Luật Doanh nghiệp mới chỉ hoàn thành vai trò ''bà đỡ''
08:01' 02/07/2003 (GMT+7)

(VietNamNet) - ''Có thể nói rằng tác động tích cực và to lớn nhất của Luật Doanh nghiệp (DN) là vai trò của một bà đỡ mát tay. Bởi sau khi nhiều DN doanh nghiệp mới ra đời như những trẻ sơ sinh còn chập chững, đặc biệt trong 5 năm đầu sau khi thành lập, thì sự hỗ trợ pháp lý của Luật DN còn khá mờ nhạt''. Thảo luận về việc thi hành Luật DN trên địa bàn Hà Nội sáng 1/7, ông Mai Huy Tân, Giám đốc Công ty TNHH Đức Việt đã bức xúc về Luật DN như vậy.

Mỗi DN vừa và nhỏ có nhu cầu bình quân khoảng 3000m2 mặt bằng sản xuất cho nhà xưởng, kho tàng.

Không ai phủ nhận những đóng góp của Luật DN trong việc thay đổi bộ mặt kinh tế dân doanh bằng các thay đổi tích cực trong khung pháp lý, nhưng số đông các DN tại Hội thảo đều cho rằng việc thực thi các chính sách, chế độ, quy định (luật, nghị định, thông tư) vẫn còn nhiều bất cập... mà nguyên nhân chính là do tổ chức thực hiện, cơ cấu triển khai, con người (quan chức Trung ương, địa phương....); Vẫn còn sự bất bình đẳng giữa DNNN và DN vừa và nhỏ tư nhân trong tất cả các lĩnh vực mà tập trung nhiều nhất ở đất đai, vay vốn, quan hệ với các cơ quan nhà nước, nguồn vốn ODA, ký hợp đồng với chính phủ, thành phố...

Ngân hàng quay lưng

Các DN, nhất là các DN mới ra đời thường có nguồn vốn kinh doanh nhỏ. Để thực hiện những dự án đầu tư, DN dân doanh thường phải vay vốn hoặc
huy động vốn từ các nguồn khác như vốn vay từ họ hàng, bè bạn. Việc tiếp cận vốn với các tổ chức tín dụng như Ngân hàng, Quỹ đầu tư phát triển là vô cùng khó khăn, kể cả trường hợp doanh nghiệp đã có nhà xưởng, máy móc, thiết bị. Những nhà xưởng, thiết bị đó lại đặt trong khuôn viên đi thuê lại với những hợp đồng thuê ngắn hạn, không đủ các giấy tờ mà các tổ chức tín dụng đòi hỏi. Thiếu vốn thường làm mất đi những cơ hội kinh doanh.

Theo báo cáo của Tổ công tác thi hành Luật DN, sau 3 năm thực thi, trên địa bàn Hà Nội đã có hơn 158.000 DN hoạt động theo Luật DN. Tổng số vốn đăng ký của các DN là 23.000 tỷ đồng, vốn bình quân của một DN là 1,67 tỷ đồng. Tổng số lao động của khu vực DN ngoài quốc doanh chiếm hơn 22% và khu vực có vốn đầu tư nước ngoài chiếm 5,6% trong tổng số lao động đang làm việc tại các DN của Hà Nội (hơn 400.000 người). 64,3% trong số các DN này làm ăn có lãi.

Giai đoạn 2000-2002, bình quân mỗi năm có 3.320 DN được thành lập mới (khoảng 276DN/tháng), gấp 6 lần so với bình quân năm giai đoạn 1992-1999. Và đặc biệt là các tháng đầu năm 2003, bình quân mỗi tháng có gần 500 DN được thành lập mới.

Mặc dù Nghị định của Chính phủ số 178/1999-NĐ ngày 29/12/1999 về bảo đảm tiền vay của các tổ chức tín dụng đã ra đời gần 3 năm. Nhưng thực tế lại làm khó cả DN nhà nước và DN tư nhân, bởi lẽ: Nếu ngân hàng không yên tâm, kể cả với khách hàng truyền thống là DN nhà nước, thì họ vẫn phải thế chấp. Nhưng DN nhà nước không phải lúc nào cũng có lãi hai năm liền (lỗ năm nay, lãi năm sau là bình thường, nhất là DN làm xuất khẩu) và điều này làm tăng sự khắt khe với DN nhà nước vốn trước đây chỉ cần phương án kinh doanh có hiệu quả là được vay.

Với DN vừa và nhỏ tư nhân lại càng khó. Do tâm lý, thói quen, dư luận xã hội không thiện cảm nên ngân hàng chưa chịu ''thông cảm'' với họ. Ngoài ra, cơ chế xử lý rủi ro của ngân hàng vẫn còn chặt chẽ với DN vừa và nhỏ tư nhân.

Tâm lý ngân hàng vẫn thận trọng với DN tư nhân bởi lẽ cần bảo toàn vốn và do trình độ quản lý, thẩm định, tiếp thị của ngân hàng còn non yếu. Các nguồn khác của tài chính đã hoạt động nhưng chưa theo kịp được những yêu cầu như: chứng khoán, thuê mua tài chính...

