|
Các vụ buôn lậu ngày càng tinh vi và phức tạp. |
(VietNamNet) - Ra đời dựa trên Quyết định 180/1992/TTg, đến nay, việc trích lập, sử dụng, quản lý Quỹ chống các hành vi kinh doanh trái pháp luật (KDTPL) ở một số lĩnh vực, một số địa phương đã có những hướng dẫn khác xa so với ''nguyên bản''. Điều này cũng thể hiện Quyết định 180/TTg đã bất cập so với thực tế.
Trong các lĩnh vực thuế, chống buôn lậu, kiểm lâm, tỷ lệ trích lập quỹ được quy định là 30% số thu từ xử lý hành chính (còn lại 70% nộp vào ngân sách nhà nước). Nhưng trong lĩnh vực chống hàng giả, chống ma tuý thì lại được để lại toàn bộ số thu từ xử lý vi phạm hành chính. Về tỷ lệ sử dụng quỹ, Quyết định 180/TTg quy định 25% dành cho chi thưởng, 65% dành cho bổ sung kinh phí hoạt động và mua sắm, 10% nộp cấp trên. Nhưng thực tế, nguồn chi bồi dưỡng, chi thưởng đã có hướng dẫn riêng cho một số lĩnh vực. Chẳng hạn lĩnh vực thuế, tỷ lệ trích quỹ cho chi thưởng là 30%, 60% dành cho bổ sung kinh phí hoạt động và mua sắm, 10% nộp cấp trên.
Quyết định 180/TTg quy định chung về trích lập, quản lý và sử dụng quỹ đối với tất cả các lĩnh vực: chống buôn lậu, vận chuyển hàng hoá trái phép qua biên giới; chống buôn bán hàng cấm (bao gồm các hoạt động mại dâm, ma tuý, cờ bạc, mê tín dị đoan, hàng hoá trong danh mục nhà nước cấm sản xuất, buôn bán vận chuyển và sử dụng như văn hoá phẩm đồi truỵ, động vật quý hiếm, vũ khí...); chống trốn thuế; chống sản xuất và buôn bán hàng giả; kinh doanh trái phép; chống chặt phá rừng và kinh doanh lâm sản trái phép. |
Quyết định 180/TTg quy định khống chế thống nhất mức thưởng tối đa 200.000 đồng/người/ vụ, 600.000 đồng/người/tháng nếu một tháng có nhiều vụ. Nhưng đến nay, mức thưởng trong hoạt động chống buôn lậu được nâng lên 300.000 đồng/người/vụ và 1.000.000 đồng/người/tháng; lĩnh vực thuế là 300.000 đồng/người/vụ và 900.000 đồng/người/tháng. Thậm chí lĩnh vực kiểm lâm và chống hàng giả không quy định mức thưởng cụ thể, mà do Chủ tịch UBND cấp tỉnh quyết định.
Tại một số địa phương, một số lực lượng chống KDTPL thực hiện trích thưởng, chi bồi dưỡng theo từng vụ việc, thậm chí còn trích thưởng trước khi nộp vào tài khoản tạm giữ mở tại Kho bạc Nhà nước (do cơ quan thuế quản lý). Điều này đã gây dư luận không tốt về việc sử dụng tiền thu từ xử lý các hành vi KDTPL.
Thực tế của công tác chống KDTPL đã phát sinh các khoản như chi phí trả cho người cung cấp tin tức (chi phí mua tin, nhân mối), chi phí họp bàn giải quyết vấn đề hay phối hợp công tác... Vì vậy, một số lĩnh vực đã có văn bản hướng dẫn bổ sung các chi phí này như chống buôn lậu, gian lận thương mại, chống hàng giả, kiểm lâm. Do có nhiều văn bản khác nhau nên các khoản chi phí phát sinh này được thực hiện thiếu thống nhất giữa các vụ việc và giữa các địa phương.
Hiện nay, công tác chống các hành vi KDTPL như buôn lậu, trốn thuế, sản xuất và buôn bán hàng giả, chống mại dâm, ma tuý, chống chặt phá rừng và buôn bán lâm sản... ngày càng khó khăn, phức tạp. Đồng thời, số tiền xử phạt hành chính các hành vi KDTPL cũng nhiều hơn. Chính vì vậy, để đảm bảo công tác chống KDTPL có hiệu quả và được sử dụng đúng vào mục đích phòng ngừa, ngăn chặn như chỉ đạo của Chính phủ, cấp thiết đặt ra vấn đề phải sửa đổi, bổ sung Quyết định 180/TTg đã ban hành cách đây 10 năm.
|