Tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm:
Việt Nam đang trên đà tăng trưởng vững
08:53' 03/07/2003 (GMT+7)
Đóng hộp hoa quả xuất khẩu.

(VietNamNet) - Với mức tăng trưởng 6,9% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) trong 6 tháng đầu năm, cùng với sự lớn mạnh của nhiều lĩnh vực chủ chốt, nền kinh tế Việt Nam đang đi vào quỹ đạo tăng trưởng bền vững. Điều này cũng chứng tỏ rằng, nếu chúng ta biết huy động tổng hợp sức mạnh nội lực, đưa ra các giải pháp kịp thời để khắc phục trở ngại sẽ tạo sức bật cho sự phát triển của nền kinh tế.

Nét nổi bật trong biểu đồ biểu thị sự tăng trưởng kinh tế là đường thẳng tiến của ngành công nghiệp, với mức tăng 15,7%. Trong đó, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tăng trưởng cao nhất so với cùng kỳ những năm gần đây, chủ yếu nhờ sản lượng dầu thô khai thác có chiều hướng tăng dần trở lại (7,5%, đạt 8,9 triệu tấn). Nhiều sản phẩm công nghiệp chủ yếu đạt mức tăng cao và tiêu thụ tốt. Kết quả này có ý nghĩa đặc biệt, bởi riêng lĩnh vực này đã tạo ra gần 40,5% GDP. Đây là lĩnh vực đóng góp lớn nhất, khoảng 3,3% vào tốc độ tăng trưởng 6,9% của GDP và đảm nhiệm trên 70% tổng giá trị xuất khẩu hàng hóa của cả nước. Tốc độ tăng trưởng công nghiệp cao, vững chắc còn chứng tỏ sự tiến bộ trong việc gắn sản xuất với thị trường.

Chúng ta cũng khá lạc quan về mức tăng trưởng của ngành công nghiệp, bởi theo dự báo, 6 tháng cuối năm, một số sản phẩm công nghiệp chủ yếu còn có xu hướng tăng so với đầu năm, đó là dệt may, da giày, thủy sản chế biến, các sản phẩm thép, than, sữa... Tuy nhiên, cũng không ngoại trừ trường hợp một số mặt hàng (giấy, đồ điện, điện tử) sẽ tăng chậm hoặc giảm do ảnh hưởng của việc cắt giảm thuế quan từ 1/7.

Vụ đông xuân 2002-2003, sản lượng lúa cả nước đạt 16,7 triệu tấn, vẫn coi là được mùa, mặc dù diện tích gieo cấy giảm 12.600ha do chuyển đổi đất kém hiệu quả sang trồng các loại cây con khác và nuôi trồng thủy sản. Kết quả này cho thấy, một ngành kinh tế mũi nhọn mới đang được hình thành và phát triển, đó là nuôi trồng thủy sản, với đóng góp ngày càng lớn vào giá trị xuất khẩu.

Mặc dù mức tăng trưởng khu vực nông, lâm nghiệp, thuỷ sản 6 tháng đầu năm chỉ đạt 2,49%, thấp hơn nhiều so với cùng kỳ năm 2002 (4,02%), song, đã chứng tỏ sự thành công bước đầu của việc chuyển dịch cơ cấu cây trồng, cũng như phù hợp với chủ trương chuyển đổi cơ cấu kinh tế cả nước. Tỷ trọng của khu vực này giảm còn 21,74%, so với 22,89% của 6 tháng đầu năm 2002, trong cơ cấu kinh tế.

Thành công của Việt Nam về khống chế sớm dịch bệnh SARS đã giúp thu hút trở lại lượng khách du lịch quốc tế. Tính đến thời điểm này, cả nước đã đón 1,1 triệu lượt khách quốc tế. Hy vọng, với hàng loạt chương trình du lịch hấp dẫn, cùng việc Việt Nam đăng cai tổ chức SEA Games 22, từ nay đến cuối năm, chúng ta sẽ sớm hồi phục ngành công nghiệp không khói này.

Trong 6 tháng đầu năm, kim ngạch XNK của cả nước ước đạt 9,8 tỷ USD, tăng 32,6% so với cùng kỳ năm trước. Hầu hết các mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu đều tăng, trừ rau quả giảm 27,5% do ảnh hưởng của thị trường Trung Quốc. Mặt hàng dệt may có mức tăng cao, với 66,4%, đóng góp 29% (cao nhất) vào mức tăng chung, nhờ các DN tranh thủ đẩy mạnh xuất khẩu vào Mỹ trước khi bị áp dụng hạn ngạch. Hoa Kỳ trở thành thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam về hàng dệt may, thuỷ sản, hạt điều, hạt tiêu.

