|
Tác phẩm nghệ thuật thường được đem bán đấu giá |
Mới chừng năm ngoái, một vài đơn vị tư nhân vẫn còn hào hứng tổ chức một hình thức mua bán mới: dịch vụ đấu giá. Thế nhưng, dường như hãy còn quá sớm để nhiều người dân có thể cần đến loại hình giao dịch này.
''Chợ'' đấu giá buồn tẻ
Với ý tưởng kinh doanh một hình thức dịch vụ tuy khá phổ biến ở nhiều nước nhưng còn mới mẻ tại Việt Nam, anh Lê Hoàng Quân, một doanh nhân trẻ, đã thành lập một công ty cổ phần chỉ cung cấp duy nhất dịch vụ tổ chức mua bán đấu giá. Phương thức giao dịch đã mới, lại thêm những hàng hoá đưa ra bán đấu giá cũng thuộc loại không có nhiều nhu cầu, đó là các tác phẩm nghệ thuật, đồ cổ, hay như các vật dụng của những người nổi tiếng, đặc biệt là giới văn nghệ sĩ.
Với nhiệt tình xông xáo ban đầu, một số phiên đấu giá cũng đã thực hiện được và thu hút một số người nhất định. Nhưng chẳng duy trì được lâu, các phiên ngày càng không có người tham dự. Anh nhanh chóng nhận ra rằng dịch vụ này quen với xứ người nhưng hãy còn quá lạ với xứ ta. Gặp lại anh, anh cho biết hiện công ty đã giải tán sau hơn một năm cố gắng cầm cự.
Trung tâm Giao dịch Bất động sản Tôgi là hai đơn vị cũng đã từng có sáng kiến tổ chức các phiên mua bán nhà theo phương thức đấu giá. Những người phụ trách khá tự tin với ý nghĩ đang cung cấp một loại giao dịch khá hoàn hảo. Thật vậy, cả người mua lẫn người bán có nhiều cơ hội để đạt được một giá chọn tốt nhất cho mình. Nhưng thực tế đã không như vậy, các phiên giao dịch đều ít người tham gia; ngay cả người bán nhà cũng không có nhu cầu đăng ký bán tài sản mình theo phương thức này. Người dân vẫn quen với các hình thức giao dịch lâu nay.
Công ty Thương mại Điện tử TVC khoảng năm trước cũng thực hiện phương thức bán đấu giá, hơn nữa, lại là bán đấu giá trên mạng, khiến cả người mua lẫn người bán đều cảm thấy khá thuận tiện. Hàng hoá đăng ký bán khá đa dạng và phù hợp với nhu cầu tiêu dùng của nhiều người, như điện thoại di động, máy vi tính, hàng điện tử, điện máy... Ông chủ trang web, anh Lê Thanh Hà, nói đã nghiên cứu khá kỹ kinh nghiệm tổ chức dịch vụ này của nước ngoài và vì thế làm khá bài bản, từ việc đăng ký, đặt cọc, kiểm tra hàng hoá, niêm phong, cho đến cả giai đoạn thanh toán sau khi giao dịch thành. Bây giờ, trang web này cũng đã tạm ngưng không hẹn ngày tái ngộ.
Hay, nhưng chưa thể!
Anh Lê Hoàng Quân nhận xét thói quen và tâm lý của đa số người dân trong giao dịch mua bán như lâu nay có thể xem là lý do đầu tiên khiến phương thức mua bán đấu giá hầu như chưa có “cửa” để phát triển. Người dân vẫn hay nghĩ tài sản bán đấu giá là tài sản có vấn đề về mặt pháp luật, được xử lý để thu hồi nợ. Ðể tổ chức đấu giá, điều kiện ràng buộc khá chặt chẽ, nhưng chính điều này lại làm cho người bán không thấy thoái mái. Nhiều ý kiến từ người bán nói rằng họ kẹt tiền mới bán tài sản vậy mà còn phải có trước một số tiền để đặt cọc, phải cam kết với đơn vị tổ chức không được bán cho người khác trong thời gian chờ đấu giá.
Anh Lê Thanh Hà, Giám đốc TVC, nhìn nhận đúng là chưa nghiên cứu đầy đủ tâm lý mua bán của người tiêu dùng. Người ta không thích chờ đợi và cũng không biết việc đấu giá có thành hay không. Hơn nữa, còn có nhiều kênh giao dịch khác vừa đơn giản vừa thuận tiện. Ví dụ như trên mạng hiện nay vẫn đầy các trang web rao vặt mua bán mà ở đó người ta có thể tìm thấy khá nhiều loại hàng hoá phù hợp với nhu cầu, ý định của họ. Số người lên mạng quá ít cũng là một trở ngại lớn cho việc tổ chức các hình thức mới, ngay cả bán hàng trên mạng cũng còn khó huống chi là đấu giá.
Nhưng còn một lý do khác cũng làm cho các đơn vị tư nhân khó tham gia dịch vụ tổ chức đấu giá. Ðó là một cơ chế để các công ty tư nhân cũng có thể tham gia việc đấu giá vào nhiều loại tài sản cần được bán theo phương thức đấu giá. Anh nói có những tài sản tranh chấp dân sự được giải quyết bán đấu giá, về mặt kỹ thuật có thể nhờ đơn vị bán đấu giá nào cũng được, tuy nhiên nếu là công ty đấu giá tư nhân thì vì không thể mời được công chứng viên nên việc mua bán không được công nhận. Giám đốc chi nhánh một ngân hàng nói thêm, trường hợp phát mãi tài sản khách hàng để thu hồi nợ, nếu mời đơn vị tư nhân, có thể việc tổ chức sẽ nhanh để thu hồi nợ sớm, thế nhưng hiện điều này không làm được.
(Theo SGTT) |