghiệp đã bỏ mất thời gian thử sức trong môi trường cạnh tranh nhằm rút ra các kết luận cần thiết cho doanh nghiệp mình về công nghệ sản xuất, về tổ chức và quản lý, về xúc tiến thương mại để có thể đương đầu có hiệu quả với các thách thức khi việc bỏ hạn ngạch theo Hiệp định ATC/WTO đang đến gần. Vì vậy, các doanh nghiệp cần hết sức cố gắng xuất khẩu vào các thị trường này, đặc biệt là thị trường EU và Nhật Bản, những thị trường nhập khẩu hàng dệt may lớn.