Hỗ trợ cụ thể gồm 50% chi phí cho 1 gian hàng; 50% tiền vé máy bay khứ hồi, lệ phí visa, chi phí ăn ở cho 1 người/DN; 50% cước phí vận tải cho tối đa là 2m3 nhưng không quá 200 USD với DN đến Italia, 150 USD đến Myanmar. Các chi phí khác sẽ do DN tự trang trải. DN có nhu cầu tham dự hai hoạt động trên cần hoàn thiện hồ sơ đăng ký (hồ sơ DN, mẫu đăng ký và phương án tham gia) và gửi về Cục Xúc tiến Thương mại trước ngày 15/7/2003.
Cơ hội tiếp cận thị trường
Hội chợ hàng thủ công mỹ nghệ Milan năm nay được đánh giá là lớn nhất châu Âu. Có hơn 2500 DN đến từ 87 quốc gia. Đoàn Việt Nam tham gia Hội chợ dự kiến với quy mô 20 đơn vị với những sản phẩm làng nghề truyền thống có chất lượng, có sáng tạo và mang đặc trưng Việt Nam. Hội chợ là cơ hội cho các DN Việt Nam xâm nhập và mở rộng thị trường xuất khẩu, tìm kiếm đối tác, học tập kinh nghiệm của các nước, tiếp xúc với các nhà kinh doanh lớn của châu Âu và thế giới, ký kết hợp đồng và bán hàng mẫu tại hội chợ.
Tại triển lãm hàng Việt Nam lần 2 (Yangon), Bộ Thương mại dự kiến mời khoảng 40 DN tham gia trưng bày, giới thiệu sản phẩm có thế mạnh xuất khẩu sang thị trường Myanmar như một số hàng công nghiệp, hóa mỹ phẩm, dược phẩm, điện máy, nông nghiệp, nông dược, trang thiết bị y tế... Thị trường Myanmar được đánh giá là chưa có tiêu chuẩn cao cùng những đòi hỏi khắt khe. Vì vậy, sự thâm nhập thành công vào thị trường này sẽ đem lại cho DN Việt Nam những kinh nghiệm cần thiết để đáp ứng những yêu cầu chặt chẽ hơn.
Lưu ý khi xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ
EU nói chung và Italy nói riêng đều có những quy định về việc cấm sử dụng (hoặc hạn chế) một số chất không chỉ đối với sản phẩm cuối cùng mà còn áp dụng đối với nhà sản xuất ra sản phẩm đó (ví dụ như chất Pentachlorophenol, Polychlorinated Biphenyles, Terphenyles, Nickel, Thủy ngân...).
Trong trường hợp nếu sản phẩm là đồ chơi trẻ em thì phải tuân thủ một số tiêu chuẩn về an toàn khi xuất vào EU. Quy định này không áp dụng nếu hàng hoá là thủ công mỹ nghệ thuần tuý. Các sản phẩm và bộ phận nhuộm hữu cơ (azo) có thể bị cấm lưu hành tại EU đặc biệt tại một số quốc gia như Đức, Hà Lan.