Theo các chuyên gia kinh tế, Việt Nam đạt tốc độ tăng trưởng cao về kim ngạch xuất khẩu là nhờ sự chỉ đạo sát sao, kịp thời tháo gỡ khó khăn của Chính phủ, sự năng động và chủ động của DN; mở rộng thị trường, nâng cao chất lượng sản phẩm; bên cạnh đó là sức mua tăng trở lại do sự hồi phục của kinh tế thế giới. Trong khoảng gần 1 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu tăng lên của các mặt hàng dầu thô, than đá, nông sản, thuỷ sản, riêng yếu tố giá tăng đã góp phần tăng trên 600 triệu USD.

Nguồn lực của đất nước đã được huy động cho đầu tư phát triển khá, đặc biệt là nguồn vốn từ khu vực kinh tế ngoài quốc doanh. Cơ cấu đầu tư đã có những đổi mới hướng vào thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội. 6 tháng qua, vốn đầu tư toàn xã hội ước đạt 103.000 tỷ đồng, bằng 47,9% so với kế hoạch đề ra và tăng 23,4% so với cùng kỳ, trong đó, vốn ngân sách đầu tư tăng 13,6%.

Dù đã đi vào quỹ đạo của sự tăng trưởng vững chắc, nền kinh tế Việt Nam vẫn đối mặt nhiều thách thức. Tốc độ tăng trưởng kinh tế tuy đạt mức cao (7%), nhưng vẫn còn thấp so với kế hoạch cả năm là 7-7,5%. Sản xuất công nghiệp tăng, song, lại phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu và thị trường. Trong khi đó, giá nhập khẩu một số mặt hàng nguyên liệu đầu vào cho sản xuất như xăng dầu, sắt thép, phân bón, chất dẻo, sợi dệt, bông... đều tăng cao dẫn đến tăng chi phí sản xuất, giảm sức cạnh tranh của giá thành sản phẩm. Kim ngạch nhập khẩu cao,
nhưng nhập siêu cũng tăng cao (ước 6 tháng khoảng 2,4 tỷ USD), mức tăng cao nhất trong nhiều năm nay.

Một số nhà phân tích dự đoán, kinh tế thế giới từ nay đến cuối năm sẽ tăng trưởng khá, do đó, nhu cầu nhập khẩu sẽ tăng thêm. Đây là cơ hội thuận lợi để Việt Nam gia tăng giá trị xuất khẩu, nhưng cũng cần có giải pháp về nâng cao chất lượng, sức cạnh tranh; vượt các hàng rào kỹ thuật... Song song đó, ngay tại sân chơi nội địa, các sản phẩm trong nước cũng phải đảm bảo sức cạnh tranh để tồn tại, trước khi tính chuyện xuất sang thị trường các nước.

  • Hà An

  Gửi tin qua Mobile Gửi tin qua E-mail In tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC:
Chưa sẵn sàng cắt giảm thuế tham gia AFTA từ 1/7? (03/07/2003)
TP.HCM xét chọn sản phẩm công nghiệp chủ lực đợt 2 (03/07/2003)
Giá gạo xuất khẩu của Việt Nam giảm  (02/07/2003)
DN được hỗ trợ 50% kinh phí (02/07/2003)
Sư Tử Đen cho thùng dầu đầu tiên vào tháng 11 (02/07/2003)
Giành hợp đồng 4 triệu USD nhờ đấu thầu qua mạng (02/07/2003)
Hơn 150 DN đăng ký tham gia Hội chợ Đà Nẵng 2003 (02/07/2003)
"Đầu tư phải dựa trên quy hoạch bài bản" (02/07/2003)
''Quảng bá du lịch sẽ đi vào từng sự kiện cụ thể'' (02/07/2003)
Nhiều quy định của Luật Thương mại không còn hiệu lực (02/07/2003)
Thủ tục thuế, hải quan ''hành'' doanh nghiệp (02/07/2003)
"Thuỷ sản Việt Nam cần tạo uy tín về chất lượng" (02/07/2003)
Dự án cung cấp máy tính thương hiệu Việt lớn nhất (02/07/2003)
Luật Doanh nghiệp mới chỉ hoàn thành vai trò ''bà đỡ'' (02/07/2003)
Xem tiep Tro ve dau trang