Phán quyết của trọng tài ngang với bản án
16:12' 12/06/2003 (GMT+7)

Tranh chấp thương mại sẽ nhiều hơn khi Việt Nam hội nhập quốc tế.

(VietNamNet) - Đương sự trong vụ việc tranh chấp đưa ra trọng tài thương mại giải quyết có quyền yêu cầu Toà án dùng các biện pháp khẩn cấp tạm thời, yêu cầu cơ quan thi hành án ra quyết định cưỡng chế thi hành phán quyết của trọng tài thương mại. Đây là những điểm mới trong Pháp lệnh Trọng tài thương mại bắt đầu có hiệu lực từ 1/7 tới.

Không cưỡng chế, nói ai nghe! 

Nghị định 116/CP của Chính phủ ban hành năm 1994 quy định tổ chức và hoạt động của Trọng tài thương mại đã được 9 năm. Tuy nhiên, thống kê cho thấy lực lượng trọng tài đang còn mỏng và những vụ việc tranh chấp ''gõ cửa'' trọng tài quá ít mặc dù hầu hết các hợp đồng kinh tế đều có thoả thuận trọng tài. Hiện nay, với hơn 80 triệu dân, cả nước chỉ có 90 trọng tài thương mại. Nhiệm kỳ 1998-2001, Trung tâm Trọng tài Quốc tế thuộc Phòng Công nghiệp và Thương mại Việt Nam thụ lý 74 vụ kiện, trong đó 67% vụ có giá trị tranh chấp dưới 100.000 USD. Trong khi đó, trung bình một năm Tòa kinh tế cả nước thụ lý gần 1.000 vụ, nhiều vụ giá trị hàng chục triệu USD.

Sau 8 năm thực hiện Pháp lệnh Công nhận và thi hành tại Việt Nam quyết định của trọng tài nước ngoài, đến nay, vẫn chưa có bất kỳ trường hợp nào được công nhận và thi hành tại Việt Nam. Gần đây, có một vụ tranh chấp liên quan đến yếu tố nước ngoài ở TP.HCM nhưng hai bên lập luận giằng co nhau giữa việc đưa ra trọng tài thương mại hay toà án. Hợp đồng ký kết giữa hai bên có thoả thuận trọng tài nhưng một bên cho rằng, vụ việc không thuộc phạm vi trọng tài thương mại giải quyết theo quy định của pháp luật. 

Đa số các chuyên gia cho rằng, cơ chế trọng tài giải quyết tranh chấp kinh tế chưa phổ biến do phán quyết của trọng tài chỉ dựa trên cơ sở tự nguyện, không có hiệu lực cưỡng chế như của quyết định hay bản án của toà án có hiệu lực pháp luật. Vì thế, các tổ chức cá nhân, đặc biệt là các DN không tin tưởng qua trọng tài có thể ''đòi lại'' công bằng.

Hậu thuẫn của cơ quan thi hành án

Theo Điều 57, Pháp lệnh Trọng tài thương mại, sau thời hạn 30 ngày, kể từ ngày hết thời hạn thi hành quyết định trọng tài, nếu một bên không tự nguyện thi hành, bên được thi hành quyết định trọng tài có quyền làm đơn yêu cầu cơ quan thi hành án cấp tỉnh nơi có trụ sở, nơi cư trú hoặc nơi có tài sản của bên phải thi hành, thi hành quyết định trọng tài. Bằng quy định này, ông Nguyễn Minh Chí, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam, đánh giá ''quyết định của trọng tài giờ đây không khác mấy so với bản án kinh tế, dân sự đã có hiệu lực pháp luật''.

Không những thế, Điều 33, Pháp lệnh Trọng tài thương mại quy định: ''Trong quá trình Hội đồng Trọng tài giải quyết vụ tranh chấp, nếu quyền và lợi ích hợp pháp của mình bị xâm hại hoặc có nguy cơ trực tiếp bị xâm hại, các bên có quyền làm đơn đến Tòa án cấp tỉnh nơi Hội đồng trọng tài thụ lý vụ tranh chấp yêu cầu áp dụng một hoặc một số biện pháp khẩn cấp tạm thời sau đây''. Cụ thể, đương sự có quyền yêu cầu áp dụng các biện pháp như kê biên, phong tỏa tài sản tranh chấp, bảo toàn chứng cứ trong quá trình giải quyết tranh chấp qua kênh trọng tài... Tuy nhiên, một chuyên gia pháp luật lo ngại rằng, nếu chưa có biện pháp bảo đảm thì Toà án có thể gây khó dễ cho việc ra các quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời.

