Nguyên Phó Thủ tướng Nguyễn Công Tạn:
"Tôi vẫn ủng hộ chương trình 1 triệu tấn đường"
13:06' 06/07/2003 (GMT+7)
Cái đúng - sai của chương trình mía đường vẫn còn gây nhiều tranh cãi.
Ông Nguyễn Công Tạn, nguyên Phó Thủ tướng, nguyên Bộ trưởng Bộ NN-PTNT, đã bày tỏ quan điểm như vậy về chương trình mía đường (CTMĐ), về những được - mất, đúng - sai, bài học rút ra từ chương trình mà ông là người chịu trách nhiệm cao nhất. "Nói thành công thì không ít người phản đối, bởi đúng là một số chỉ tiêu đề ra không đạt. Nhưng nói không thành công cũng không khách quan, bởi mía đường là ngành kinh tế - xã hội và nhiều cái được cho dân sinh làm sao đo được", ông nói.

- Thưa ông, nay đã nghỉ hưu, ông còn quan tâm theo dõi thường xuyên CTMĐ?

- Có chứ. Tôi còn day dứt, nặng lòng với nó nhiều lắm.

- Ai là người đề ra chương trình 1 triệu tấn đường, thưa ông?

- Cấp trên đề ra chương trình này, và tôi là người cho đến tận giờ phút này vẫn ủng hộ chương trình đó. Nói như vậy tức là chương trình đó đúng, vì nó căn cứ trên nhu cầu tiêu dùng của 80 triệu dân, với mức bình quân tại các nước đang phát triển là 12kg/người/năm.

- Khi đương nhiệm bộ trưởng, ông là người chịu trách nhiệm cao nhất trong hoạch định chiến lược và thực thi CTMĐ, ông có tham khảo tình hình sản xuất và kinh doanh đường trên thế giới?

- Tôi có nghiên cứu và biết rằng một số nước cắt giảm diện tích, giảm nhà máy, nhưng chỉ tiêu 1 triệu tấn đường là phù hợp. Chỉ có điều bất ngờ là giá đường thế giới giảm nhanh quá. Nhưng cũng phải nói ngay là giá hàng hoá nông nghiệp khó nói được. Ví như, giá cao su đang cao bất ngờ lại hạ rất thấp. Ai sợ quá bỏ bớt là thiệt, bởi ngay lập tức nó lại lên.

Ông Nguyễn Công Tạn: ''Nói thật là bây giờ Bộ NN-PTNT cũng chưa có đủ số liệu để làm một bản tổng kết thật chuẩn xác. Vì không có thông tin đầy đủ nên chưa thể đánh giá CTMĐ thành công hay không. Các DN không cung cấp hết tình hình tài chính của họ, lực lượng chuyên viên cán bộ của cơ quan chức năng thì mỏng. Trong khi tất cả dựa vào DN và địa phương, mà những báo cáo này không phải lúc nào cũng trung thực, chính xác''.

- Đến nay, chúng ta đều biết CTMĐ có những bước đi sai. Nguyên nhân là do chúng ta chưa có quy hoạch tổng thể mà mới có tổng quan chung chung?

- Chúng ta nhớ lại rằng, thời đó, các chương trình kinh tế chỉ có những định hướng kiểu như bản tổng quan mía đường, chưa có tính toán cụ thể, quy hoạch cụ thể như bây giờ. Lấy tư duy thời nay mà soi chiếu thời trước rồi bảo sai thì có phần chưa thỏa đáng.

- Vậy thời đó ta căn cứ vào đâu để duyệt các vùng nguyên liệu và công suất nhà máy?

- Từ các số liệu tổng quan và tính toán trên mỗi dự án. Cứ tính dần cho đủ 1 triệu tấn đường. Tôi cũng không nhớ chính xác số liệu để xây dựng tổng quan từ nguồn nào, chỉ nhớ có một công ty tư vấn của Pháp đưa tôi xem một tập tài liệu góp ý kiến với ta rất bổ ích.

- Thưa ông, tại sao có rất nhiều nhà máy như Linh Cảm, Huế, Cam Ranh... nhìn bằng trực giác cũng biết không thể đủ nguyên liệu mà vẫn được phê duyệt?