Đủ mọi thiệt thòi về đất đai

Các DN tư nhân còn bị thiệt thòi trong các thủ tục về thuê đất. Trong khi đối với các dự án đầu tư nước ngoài, nếu chủ đầu tư thuê đất, UBND tỉnh nơi có đất cho thuê có nghĩa vụ tổ chức thực hiện đền bù, giải phóng mặt bằng và hoàn tất thủ tục cho thuê đất, song đối với các dự án đầu tư trong nước hiện nay chưa có một quy định như vậy. Ngược lại, DN tư nhân muốn thuê đất còn phải tự mình hoàn tất mọi thủ tục để có được các xác nhận cần thiết của nhiều cơ quan hành chính. Quốc hội đang bổ sung, sửa đổi một số điều của Luật Đất đai; Chính phủ đã ban hành nhiều Nghị định bổ sung quyền và đơn giản nhiều thủ tục về đất đai, nhưng việc thực hiện các chính sách cho thuê đất còn chậm và không ít phức tạp nên nhiều nhà đầu tư không thuê được đất để làm mặt bằng sản xuất, kinh doanh. Hiện, Luật đất đai chưa cho phép DN trong nước được thế chấp quyền sử dụng đất để vay vốn ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam. Đây là sự bất hợp lý, thiếu bình đẳng so với DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI).

Thời điểm tính thời hạn thuê đất hiện nay cũng chưa được Luật đất đai quy định. Các cơ quan quản lý đất đai cho rằng thời điểm đó bắt đầu từ ngày ra quyết định cho thuê đất và việc tính tiền thuê đất cũng được tính từ ngày đó. Các DN lại cho rằng thời điểm thuê nhất sớm nhất cũng chỉ có thể là ngày DN nhận được đất, thậm chí từ ngày DN có thể sử dụng được đất trên thực tế (vì còn phải tính thêm thời gian bồi thường, di dời, giải toả, san, lấp mặt bằng). Cơ sở để tính tiền thuê đất hiện nay được xác định dựa theo ngành nghề kinh doanh, đối tượng thuê đất và nhiều tiêu chí khác hiện nay không còn phù hợp.

Ưu đãi về giao và thuê đất còn không ít vướng mắc. Hiện ở Hà Nội, quỹ đất cho sản xuất kinh doanh còn rất ít nhưng diện tích đất chưa hoặc không sử dụng của các DN nhà nước không nhỏ. Nhiều DN tư nhân phải thuê lại diện tích không sử dụng hết của DNNN. Họ không những không được hưởng ưu đãi, miễn thuế giảm tiền thuê đất mà còn rất khó khăn trong việc làm thủ tục để vay vốn. Trong khi Quy chế quản lý đầu tư và xây dựng (ban hành kèm theo Nghị định 52/CP và Nghị định bổ sung, sửa đổi Nghị định này) quy định các dự án đầu tư không sử dụng vốn ngân sách, vốn tín dụng ưu đãi, vốn tín dụng do Nhà nước bảo lãnh và vốn đầu tư của các DN tư nhân thì không phải cấp phép. Nhưng thủ tục thuê đất theo Luật Đất đai sửa đổi lại đòi hỏi phải có dự án khả thi được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt nên nội dung ưu đãi về tiền thuê đất không khả thi.

Ông Tô Xuân Dân, Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội lấy ví dụ: ''Nếu mỗi DN vừa và nhỏ thuộc khu vực kinh tế tư nhân có nhu cầu bình quân khoảng 3000m2 mặt bằng sản xuất cho nhà xưởng, kho tàng... thì 20.000 DN cần có 6000 ha (= 60 km2) mặt bằng sản xuất. Diện tích nói trên chiếm không tới 1% diện tích đất tự nhiên của Hà Nội. Con số này nói lên Hà Nội có đủ tiềm năng đất đai để phát triển khu vực DN vừa và nhỏ. Nhưng hiện nay tiềm năng này chưa được khai thác vì thiếu những quy hoạch thích hợp''.

Hà Nội cũng thiếu những cơ chế phù hợp về đất đai để phát triển công nghiệp cho khu vực kinh tế tư nhân và cho DN vừa và nhỏ. Thực trạng này đã kéo dài nhiều năm khiến nhiều DN ở Hà Nội phải tự tìm lối thoát bằng cách đầu tư ở các tỉnh khác. Nếu xu thế này vẫn tiếp tục, sẽ có thể dẫn tới sự mất cân đối về cơ cấu kinh tế ở Hà Nội, mà còn nảy sinh nhiều vấn đề khác về thị trường lao động, đào tạo, thu hút đầu tư nước ngoài và đầu tư trong nước.

Bất bình đẳng về thuế

Pháp luật thuế hiện hành cho phép cơ quan thuế có quyền ấn định mức thuế phải nộp trong những trường hợp nhất định, song không có tiêu chí định lượng nên gây tình trạng tuỳ tiện khi xác định mức thu của cơ quan thuế. Mặt khác, quy định này cũng có thể gián tiếp kích thích các DN không thực hiện chế độ kế toán, không đăng ký nộp thuế để có cơ hội hưởng mức thuế khoán.

