|
Giá tôm nguyên liệu tăng, DN bị lỗ do đã ký hợp đồng với giá thấp. |
Trong thời gian ngắn, giá tôm sú từ sụt giảm mạnh và kéo dài bỗng tăng mạnh. Sự chuyển hướng đột ngột này khiến một số DN bị lỗ do lỡ ký giá thấp, với khoảng 200-300 container đã giao, thiệt hại vài triệu USD. Hiện nay, giá tôm sú nguyên liệu trong nước là 100.000 đồng/kg (loại 30 con), so với trước đó chỉ 87.000 đồng/kg, và dự đoán sẽ còn tăng trong thời gian tới.
Giá tôm sú thương phẩm trên thị trường thế giới cũng đang tăng mạnh. Khoảng 2 tuần cuối tháng 6/2003, giá tôm sú tăng thêm 1,5 USD/kg. Mức tăng này là khá cao trong thời gian ngắn, nhất là ngay trong mùa thu hoạch hàng năm. Điều này chưa xảy ra trong nhiều năm qua.
Nguyên nhân của việc giá tăng đột biến là do đầu năm, trước khi bước vào vụ mới, các DN trong nước và nhà nhập khẩu nước ngoài cùng dự đoán: nguồn cung cấp tôm sú năm nay sẽ dồi dào. Những năm trước, người mua (nhà nhập khẩu) thương thảo ngay từ đầu năm và kéo dài đến khi vào vụ chính nên ít bị biến động lớn về giá. Nhưng hai năm nay, họ đợi đến vụ thu hoạch (tháng 6, 7), khi tôm hàng hóa nhiều, mới chịu xúc tiến ký kết để “ép giá”. Người bán (DN trong nước) cũng tính toán, khi vào vụ chính, lượng tôm sú sẽ rất nhiều nên sợ “dội chợ”, đành chấp nhận bán với giá thấp. Song, do nhà nhập khẩu chưa vội mua, càng làm giá thêm giảm, so đầu năm, giá tôm sú từ tháng 3, 4, 5 đến đầu tháng 6/2003 giảm ít nhất là 15%.
Bên cạnh đó, diện tích nuôi tôm sú ở Thái Lan giảm khoảng 50%, thay vì 35%, để chuyển qua nuôi tôm thẻ chân trắng. Tương tự, Indonesia lúc đầu dự đoán giảm 15% nhưng lại giảm đến 35% diện tích. Mùa vụ ở Ấn Độ, Bangladesh năm nay cũng không được tốt. Đến cuối tháng 6, đầu 7/2003, khi cảm thấy lượng tôm sú năm nay không dồi dào như dự kiến, nhà nhập khẩu vội vàng thương thảo và chấp nhận “bị ép” mua với giá cao do đây là giai đoạn cuối, chỉ còn khoảng 3 tháng để chuẩn bị cho mùa tiêu thụ chính ở EU, Mỹ… vào cuối năm nên không thể không có hàng.
Do vậy, giá tôm sú tăng ngay trong mùa thu hoạch, khoảng 13% trong mấy ngày qua là điều hoàn toàn bất ngờ nhưng hợp lý. Trên thực tế, lượng tôm sú của Việt Nam không ít hơn năm trước, dự kiến vẫn tăng. Nhưng đầu năm nay, tôm sú nuôi ở miền Trung bị chết nhiều, làm trễ vụ nên hiện nay, tôm thương phẩm đạt yêu cầu về kích cỡ chưa nhiều. Chính vì vậy, các nhà nhập khẩu phải tìm mua tôm nguyên liệu bằng mọi cách, làm giá càng biến động mạnh.
Do thiếu sót nên việc dự báo thông tin không phải lúc nào cũng chính xác. Một DN xuất khẩu tôm ở ĐBSCL, nơi chuyển dịch diện tích lúa sang tôm sú dẫn đầu cả nước, đã phải ra tận miền Trung để có thể tìm mua cả nghìn tấn tôm sú nguyên liệu cho kịp hợp đồng. Thị trường tôm sú một lần nữa lại biến động
(Theo SGGP) |