Cảng biển Việt Nam - vừa thừa vừa thiếu
12:07' 30/06/2003 (GMT+7)
Miền Trung, đoạn từ  Thừa Thiên-Huế đến Khánh Hoà (khoảng 600km) được bố trí dày đặc cảng.

Hầu hết các nước ASEAN có biển đều đang phát huy thế mạnh trên đại dương, đặc biệt trong lĩnh vực giao thông vận tải. Các nước này đã xây dựng hệ thống cảng biển của mình gắn với hệ thống cảng trong khu vực và toàn thế giới. Duy có Việt Nam, với 3.260km đường biển và 91 cảng biển lớn nhỏ, vẫn chỉ là ''nước cạnh biển''.

Trong nhiều lý do, có nguyên nhân hệ thống cảng biển Việt Nam đang thừa các cảng nhỏ mà không có (dù chỉ một) cảng biển có tầm vóc quốc tế. Có một thực tế là tỉnh nào cũng muốn làm nhà máy xi măng, mở nhà máy đường, xây dựng sân bay. ''Phong trào'' xây cảng cũng đang rầm rộ như thế. Nhưng cảng phải như thế nào, khai thác ra sao, có hiệu quả kinh tế không? Với điều kiện địa lý, kinh tế, thương mại của Việt Nam, bao nhiêu cảng thì vừa? Tiến sĩ Chu Quang Thứ, Quyền Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam, trao đổi về vấn đề này:

- Hệ thống cảng biển Việt Nam được xây dựng dựa trên những nguyên tắc, cơ sở nào? Trong các điều kiện về địa lý, thương mại, kinh tế thì yếu tố nào là chủ yếu để làm quy hoạch cảng?

- Ngành nào cũng vậy, căn cứ để quy hoạch là cả một hệ thống các chỉ tiêu về kinh tế, kỹ thuật, địa lý và cả vấn đề chính trị - xã hội. Ngành hàng hải cũng không ngoài các căn cứ của hệ thống đó. Nghĩa là, từ thông tin kinh tế, từ dự đoán khối lượng hàng hoá qua từng năm, từng thời kỳ; rồi dự đoán tiềm năng của vùng biển đó, căn cứ điều kiện thiên nhiên ở vùng định làm cảng và cả khả năng vốn... Cái khó là các thông tin đầu vào không chính xác, dẫn đến các tính toán không đúng (có rất nhiều nguyên nhân, trong đó có hệ thống số liệu). Hàng hải Việt Nam chưa hội nhập với thông tin quốc tế, cho nên các mẫu biểu, nhiều thông số không khớp với quốc tế. Mà, từ số liệu đầu vào thiếu chính xác thì việc định hướng, quy hoạch cũng khó đạt chuẩn.

- Quan điểm của riêng ông về phát triển cảng?

- Chỗ nào có điều kiện thì nên làm. Chúng ta đều nhận thấy rất rõ cảng là một bộ phận để giao thông, mà có giao thông thuận tiện thì mới có cơ hội để phát triển kinh tế - xã hội, mới giao lưu, thông thương, không chỉ thương mại, mà còn để nâng cao dân trí. Trong thương mại quốc tế, 80% hàng hóa được vận tải bằng đường biển. 

Các quốc gia phát triển trên thế giới đều làm giàu chính từ những thương cảng. Có điều làm như thế nào, lúc nào thì là chuyện phải bàn. Phải căn cứ vào tiền vốn, phải ''liệu cơm gắp mắm'', chứ không thể cứ thích là làm. Tôi muốn nhắc lại chuyện ở Singapore, họ xây cảng để chờ hàng, đón hàng. Hơn 30 năm về trước, nhờ hình thành cảng trung chuyển quốc tế đã đưa Singapore thành trung tâm thương mại, tài chính quốc tế..., kế hoạch đó đã làm cho Singapore phát triển như bây giờ. Việt Nam cũng có tiềm năng về đường biển, có nguồn hàng hoá dồi dào, chưa kể đến lượng hàng có thể khai thác từ Lào, vùng Vân Nam (Trung Quốc)... đi bằng đường bộ để đến cảng biển Việt Nam vì gần nhất, kinh tế nhất.

Tiếc thay, Việt Nam lại không có cảng nước sâu cho tàu trọng tải lớn (tàu mẹ) vào ăn hàng. Các tàu lớn đều neo đậu ở các cảng Cao Hùng (Đài Loan), Singapore để chờ các tàu nhỏ chở hàng từ cảng của Việt Nam ra, phí vận chuyển đã cao, quãng đường đi vòng tốn bao nhiêu chi phí khác như cảng phí, xăng dầu, nhân công, thiết bị..., gây ra thiệt đơn thiệt kép. Vì vậy, muốn làm giàu phải phát triển kinh tế biển, trong đó cảng biển quốc tế có vai trò đặc biệt quan trọng.

- Vậy tại sao Việt Nam không làm cảng lớn?

- Do các thông số của Việt Nam rất kém. Ngay cả Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam (Quyết định số 202/1999/QĐ-TTg) của Thủ tướng Chính phủ cũng chỉ có tầm nhìn 10 năm. Cần phải có tầm nhìn quy hoạch cảng ít nhất là 50-100 năm.

