Doanh nghiệp và Tham tán tìm tiếng nói chung
09:44' 14/06/2003 (GMT+7)
 
Hội chợ hàng Việt Nam xuất khẩu tại Moscow.

(VietNamNet) - Doanh nghiệp (DN) cần gì nhất ở Tham tán và Tham tán khuyên gì cho DN? Đó là câu hỏi mà VietNamNet đã đặt ra sáng qua (13/6) với các DN và Tham tán trong cuộc đối thoại trực tiếp giữa Tham tán Thương mại (TM) và DN phía Bắc. Câu trả lời cho thấy, từ trước đến nay, DN và Tham tán đã chưa có tiếng nói chung. 

Hội trường 37 Hùng Vương sáng 13/6 ''quá tải'' vì số lượng ngoài dự kiến các DN phía Bắc tìm đến. Một DN đến từ Thái Nguyên cho biết: ''Đoàn chúng tôi có mặt từ sáng sớm để tham dự cuộc gặp này. Tuy không phải ai cũng có giấy mời nhưng chúng tôi đều mong gặp được các tham tán''. Nhiều DN đã chuẩn bị rất công phu tài liệu giới thiệu công ty, dự án kêu gọi đầu tư để mang đến cuộc gặp.   

Doanh nghiệp cần gì?

Bà Vũ Như Quỳnh, đại diện Công ty Bông Mai - một DN sản xuất đồ gỗ xuất khẩu tại Bắc Ninh - cho biết, công ty của bà lâu nay làm ăn với nhiều đối tác Trung Quốc theo kiểu tự tìm đến nhau, không qua Thương vụ. Làm ăn như vậy tuy nhanh nhưng cũng mệt mỏi và nhiều rủi ro do không nắm chắc đối tác. 

Bà muốn gặp tham tán TM tại Trung Quốc để qua họ tìm kiếm thông tin có hệ thống, tiết kiệm chi phí. ''Công ty cần tìm hiểu nhất nhu cầu thị trường về mặt hàng đồ gỗ của công ty''. Theo bà, trước đó, công ty ít nhờ Thương vụ một phần vì không biết liên lạc với ai, một phần là do thông tin mà công ty nhận được thường chậm và không cụ thể. Hiện công ty của bà muốn mở rộng làm ăn ở các tỉnh miền Nam và miền Tây Trung Quốc và có ý định xâm nhập thị trường Nam Phi nên không thể thiếu lời khuyên của các tham tán.

Với những DN như công ty của bà Quỳnh thì cuộc gặp hôm nay là để thiết lập quan hệ chặt chẽ hơn với các Thương vụ. Nhưng với không ít DN, đây là lần đầu tiên họ tìm đến với tham tán. Ông Nguyễn Văn Tháu - đại diện Công ty Kim loại màu Thái Nguyên - tâm sự, ông đến gặp các tham tán sau nhiều phen công ty ''lao đao'' vì không hiểu thị trường. 

Ông kể, sản phẩm khoáng sản xuất khẩu chủ yếu của công ty là sang các nước ASEAN, Trung Quốc. Các ''mối'' làm ăn hiện có là do các công ty nước ngoài tự tìm đến nên công ty luôn bị động. Mới đây, công ty của ông bị EU kiện vì bán phá giá dù không hề có quan hệ làm ăn với đối tác EU. Điều tra ra mới biết thì ra các công ty của Trung Quốc và Thái Lan đã nhập hàng của công ty rồi bán sang EU với giá rẻ trên danh nghĩa đại diện của công ty. ''Sau sự việc này, chúng tôi mới hiểu sự rủi ro khi không nắm vững đối tác. Mặt khác, chúng tôi cũng thấy nếu mình tự tin xâm nhập EU thì giá trị xuất khẩu sẽ lớn hơn nhiều'' - ông Tháu nói. Ông cũng mang theo những dự án mới của công ty để nhờ các tham tán giới thiệu đến thị trường các nước. Theo lời ông, có những sản phẩm công ty làm ra chỉ để xuất khẩu như quặng Cr 46%, nhưng công ty không biết là hiện nay có những thị trường nào cần mặt hàng này.  

Ông Nguyễn Ngọc Thái, Phó Giám đốc Công ty Xuất nhập khẩu Bắc Ninh, lại trao đổi thẳng thắn về hiệu quả của những chuyến khảo sát tìm hiểu thị trường. Theo ông, các chuyến đi tự phát của DN nặng về hình thức, hiệu quả rất ít. Ông rất muốn các Thương vụ hướng dẫn khảo sát, cung cấp kinh nghiệm tham gia hội chợ, triển lãm vì đây là cách hiệu quả nhất để giới thiệu sản phẩm.

