Năm 2003, ngành điều có khả năng mang về 230 triệu USD kim ngạch xuất khẩu (XK), nhưng hiệu quả kinh doanh rất thấp. Ông Hồ Ngọc Cầm, Chủ tịch Hiệp hội Cây điều Việt Nam (Vinacas), nhận định rằng từ nay đến cuối năm, nếu DN không có được những hợp đồng XK có giá cao hơn hiện tại, khả năng 80% nhà máy chế biến điều sẽ lỗ.
Giá nguyên liệu tăng 400 USD/tấn
Hiện các nhà máy chế biến hạt điều đã mua nhập kho khoảng 220.000 tấn điều khô. Những năm trước, ngay trong những cơn sốt điều, giá điều nguyên liệu trong nước cũng chỉ ở mức 8.500 - 9.000 đồng/kg.
Vụ điều năm nay, giá nhập kho của các nhà máy lên đến 10.500-11.000 đồng/kg, nghĩa là tăng khoảng 400 USD/tấn, trong khi giá xuất khẩu của các DN lại giảm từ 5-10% so với năm ngoái. Ông Nguyễn Thái Học, Giám đốc Công ty Chế biến nông sản thực phẩm xuất khẩu Đồng Nai, phân tích, với giá nguyên liệu đầu vào mà các nhà máy đã mua, DN nào bán được với giá 3,3-3,4 USD/kg điều đã qua chế biến thì mới hy vọng hòa vốn. Trong khi đó, từ đầu năm đến nay, giá xuất bình quân các loại hạt điều của các DN chỉ đạt 3,2-3,3 USD/kg...
''Nếu trong 6 tháng cuối năm, giá xuất khẩu điều các loại không tăng trung bình từ 15 cent/kg trở lên như dự đoán, trừ các nhà máy nhỏ do tiết kiệm được chi phí trong sản xuất, các nhà máy còn lại chắc chắn sẽ lỗ'', ông Học nói.
Thừa nhà máy, thiếu lao động
Hiện cả nước có 80 nhà máy chế biến điều, với công suất 300.000 tấn/năm (chưa kể hàng trăm xưởng chế biến nhỏ do hộ gia đình quản lý), trong khi sản lượng sản xuất trong nước chỉ đạt 220.000 tấn. Theo ông Nguyễn Văn Chiểu, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Chế biến hàng xuất khẩu Long An, sự mất cân đối này khiến các nhà máy phải đẩy giá lên cao để tranh giành nguồn hàng mới đủ nguyên liệu sản xuất. Giám đốc một nhà máy chế biến điều của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, bức xúc: ''Mặc dù biết thu mua nguyên liệu với giá này chắc chắn lỗ, nhưng hợp đồng đã ký với khách hàng, nhà máy đã được đầu tư bạc tỉ, không lẽ trùm mền ngưng sản xuất? Các nhà máy cứ nghĩ giá nguyên liệu chỉ tăng cao trong một vài tháng, không ngờ lại đứng suốt vụ''.
Thiếu lao động cũng đang là một báo động trong ngành điều. Nhiều nhà máy nằm trên vùng nguyên liệu ở Bình Phước, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa- Vũng Tàu... thiếu đến 50% lao động. Nhiều nhà máy phải chở hàng đi hàng trăm cây số, tìm những nơi có lao động để thuê bóc vỏ, lựa hạt, sau đó mới chở về chế biến, đã đẩy chi phí sản xuất tăng cao. Theo Vinacas, ngoài chi phí nguyên liệu tăng gần 20%, vụ điều năm nay, các chi phí khác phục vụ chế biến cũng tăng 15%.
''Vết xe đổ'' của ngành mía đường?
Ông Trần Thế Huyên, Phó Phòng Kế hoạch kinh doanh Công ty Du lịch Tây Ninh, cho rằng hiện nay đa số các địa phương rất ''dễ dãi'' trong việc cho xây dựng nhà máy chế biến điều, vì tạo được công ăn việc làm cho lao động địa phương. Do đó, nhiều tỉnh có đến 2-3 nhà máy chế biến. Ông Huyên cho rằng, nếu không có sự quy hoạch, tương lai ngành điều sẽ đi vào ''vết xe đổ'' của ngành mía đường. Ông Hồ Ngọc Cầm thì cho rằng, từ nay đến cuối năm, các DN xuất khẩu điều cần ''bắt tay'' nhau để đưa ra giá bán hợp lý, tránh tình trạng bán phá giá để giành khách hàng. ''Có như thế các DN mới hy vọng... huề vốn'', ông Cầm nói.
(Theo NLĐ)
|