Gần đây, cụm từ ''cảng nước sâu'' trở thành hội chứng ở nhiều địa phương. Nhưng, tất cả các vùng từ Chân Mây, Vũng Áng, Cái Lân vẫn chỉ đảm bảo độ sâu dưới 14m, đó là với tầm nhìn 10 năm, chưa tính đến độ sa bồi. Có ai nói Hội An, cửa Định An, Hải Phòng là cảng dùng cho hàng trăm năm đâu. Thế nào là ''nước sâu''?  Các tài liệu hàng hải quốc tế cũng không nói cụ thể, nhưng Việt Nam có Văn Phong (Khánh Hoà) may ra mới có thể nói dành cho cảng biển hàng trăm năm. Chính phủ đã phê duyệt xây dựng cảng trung chuyển này - Văn Phong trong tương lai sẽ giúp cho Khánh Hoà phát triển, cũng như có cảng Sài Gòn thì mới có TP.HCM vậy. Tôi rất tâm huyết với việc xây dựng cảng Văn Phong, nhưng có lẽ phải 20 năm nữa mới thành hiện thực. 

- Trở lại vấn đề quy hoạch cảng biển, dư luận vẫn nói nhiều đến chuyện thừa cảng?TP.HCM đang đòi di dời cảng, sao vẫn xây cảng?

Các bến cảng hiện có của Cảng Sài Gòn nằm ở trung tâm TP.HCM và được xem là nhân tố đóng góp đáng kể vào tình trạng tắc nghẽn giao thông và ô nhiễm cho thành phố. Do đó, theo quy hoạch tổng thể đô thị TP.HCM, toàn bộ 4 bến cảng thuộc Cảng Sài Gòn cần được di chuyển ra khỏi TP.HCM trước năm 2010. Chúng ta có thể nhận thấy các nhà khai thác cảng hiện nay đều biết đến kế hoạch này và ít nhất một vài trong số họ (đặc biệt là các nhà khai thác thuộc khu vực nhà nước) không hề có ý kiến phản đối kế hoạch này. (Theo Ngân hàng Thế giới) 

- Tôi phải nhắc lại là hệ thống thông tin của Việt Nam rất kém, chỉ nhìn được 10 năm, nên mới xảy ra chuyện các địa phương đều xin làm cảng. Khi quy hoạch hệ thống cảng biển được phê duyệt chưa có chuyện di dời cảng. Mà quy hoạch của Việt Nam thì như tấm áo vá. TP.HCM muốn dời cảng bởi có người cho rằng, cảng gây ách tắc giao thông. Tại sao họ không nhìn ra nhờ có cảng, TP.HCM mới có sự phát triển như ngày nay.

Hơn nữa, thế nào là di dời cảng? Phải hiểu cho đúng là quy hoạch cảng không giống như di dân, dời nhà. Quan điểm của tôi là Cảng Sài Gòn cũ cứ nên để, có điều giảm dần công năng, xây dựng cảng thành bến đón khách du lịch và các dịch vụ vận tải nhẹ. Vận tải hàng nặng thì chuyển sang cảng khác, thí dụ, cảng Cái Mép.

Nói về chuyện thừa cảng, tôi khẳng định, các cảng do Trung ương quản lý không hề thừa, thậm chí đến bây giờ mới xác định có một cảng nước sâu Văn Phong là quá chậm, quá thiếu. Nước Bỉ nhỏ bé là thế mà vẫn có 3 cảng lớn quốc tế. Còn cảng địa phương như Hải Hậu (Nam Định), Diêm Điền (Thái Bình)... lúc có tàu vào thì cần, lúc không có tàu là thừa. Hầu như các cảng địa phương đều trong tình trạng này. Cảng là nơi kinh doanh, không có khái niệm cảng để phục vụ. Tất cả các cảng Trung ương đều không lỗ, kể cả một số cảng mới đưa vào khai thác.

(Theo LĐ)

  Gửi tin qua Mobile Gửi tin qua E-mail In tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC:
Dứa Vĩnh Phúc chỉ còn 100 đồng/quả (30/06/2003)
80% nhà máy chế biến điều sẽ bị lỗ? (30/06/2003)
Đồng bào dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên được mua nhà trả chậm (30/06/2003)
Vàng đã được nhập khẩu trở lại (30/06/2003)
Tiêu thụ giấy tăng (29/06/2003)
Lấy mặt bằng chợ, bỏ rơi tiểu thương! (29/06/2003)
Đừng chạy theo vàng! (28/06/2003)
Từ 1/7, chính thức cung cấp dịch vụ điện thoại Internet giá rẻ (28/06/2003)
Hà Nội sắp đấu giá đất ở Mỹ Đình (28/06/2003)
Cục Thuế TP.HCM phản hồi về hoá đơn của DN bỏ trốn (28/06/2003)
VNPT mời thầu dự án phóng vệ tinh (28/06/2003)
Chuyện đầm tôm và nỗi lòng ông chủ tịch huyện (28/06/2003)
Tiền Giang: Gần 50% số mẫu xăng dầu không đạt chất lượng (28/06/2003)
Từ nay đến 2005, TP.HCM sẽ cổ phần hoá 117 DNNN (28/06/2003)
Xem tiep Tro ve dau trang