- Để xây một nhà máy đường, có rất nhiều cơ quan thẩm định và phê duyệt, như KH-ĐT, ngân hàng, tài chính, chính quyền địa phương, chứ không riêng Bộ NN-PTNT. Tôi cũng nói thẳng là những cơ quan có trách nhiệm phê duyệt phải chịu rất nhiều sức ép khác nhau. Chuyện lãnh đạo nhiều tỉnh lên Trung ương "ăn vạ" xin bằng được dự án là có thật. Có một lý do nữa là trong các tờ trình xin dự án, địa phương nào cũng cam kết có đủ nguyên liệu, biện pháp xây dựng, hỗ trợ vùng nguyên liệu... với những chỉ số rất khả thi. Có nơi xây dựng nhà máy xong họ mới làm tời trình xin các cấp thẩm quyền để hợp thức hoá. Có tỉnh xin làm nhà máy 1.000 tấn mía/ngày, nhưng thực tế lại xây nhà máy 6.000 tấn mía/ngày.

- Với cương vị bộ trưởng, và sau là phó thủ tướng, ông thường phản ứng thế nào trước những sức ép đó?

- Cũng phải nói, động cơ của những sức ép đó có phần chính đáng, vì tỉnh nào cũng muốn địa phương có thêm công ăn việc làm cho dân, có bàn đạp để phát triển. Chỉ có điều là nóng vội, thiếu khoa học. Khi gặp những trường hợp đó tôi cũng nể chứ, nhưng cũng phải theo chiến lược mới đồng ý. Có một số dự án tôi đã từ chối kiên quyết vì biết chắc không hiệu quả.

- Có ý kiến cho rằng, một trong những lý do cơ bản là do nhiều người làm giàu từ những khoản thất thhoát lớn ở các dự án này. Ông có biết lượng thất thoát khoảng bao nhiêu không?

- Thất thoát chắc chắn là có. Bao nhiêu thì chỉ các cơ quan pháp luật mới biết. Còn ở vai trò quản lý, tôi không nắm được cụ thể tình hình tài chính trong đầu tư xây dựng cơ bản và sản xuất kinh doanh của DN.

- Ông có biết việc các chủ đầu tư khi mua thiết bị Trung Quốc thường "ép" mức vốn xuống dưới 100 tỷ để nhanh được duyệt, rồi sau đó mua dần cho hoàn thiện dây chuyền và đã đẩy tổng vốn đầu tư tăng lên?

- Chuyện đó tôi có biết ở một vài dự án, nhưng như tôi đã nói, những sai phạm này thuộc các cơ quan pháp luật theo dõi và xử lý chứ ngành không thể nắm sâu được.

- Bản thân ông có nhân danh bộ trưởng, phó thủ tướng để ủng hộ dự án nào không?

- Có chứ. Nhà máy ở Bình Định này, Bến Tre này, Tate & Lyle Nghệ An này... Phải nói rằng khi đó, vùng nguyên liệu của Tate & Lyle cũng hoang vu lắm, giao thông chưa có chút gì, không phải nhiều ý kiến ủng hộ nó đâu. Thế nhưng nay những nhà máy này đều có lãi.

- Theo ông, CTMĐ được gì và chưa được những gì?

- Cái được là chính sách cải thiện đời sống bà con ở những vùng  nguyên liệu mía đường như Lam Sơn, Bình Định, Nghệ An... Điện, đường, trường, trạm mở ra nhiều, nhưng cái được này không thể thống kê cụ thể. Cái chưa được là việc các nhà máy lỗ nhiều quá và kéo dài như vậy. Và cũng chưa ai làm bài toán chính xác về con số lỗ. Chưa ai mang con số lãi đối trừ để biết chính xác CTMĐ lỗ bao nhiêu, chứ cứ nghe lỗ 2.400 tỷ thì ghê quá. Trong đó có nhà máy tự ý xây quá công suất xin phép và xây kiểu "tiền trảm hậu tấu" giữa vùng quá thiếu nguyên liệu đã gây lỗ rất lớn.

- Nguyên nhân nào dẫn đến lỗ?

