(VietNamNet) - Tại cuộc Toạ đàm Thương hiệu Việt trong hội nhập AFTA ngày 7/7 do Hội doanh nghiệp trẻ và Ủy ban quốc gia về Hợp tác kinh tế quốc tế tổ chức, đa số các đại biểu và DN đều cho rằng, xây dựng và khẳng định thương hiệu phải đi đôi với việc sản xuất ra những sản phẩm chất lượng, giá thành hạ, có sức cạnh tranh với hàng hoá bên ngoài.
DN cần có sự chuẩn bị kỹ càng
Theo ông Nguyễn Văn Thành, Giám đốc Công ty Thể thao Động Lực: ''Các DN trước hết phải có sản phẩm chất lượng, giá thành hạ thì mới nói chuyện thương hiệu được. Nhưng ngay cả có thương hiệu trong nước rồi khi ra nước ngoài phải làm lại từ đầu vì thương hiệu mạnh ở Việt Nam thì chỉ trong nước biết''. ''Công ty tôi đã chọn gia công cho một số hãng sản xuất dụng cụ thể thao lớn như Adidas, như thế cũng là cách để xây dựng thương hiệu'', ông Thành nói.
Đồng tình với ông Thành, Phó cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ Trần Việt Hùng cho rằng, xuất khẩu sản phẩm của mình dưới thương hiệu của một người khác chính là bước đầu tiên của việc xây dựng thương hiệu trên thị trường quốc tế. Nghĩa là lấy thương hiệu của người khác để ''nuôi'' và khẳng định thương hiệu riêng của mình.
Anh Đoàn Duy Thái, Bí thư TW Đoàn nói: ''Trong tiến trình hội nhập quốc tế, áp lực cạnh tranh đối với các sản phẩm của các DN Việt Nam không chỉ dừng lại ở giá cả và chất lượng sản phẩm. Thách thức sẽ còn nằm ở cả vấn đề thương hiệu. Vì thế, những DN Việt Nam có sự chuẩn bị kỹ càng từ trước sẽ đủ sức đương đầu với cạnh tranh ngày càng lớn trong tương lai''.
''Chúng tôi thấy khó quá''
Ông Vũ Dương Bình, Giám đốc Công ty TNHH Hoàng Bình, chuyên sản xuất sản phẩm chè, bộc bạch: ''Nhìn hình ảnh các hãng nước ngoài quảng cáo sản phẩm chè như Lipton, Nestea... xuất hiện ở mọi nơi, tôi cũng muốn làm như họ. Chất lượng sản phẩm của chúng tôi không thua kém nhưng tiếp thị thì kém xa. Khi hỏi mức tài trợ cho một chương trình thể thao, nghe họ nói tối thiểu 200.000 USD. Với mức chi phí đó, chúng tôi thấy khó quá''.
So sánh của ông Bình có vẻ ''không tương xứng'' nhưng cũng cho thấy chi phí ''thương hiệu'' làm tăng gánh nặng cho DN, nhất là những DN vừa và nhỏ. Ông Đỗ Thắng Hải, Cục phó Cục Xúc tiến thương mại cho biết: ''90% các DN ở Việt Nam là các DN có quy mô nhỏ và vừa, rất nhiều DN bán hàng năm nay không biết có tồn tại đến năm sau hay không. Vì thế, xây dựng thương hiệu chưa được họ quan tâm cũng là dễ hiểu''. Tuy nhiên, những vụ tranh chấp thời gian qua về thương hiệu còn thể hiện ý thức về thương hiệu của DN Việt Nam còn rất thấp.
Theo ông Đỗ Thắng Hải, sắp tới, trong Chương trình Thương hiệu quốc gia của Bộ Thương mại, DN sẽ được tài trợ 50-70% chi phí từ nguồn ngân sách Nhà nước để tham gia các chương trình xây dựng thương hiệu, mạng lưới phân phối, quảng bá sản phẩm, nghiên cứu và phát triển sản phẩm, thiết kế mẫu mã...
Nguy cơ mất thương hiệu ngay trên ''sân nhà''
Ông Trần Việt Hùng, Phó cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ, cho biết, hiện nay có hơn 80.000 nhãn hiệu nước ngoài được bảo hộ tại Việt Nam, trong khi chỉ có khoảng 21.000 nhãn hiệu đăng ký của các DN Việt Nam. Điều đó có nghĩa rằng các DN Việt Nam sẽ gặp phải khó khăn hơn trong việc chọn lựa những nhãn hiệu mới và còn có nguy cơ bị chiếm đoạt nhãn hiệu trên chính ''sân nhà''. Ông Hùng lấy ví dụ, đã có trường hợp DN nước ngoài ''mượn'' thương hiệu thuốc lá ''Vinataba'' để xuất hàng vào Việt Nam.
Ông Hùng lưu ý, để hộp nhập AFTA, DN Việt Nam phải lưu ý việc tạo ra và đăng ký nhãn hiệu một cách kịp thời ngay tại thị trường Việt Nam. Sự đăng ký kịp thời nhãn hiệu tại Việt Nam sẽ tạo lợi thế cho DN không chỉ trong kinh doanh trên ''sân nhà'' mà còn tạo một đăng ký gốc của nhãn hiệu để tạo thuận lợi khi xẩy ra tranh chấp ở nước ngoài. Kinh nghiệm qua trường hợp của Petro Vietnam đăng ký thương hiệu tại Mỹ xẩy ra tranh chấp, sau đó mới có công văn cấp tốc ''xin Thủ tướng''... đăng ký nhãn hiệu.
|