Kể từ ngày khởi sự nghề nuôi tôm (1989) đến năm 2000, những người nuôi ở vùng hạ lưu sông Bàn Thạch (Phú Yên) luôn trúng lớn. Nhưng, liên tiếp trong 3 năm nay, nghề nuôi tôm ở đây đã gặp nạn.
|
Đầm nuôi tôm sú. |
''Người lỗ vốn nhiều hơn người trúng'', ông Lương Văn Khạng - Chủ tịch UBND xã Hòa Hiệp Nam nói vậy. Xã Hòa Hiệp Nam có diện tích nuôi tôm sú là 432ha trong tổng số 1.096ha ở hạ lưu sông Bàn Thạch, hiện xã đang thống kê số diện tích bị thất bại trong vụ tôm năm nay, nhưng theo ông Khạng dự đoán là không dưới 2/3. Năm 2002, theo thống kê của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tuy Hòa, 10 người nuôi chỉ 1 có lãi, 9 còn lại lỗ hoặc hòa vốn. Riêng xã Hòa Hiệp Nam, theo Chủ tịch Lương Văn Khạng, có đến 80-90% diện tích bị thất bại.
Nguyên nhân chính là thời tiết quá khắc nghiệt. Trời nắng quá, độ mặn cao, tôm không phát triển, lại thêm bệnh phân trắng, đốm trắng. Mưa quá gây thiếu mặn, xuất hiện thêm nhiều bệnh lạ trước nay chưa gặp như mang vàng, mang đen... Ðó là nhận định theo kinh nghiệm của người nuôi tôm. Còn theo ngành chức năng, tình trạng này là do bà con nuôi với mật độ quá dày, cải tạo hồ bừa bãi gây ô nhiễm nguồn nước...
Còn có một lý do khác khiến người nuôi tôm sú không có nhiều lãi là giá cả bất ổn. Anh Nguyễn Ðức, một chủ đìa tôm ở đồng Cương (Ða Ngư - Hòa Hiệp Nam), cho biết: ''Ðầu vụ giá tôm là 115.000 đồng/kg (lấy chuẩn 30 con/kg) thì hiện nay dao động trong khoảng 88.000 - 90.000 đồng/kg mà thôi. Ðây là mức giá thấp nhất trong khoảng 5 năm trở lại đây ở vùng tôm này, mà nghe đâu giá còn có thể hạ nữa''.
Cùng với việc các vụ tôm luôn thất bát trong mấy năm qua, chuyện các đại lý làm giá (chỉ tích cực mua tôm nhỏ, không thích mua tôm lớn!), khiến người nuôi tôm Phú Yên đang ở vào thế bi đát. Nghề nuôi tôm sú không còn là nghề cho ''siêu lợi nhuận'' nữa, nhiều gia đình lâm vào cảnh trắng tay, nợ nần chồng chất do theo tôm mấy năm liền mà bị thất bại.
(Theo NLĐ)
|