- Về vĩ mô có hai nguyên nhân: Thứ nhất, một số nhà máy đầu tư sai, lý do như đã nói là thiếu quy hoạch và quyết định đầu tư theo kiểu "nể nang". Thứ hai, vội vàng trong bước đi. Giá như ngày đó đề ra chỉ tiêu 800.000 tấn đến năm 2000 là vừa. Sau khi đã làm vững vàng mới nâng lên 1 triệu tấn. Lý do ở đây là dự báo nhu cầu tiêu thụ, dự báo giá đường thế giới chưa chuẩn.

Chúng ta chưa tạo điều kiện cho các DN dân doanh tham gia, trong khi DNNN thường tổ chức quản lý, sản xuất kinh doanh không hiệu quả lắm. Thẳng thắn nhìn lại thì chỉ những DN này mới lỗ nặng, chứ các loại hình kinh doanh khác đâu có lỗ nhiều. DN không xây dựng được vùng nguyên liệu, không nhạy bén đa dạng mặt hàng khi đường xuống giá. May mà còn có mấy nhà máy đường liên doanh làm ăn có lãi, chứ nếu là đường quốc doanh hết thì lỗ còn khủng khiếp hơn. Lý do khách quan là không ai ngờ tỷ giá VNĐ/USD lại chênh lệch quá lớn, từ hồi đầu tư nhà máy đường so với bây giờ. Bên cạnh đó, lãi suất tín dụng quá cao khiến DN chịu đựng không nổi, thời gian khấu hao lại chưa thỏa đáng.

- Giải quyết những khó khăn của ngành mía đường hiện nay như thế nào, thưa ông?

- Việc đầu tiên là phải có biện pháp hỗ trợ tài chính để các DN không mang gánh bặng lãi suất và nợ quá lớn. Chỉ cần Nhà nước tính khấu hao theo đúng mức tiền VNĐ lúc vay, không tình theo giá USD, cho phép tính lãi suất theo mức hiện hành, cho kéo dài thời gian khấu hao, giảm mức thuế VAT. Tiếp theo, nên để cho các loại hình kinh tế khác tham gia sản xuất kinh doanh. Hoặc phải CPH để tăng quyền lợi, nghĩa vụ người trồng mía.

Tôi có một bài toán nữa là nếu bốn DN lớn, Tate & Lyle, mía đường Lam Sơn, Bình Định, Việt Đài - Thanh Hoá, mỗi đơn vụ xuất khẩu khoảng 50.000 tấn đường thì lượng cung trong nước chỉ còn 800.000 tấn là vừa phải.

- Bài học rút ra từ chương trình này là gì?

- Nhà nước chỉ nên đưa ra định hướng chung, không nên vạch ra mục tiêu "cứng" quá và không nên can thiệp sâu vào hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN.

(Theo Tuổi Trẻ)

  Gửi tin qua Mobile Gửi tin qua E-mail In tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC:
Nguy cơ mất dần thị trường Trung Quốc (06/07/2003)
Từ 10/7 mới kiểm tra đồng loạt các cây xăng (05/07/2003)
Hàng điện tử, may mặc ngoại nhập giảm giá 7-10% (05/07/2003)
Điện thoại di động bị đánh thuế nhập khẩu 10% (05/07/2003)
Sẽ công khai công thức phân bổ hạn ngạch dệt may (05/07/2003)
Nhiều tiện ích với dịch vụ điện thoại Internet giá rẻ (05/07/2003)
Thu giữ hàng trăm chai rượu lậu (05/07/2003)
DN nhỏ và vừa khó tiếp cận vốn ngân hàng (05/07/2003)
Mời nước ngoài đầu tư vào dự án đường cao tốc TP.HCM - Vũng Tàu (05/07/2003)
Xuất khẩu 3.000 tấn đường đầu tiên sang Malaysia (04/07/2003)
Nhãn hiệu OMO bị nhái (04/07/2003)
Hàng nào được hưởng thuế suất nhập khẩu ưu đãi ? (04/07/2003)
Lào Cai - Vân Nam ký thoả thuận thanh toán biên mậu (04/07/2003)
Giá đất hai quận mới ở Hà Nội tăng gấp 10 lần (04/07/2003)
Xem tiep Tro ve dau trang