Từ 1/8, tổng kiểm tra các cửa hàng ĐTDĐ tại Hà Nội
17:45' 10/07/2003 (GMT+7)

Hiện có tới 70% ĐTDĐ trên thị trường là hàng nhập lậu.

Hiện có tới 70% điện thoại di động (ĐTDĐ) trên thị trường là hàng nhập lậu. Đáng ngạc nhiên là chẳng thấy các tập đoàn sản xuất ĐTDĐ lên tiếng gì cả. Thế nhưng, Chi cục quản lý thị trường Hà Nội coi đây là chuyện ''đáng nói'' nên dự kiến sẽ tổng kiểm tra các cửa hàng kinh doanh ĐTDĐ ở Hà Nội từ ngày 1/8.

''Mèo trắng'' hay ''mèo đen'' đều là ''mèo''

Theo thống kê của ngành Bưu chính Viễn thông, trung bình một năm có 700-750 ngàn ĐTDĐ đăng ký mới. Trong khi đó lượng máy đăng ký làm thủ tục hải quan chỉ khoảng 190 - 200 ngàn chiếc/năm. Điều này cho thấy còn tới hơn 70% lượng ĐTDĐ là nhập lậu. Điều lạ là cho đến giờ chưa có tập đoàn sản xuất nào chính thức kiến nghị kiến nghị về việc hỗ trợ đấu tranh đối với tình trạng ĐTDĐ nhập lậu, kể cả các tập đoàn lớn như Nokia, Samsung, Motorola... trong khi lẽ ra họ phải là người chịu thiệt hại trước tiên. 

Theo ông Vương Trí Dũng, Trưởng phòng Nghiệp vụ, Chi cục quản lý thị trường Hà Nội, điều này cũng dễ hiểu vì hàng nhập lậu hay hàng hợp pháp cũng đều là ''của họ''. Một ''chuyên gia'' về buôn bán ĐTDĐ cũng nhận định, công nghệ sản xuất ĐTDĐ khá cao, liên tục thay đổi mẫu mã nên khả năng làm giả không dễ. Chỉ có điều các hãng sản xuất áp dụng tiêu chuẩn chất lượng khác nhau cho các vùng khác nhau. Chẳng hạn, chất lượng một chiếc Nokia sản xuất tại châu Âu phải khác chất lượng một chiếc Nokia sản xuất tại Đông Nam Á hay Trung Quốc.

Linh kiện và công nghệ như nhau chỉ chất lượng và giá cả khác nhau và đây chính là kẽ hở lớn để những ''đại gia'' như Công ty Đông Nam khai thác. Theo ước tính của ''chuyên gia'' trên, khiêm tốn nhất cũng có tới 50% linh kiện ĐTDĐ ''made in China''. Có nghĩa là người tiêu dùng bỏ tiền ra nhưng chưa chắc đã tiền nào của nấy. Cũng theo đánh giá, mỗi chiếc ĐTDĐ ''đánh'' về Việt Nam lãi tối thiểu là 300 ngàn đồng và tối đa là 700 ngàn đồng.

Chưa có giải pháp chống ĐTDĐ nhập lậu?

Hiện nay hàng rào kỹ thuật cũng như những giải pháp đấu tranh chống buôn lậu của các ngành Hải quan, Quản lý thị trường rất hạn chế. Ranh giới phân biệt hàng nhập khẩu hợp pháp và hàng nhập lậu cũng chưa rõ ràng. Để phân biệt được giữa hàng nhập khẩu chính ngạch với hàng ngoài luồng phải căn cứ vào hóa đơn mua bán và xuất xứ hàng hoá. Các hãng phải thể hiện được đặc trưng trên từng sản phẩm điện thoại, phải có sự phân biệt rõ ràng, ít ra là về nhãn mác. Tuy nhiên, ngay vấn đề này các DN cũng mới ''ậm ừ'' rằng còn phải xin ý kiến. 

Về chuyện dán tem, có DN đồng ý và cũng có DN không phản ứng gì. Cũng chưa có căn cứ phân biệt giữa hàng mới và cũ vì nhiều khi chỉ cần bấm máy cũng có thể coi là ''đã qua sử dụng''. Ngay chứng từ hoá đơn, nhãn mác về điện thoại đã qua sử dụng hiện cũng không có. Điều này gây khó khăn cho các cơ quan quản lý khi kiểm tra, vì rất thiếu các căn cứ pháp lý. 

Hiệp hội Điện tử - Tin học - Viễn thông đã kiến nghị Bộ Tài chính giảm thuế nhập khẩu ĐTDĐ (15%) và thuế GTGT (10%) xuống mức 5% với lý do thuế cao dẫn đến chuyện nhập lậu. Theo bà Nguyễn Thị Cúc, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Thuế, không phải tất cả những mặt hàng nhập lậu đều do thuế cao, thực tế cho thấy nhiều mặt hàng thuế thấp vẫn bị nhập lậu. Tuy nhiên, bà Cúc cho biết Bộ Tài chính dự kiến sẽ hạ thuế nhập khẩu ĐTDĐ xuống 10% song vẫn giữ nguyên thuế GTGT.

Hiện người tiêu dùng vẫn đang mua được hàng rẻ, DN thì bán được hàng, ĐTDĐ nhập lậu vẫn ''sống khoẻ'' nhưng Chi cục quản lý thị trường Hà Nội lại coi đây là một chuyên đề. Ông Vương Trí Dũng thông báo, Chi cục dự kiến sẽ tiến hành tổng kiểm tra tất cả các cửa hàng kinh doanh ĐTDĐ trên địa bàn Hà Nội từ 1/8.

(Theo Tiền Phong)

  Gửi tin qua Mobile Gửi tin qua E-mail In tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC:
Sony sẽ sản xuất sản phẩm ứng dụng CNTT ngay tại Việt Nam (10/07/2003)
TP.HCM thu hồi 6 khu đất sát cầu Sài Gòn (10/07/2003)
USD trên đà tăng giá (10/07/2003)
''Nhà máy đường đặt sai chỗ thì phải đóng cửa'' (10/07/2003)
Thị trường trái cây Việt Nam thiếu tổ chức (10/07/2003)
Nhiều hợp đồng tiêu thụ nông sản bị phá vỡ (10/07/2003)
Cần thông tin dự báo chính xác để bình ổn thị trường (10/07/2003)
Công ty nhập khẩu gạo lớn nhất Indonesia ngừng ký hợp đồng (10/07/2003)
Đầu tư nước ngoài vào Anh vẫn khả quan (10/07/2003)
Ngày hội CNTT Computerworld 2003 khai mạc sáng nay (10/07/2003)
Phân hạn ngạch dệt may cho DN dùng nguyên liệu trong nước (10/07/2003)
Gas giả: ngày càng tinh vi và phức tạp (10/07/2003)
Đoàn DN lữ hành hàng đầu Châu Âu đến Việt Nam (10/07/2003)
Đầy thử thách với mục tiêu tăng trưởng 7,5% (09/07/2003)
Xem tiep Tro ve dau trang