(VietNamNet) - Một cuộc họp giữa các nhà xuất - nhập khẩu dệt may bàn về ảnh hưởng của việc bãi bỏ hạn ngạch vào năm 2005 vừa diễn ra ở Brussels (Bỉ). VietNamNet đã có cuộc tiếp xúc với ông Lê Minh Quân, Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin thương mại châu Âu tại Việt Nam (EBIC), người vừa dự cuộc họp trên, xung quanh vấn đề này.
|
Các nước xuất khẩu dệt may đang không ngừng nâng cao sức cạnh tranh. |
- Xin ông cho biết về tình hình xoá bỏ quota của Mỹ và EU?
- Hiện Mỹ còn 701 quota, EU còn 165 quota và Canada còn 239 quota. Trong vòng 8 năm qua, các nước nhập khẩu dệt may nói chung mới xoá bỏ được 20% số quota. Như vậy, trong 18 tháng tới, 80% còn lại sẽ được xoá bỏ.
- Còn tác động của việc xoá bỏ hoàn toàn chế độ hạn ngạch vào 1/1/2005?
- Báo cáo mới nhất của Ngân hàng Thế giới ghi rõ, khi chế độ này được áp dụng thì các nước đang phát triển có thể được hưởng 500 tỷ USD lợi nhuận từ việc tự do hoá. Tuy nhiên, hạn ngạch được dỡ bỏ thì việc cạnh tranh sẽ diễn ra khốc liệt hơn không chỉ ở ngành dệt may mà còn ở ngành giày da, đồ chơi, hàng điện tử nói chung. Điểm nổi bật là xuất khẩu của một số nước có công nghệ, cơ sở hạ tầng đầy đủ (như Trung Quốc) sẽ tăng trưởng vượt bậc. Như vậy, ngành dệt may ở một số nước đang phát triển hơn bao giờ hết cần nâng cao khả năng cạnh tranh ngay từ năm 2004, kết hợp với đa dạng hoá sản phẩm xuất khẩu...
- Và yêu cầu của những nhà nhập khẩu có thay đổi thế nào, thưa ông?
- Tại Hội nghị bàn về ngành dệt may thế giới sau năm 2005, các nhà nhập khẩu đã khẳng định, họ sẽ mua tập trung tại một vài nguồn sản xuất chủ yếu, trong đó chú trọng mua ở nhà cung cấp khép kín, trọn gói. Hiện có một số vùng cung cấp hàng dệt may chính là Đông Âu, Bắc Phi với đặc điểm đối ứng nhanh với thay đổi của mùa, nhiều cơ hội tiếp xúc với công nghệ cao; bán đảo Tiểu Ấn cùng lợi thế về giá kết hợp dây chuyền sản xuất khép kín; cuối cùng là châu Á với chủng loại hàng đa dạng, giá cả rất cạnh tranh.
DN nhập khẩu dệt may của EU và Mỹ nói chung đưa ra bốn yêu cầu chính là tốc độ, chất lượng, sự tuân thủ các quy định về môi trường - xã hội - pháp luật, chi phí. Theo đánh giá của họ, việc nhập khẩu hàng nghiêng về xu thế thay đơn đặt hàng trước vài tháng bằng đơn đặt hàng trước vài tuần, dành nhiều bộ sưu tập hơn cho từng mùa, đầu tư lớn vào công tác kế hoạch tiêu dùng cho mùa, dùng ít nhà cung cấp hơn và cộng tác chặt chẽ với nhà cung cấp được lựa chọn.
- Xin ông cho biết quan điểm của một số nước tham gia hội nghị về việc cắt giảm thuế?
- EU yêu cầu các nước đang phát triển cũng cần cắt giảm thuế theo mức chung, đặc biệt nhấn mạnh Toàn bộ thành viên WTO đẩy mạnh việc cắt giảm mức thuế trong ngành dệt may, càng gần mức 0% càng tốt. Mỹ hy vọng giảm thuế xuống dưới 5% vào 2010 và loại bỏ hoàn toàn mọi mức thuế năm 2015. Trung Quốc đề xuất lấy mức thuế trung bình làm mức trần, cắt giảm chủ yếu các mức thuế cao. Trong khi đó, quan điểm của Ấn Độ là các nước đang phát triển cắt giảm mức thuế bằng 2/3 so với mức cắt giảm của các nước phát triển.
- Theo ông, dệt may Việt Nam sẽ ảnh hưởng ra sao khi chế độ hạn ngạch không còn tồn tại?
- Nếu đã là thành viên của WTO, Việt Nam sẽ phải chịu cạnh tranh lớn về giá, thời gian giao hàng, chất lượng điều kiện thanh toán. Vì vậy DN cần nhanh chóng ứng dụng công nghệ mới, phát triển khả năng tự cung ứng nguyên liệu, đa dạng hoá sản phẩm đề phòng mất thị trường. Nếu nằm ngoài WTO, Việt Nam sẽ phải thương thảo với những quốc gia nhập khẩu dệt may về mức thuế nhập, đồng thời không được các nhà nhập khẩu đưa vào danh sách lựa chọn. Do đó, DN cần có mặt hàng độc đáo với ưu thế cạnh tranh rất cao.
- Xin cám ơn ông!
|