Tham tán TM khuyên gì?

Tuỳ viên TM Việt Nam tại Liên Bang Nga, ông Trần Văn Thịnh, nói rất nhiều về cơ hội tại thị trường rộng lớn của Nga. Ông nêu 2 điển hình thành công của DN Việt Nam khi vào thị trường Nga là công ty Gạch Thạch Bàn và các Công ty sản xuất mỳ ăn liền. Kinh nghiệm thành công của các công ty này là đã biết chọn đúng ''khoảng trống'' của thị trường Nga, ''Ở Nga có tất cả nguyên liệu để sản xuất những sản phẩm này nhưng họ không có công nghệ như ở Việt Nam'' - ông nói. 

Ông cũng khuyên các DN nên chọn vùng Moscow và vùng Viễn Đông của Nga để làm ăn. Các vùng này rất quen thuộc với nông sản Việt Nam nhờ những Hiệp định Rau quả được ký những năm 80. Ông cho biết thêm, Thương vụ tại Nga cũng đang đề nghị Vietcombank giúp đỡ các DN Việt Nam trong thanh toán với Nga bằng cách mở thêm những văn phòng đại diện tại Nga.

Ông Trần Ngọc Hải, Tham tán TM tại Pháp, giải thích tại sao thị trường Pháp lại khó tính như vậy. Theo ông, các DN kêu ca nhiều về yêu cầu cao của thị trường này là do chưa có tầm nhìn xa. Ông lấy ví dụ mặt hàng đồ gỗ, nếu đầu tư vào các sản phẩm cao cấp thì khó đứng chân trước những sản phẩm nổi tiếng thế giới tại Pháp. Trước đây đã có những tập đoàn sản xuất đồ gỗ hàng đầu của Pháp định vào làm ăn tại Việt Nam nhưng không thành. Ông Hải khuyên các DN nên tìm đến những tập đoàn này đề nghị hợp tác sản xuất những mặt hàng cao cấp tại Việt Nam.

Vấn đề lệ phí mà các tham tán vẫn than phiền nhận được sự đáp ứng rất tích cực của các DN. Các DN đều tuyên bố họ không phản đối việc phải trả tiền để có được một số thông tin nhất định. Như vậy là không hề có vướng mắc giữa tham tán và DN trong việc trả hay không trả phí thông tin. Việc còn lại chỉ là xác định đầu mối đứng ra nhận quản lý việc lưu chuyển thông tin từ các Thương vụ đến DN. Bên cạnh đó, như ông Nguyễn Đình Khiên, tham tán TM tại Mỹ, cần xác định rõ thông tin nào miễn phí, thông tin nào trả tiền. ''Nếu không thì chúng ta phải làm cả một đề tài nghiên cứu thị trường chỉ để trả lời một câu hỏi của DN'' - ông nói.

Một cuộc gặp như sáng nay là điều mà DN chờ đợi từ lâu, song thời gian dành cho các tiếp xúc riêng là quá ít. Họ phàn nàn ''gặp được tham tán sao mà khó quá''. Nhiều DN cho biết có lẽ họ sẽ đi theo các tham tán trong chuyến xuyên Việt để ''phục kích'' bằng được các tham tán. 

  • Q.D

  

           

  Gửi tin qua Mobile Gửi tin qua E-mail In tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC:
Từ 1/7, cắt giảm thuế 17 mặt hàng tham gia AFTA (14/06/2003)
WB và ADB sẽ hỗ trợ nhà máy điện Phú Mỹ 3 (13/06/2003)
Hơn 31.000 ôtô đang kinh doanh vận tải sẽ bị loại bỏ? (13/06/2003)
Xây dựng 12 vùng nuôi thủy sản an toàn (13/06/2003)
2004, tăng trưởng GDP không thấp hơn 7,5% (13/06/2003)
Bắc Sơn mua bán trái phép 30.000 bộ linh kiện xe máy (13/06/2003)
Tồn đọng khoảng 200 triệu con cá tra giống (13/06/2003)
Thành lập Cục Đầu tư nước ngoài (13/06/2003)
Thành lập DN 100% vốn Việt Nam tại Hoa Kỳ (13/06/2003)
"Chia sân" để lo cho công nghiệp chế biến (12/06/2003)
Phán quyết của trọng tài ngang với bản án (12/06/2003)
Chính thức giao hạn ngạch dệt may đợt I (12/06/2003)
Dưa chuột công nghệ cao sang Mỹ (12/06/2003)
Đơn đăng ký nhãn hiệu hàng hóa có nguy cơ ùn tắc? (12/06/2003)
Xem tiep Tro ve dau trang