|
DN khổ vì những quy định thiếu tính thực tế của cơ quan thuế. |
5/17 DN dệt may ở TP.HCM vừa có cuộc họp kiến nghị về việc bị Cục Hải quan thành phố cưỡng chế thuế nhập khẩu nguyên vật liệu để sản xuất hàng xuất khẩu. Nguyên nhân là Hải quan coi chứng từ thanh toán hàng xuất khẩu không hợp lệ khi người thanh toán không trùng tên với người ký hợp đồng.
Cụ thể, theo Công văn số 4643 ngày 24/9/2002 của Tổng cục Hải quan, nếu người đứng tên thanh toán tiền mua hàng xuất khẩu trên chứng từ không đúng với tên người ký hợp đồng mua hàng, đồng thời trong hồ sơ xuất khẩu không có văn bản nào cho thấy hai bên có thảo thuận về việc có người thứ ba thanh toán thì chứng từ thanh toán hàng xuất khẩu bị xem là không hợp lệ. Việc xuất khẩu lô hàng không được cấp nhận và DN sẽ bị cưỡng chế thu thuế nhập khẩu nguyên vật liệu trước đó (trong khi lẽ ra thuế này phải được hoàn lại sau khi DN xuất hàng).
Với quy định này, hàng loạt DN dệt may tại TP.HCM bỗng nhiên trở thành đối tượng bị cưỡng chế thuế nhập khẩu, trong đó có DN bị cưỡng chế thuế lên đến hàng chục tỷ đồng. Bên cạnh đó, 17 DDN bị cưỡng chế chỉ được hưởng thời gian ân hạn thuế nhập khẩu có 30 ngày thay vì 275 ngày như trước đây. Với thời hạn này, các DN không thể nào hoàn tất quy trình nhập khẩu nguyên vật liệu, sản xuất hàng, xuất khẩu, thành toán, thanh lý tờ khai hải quan và cầm chắc sẽ bị cưỡng chế thuế. Công văn 4643 được áp dụng ngay sau khi ban hành, không có thời gian để DN chuẩn bị, khiến những chứng từ của các hợp đồng trước đó được chấp nhận bị xem là bất hợp lệ.
Tình hình này đang dẫn đến khả năng trước mắt sẽ có hơn 5.100 công nhân của 5 DN dệt may nói trên thất nghiệp. Đại diện 5 DN đã kiến nghị các cơ quan chức năng tạm thời ngừng truy thu thuế nhập khẩu cho những hợp đồng đã xuất khẩu, tạm hoãn việc cưỡng chế sau 30 ngày ân hạn và xét lại quy định của Công văn 4643.
(Theo Thanh Niên) |