DN sẽ chọn trọng tài?

Theo TS. Dương Đăng Huệ, Phó vụ trưởng Vụ Pháp luật Dân sự - Kinh tế, Bộ Tư pháp, giải quyết tranh chấp bằng trọng tài có nhiều điểm lợi so với việc đưa nhau ra toà. Với cơ chế trọng tài, các bên có quyền chủ động lựa chọn cơ quan phán quyết ngay cả trước và sau khi tranh chấp phát sinh, không chịu ràng buộc vào nơi phát sinh tranh chấp hay nơi các bên có trụ sở chính như quy định đối với việc giải quyết các tranh chấp tại Toà án. Thủ tục giải quyết thông qua trọng tài khá đơn giản, nhanh gọn, phán quyết của trọng tài là chung thẩm; trọng tài xét xử kín nên các bên có thể đảm bảo được bí mật kinh doanh. Trong khi đó, giải quyết thông qua Toà án, các bên có thể phải qua tới 6 cấp giải quyết tranh chấp, từ sơ thẩm đến chung thẩm...

Pháp lệnh Trọng tài mới cũng thể hiện tôn trọng DN lựa chọn trọng tài và coi trọng tài như một cơ chế giải quyết tranh chấp độc lập bên cạnh Toà án. Theo Khoản 4, Điều 53, Pháp lệnh Trọng tài thương mại, khi có khiếu nại, Toà án không xét lại nội dung vụ tranh chấp mà chỉ xem xét về trình tự và thủ tục trọng tài. Trong trường hợp hai bên đã có thoả thuận trọng tài, nếu một bên khởi kiện, thì Toà án cũng không có quyền thụ lý hồ sơ, trừ trường hợp thoả thuận trọng tài vô hiệu.

Đối tượng áp dụng của Pháp lệnh Trọng tài thương mại cũng đã vượt qua giới hạn của hai chữ ''thương mại'' để mở rộng giải quyết tranh chấp hầu hết các quan hệ kinh tế, thương mại, rộng hơn 14 hành vi mà Luật Thương mại hiện hành quy định. Chẳng hạn, các tranh chấp về tài chính, tín dụng, ngân hàng, bảo hiểm... cũng có thể được giải quyết ổn thỏa bởi các trọng tài viên.

Việt Nam hội nhập kinh tế thế giới, các tranh chấp thương mại tất yếu phát sinh và tập quán kinh doanh quốc tế thường chọn cơ chế trọng tài để giải quyết tranh chấp. Do đó, theo các chuyên gia pháp luật, khung pháp lý về trọng tài thương mại sẽ phải được củng cố, tuân thủ các quy định chung của quốc tế. Tuy nhiên, các DN cần phải tỉnh táo hơn trong ký kết hợp đồng và ghi rõ điều khoản thoả thuận giải quyết khi có tranh chấp.

  • Văn Tiến

  Gửi tin qua Mobile Gửi tin qua E-mail In tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC:
Chính thức giao hạn ngạch dệt may đợt I (12/06/2003)
Dưa chuột công nghệ cao sang Mỹ (12/06/2003)
Đơn đăng ký nhãn hiệu hàng hóa có nguy cơ ùn tắc? (12/06/2003)
Phát hiện lô hàng dệt len giả xuất xứ Việt Nam (12/06/2003)
Hà Tĩnh - Đầu tư thực hiện càng sớm, mức ưu đãi càng lớn (12/06/2003)
Đề nghị nâng mức thưởng xuất khẩu đối với gạo (12/06/2003)
Nhu cầu mua ngoại tệ tiếp tục tăng cao (12/06/2003)
Xe máy giảm, ôtô tăng (11/06/2003)
Giảm giá tính thuế nhập khẩu một số loại ôtô (11/06/2003)
Vẫn còn có thương vụ ''lười'' hoạt động (11/06/2003)
Tribeco hoãn chia lãi bổ sung để chờ hướng dẫn (11/06/2003)
Bốn chữ "C" - bí quyết xuất khẩu thành công sang Mỹ (11/06/2003)
Sinh sản nhân tạo thành công tôm rằn (11/06/2003)
Gạo Việt Nam đang cạnh tranh tốt (11/06/2003)
Xem tiep Tro ve dau trang