Các ý kiến trong hội thảo cho rằng, pháp luật thuế của Việt Nam hiện nay còn nặng về thu, chưa là công cụ động viên các DN, nuôi dưỡng nguồn thu, tạo điều kiện cho DN tái đầu tư, nâng cao tiềm lực tài chính. Còn có những phân biệt đối xử bất hợp lý trong việc thi hành các thuế suất giữa DN thuộc các thành phần kinh tế khác nhau. Ví dụ các DN FDI chịu thuế thu nhập DN là 25%, trong khi đó các DN trong nước chịu thuế suất thu nhập DN là 32% (vừa được Quốc hội sửa xuống còn 28%).

Pháp lệnh
thuế thu nhập cá nhân đối với người có thu nhập cao đang áp dụng với các biểu riêng biệt cũng phân biệt đối xử giữa người nước ngoài và người Việt Nam: đối với người nước ngoài mức thuế giới hạn trần là 50%, đối với người Việt Nam mức thuế giới hạn trần là 60%.

Ngoài ra, các DN cũng cho rằng, việc quy định đặt tên DN hiện nay không rõ ràng, dễ gây nhầm lẫn hoặc vi phạm về bản quyền, thương hiệu của DN khác. Quy định về ngành nghề kinh doanh có điều kiện và điều kiện kinh doanh các ngành nghề đó cũng vậy. Nhiều ngành nghề kinh doanh chưa được cơ quan có thẩm quyền quy định. Hướng dẫn về điều kiện kinh doanh hoặc chấp nhận quyền được kinh doanh của DN đã ít nhiều gây khó khăn, làm mất cơ hội kinh doanh của DN, hoặc dẫn đến xung đột giữa việc áp dụng Luật DN với hành xử của cơ quan quản lý chuyên ngành đối với DN, hạn chế quyền tự do kinh doanh của DN... Ví dụ: một số ngành nghề hiện nay chưa có hướng dẫn về điều kiện kinh doanh là dịch vụ điều tra dân sự, điều tra kinh tế, dịch vụ trung gian giải quyết mâu thuẫn, thu hồi nợ, định giá tài sản...
 
Một bất cập nữa là trong quy định về
quyền hạn và trách nhiệm của cơ quan đăng ký kinh doanh: Theo quy định của Luật DN (Điều 116), quyền hạn và trách nhiệm cơ quan đăng ký kinh doanh rất lớn, song lại thiếu các quy định về tổ chức bộ máy để đảm bảo thực hiện các chức năng nhiệm vụ đó. Hầu hết trong cả nước cơ quan đăng ký kinh doanh mới chỉ được hình thành ở cấp tỉnh, còn cấp huyện chưa được tổ chức thành hệ thống đã làm hạn chế việc phát huy các chức năng nhiệm vụ theo Luật.
 
Thêm nữa, hệ thống mẫu biểu tài chính nộp tại cơ quan đăng ký kinh doanh vẫn cần được đơn giản hơn (có thể là một biểu tính trong đó có những chỉ tiêu kinh tế cần thiết, có xác nhận của cơ quan thuế hoặc kiểm toán, để đảm bảo tính xác thực của các báo cáo). Như vậy mới giúp cho việc việc xử lý, lưu giữ nội dung các báo cáo tài chính của DN thuận lợi và hiệu quả hơn.

  • Hồng Phúc
     
  Gửi tin qua Mobile Gửi tin qua E-mail In tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC:
Tằm không nhả tơ, hàng ngàn hộ dân ở Lâm Đồng điêu đứng (01/07/2003)
Hôm nay 1/7: Các sự kiện kinh tế đi vào cuộc sống (01/07/2003)
''Mục tiêu ngừng bán, nâng giá đường không thành công'' (01/07/2003)
TP.HCM: Định giá lại 96 nhà xưởng thuộc sở hữu nhà nước (01/07/2003)
Xây dựng Trung tâm Thương mại TP.HCM ở nam Moscow (01/07/2003)
Coi chừng ''lạm phát sân bay'' (01/07/2003)
Giá gas tăng 8.000 đồng/bình 12 kg (01/07/2003)
''Thực hiện quyết liệt và đồng bộ 6 giải pháp'' (01/07/2003)
VNPT sẽ phóng vệ tinh Vinasat vào năm 2005 (01/07/2003)
Các đại gia truyền thông quảng bá du lịch châu Á - Thái Bình Dương (30/06/2003)
Vay USD có lợi hơn (30/06/2003)
Giá tôm sú xuất khẩu tăng bất thường (30/06/2003)
Từ tháng 7/2003, đường bay đi Nga tăng lên 2 chuyến/tuần (30/06/2003)
Vận chuyển động vật hoang dã nuôi phải có giấy phép (30/06/2003)
Xem tiep Tro ve dau trang