Hội nghị Tham tán thương mại
Vẫn còn có thương vụ ''lười'' hoạt động
14:20' 11/06/2003 (GMT+7)
Phó Thủ tướng Vũ Khoan phát biểu tại Hội nghị.

(VietNamNet) - ''Hoạt động của các tham tán thương mại thời gian qua nhìn chung chưa đáp ứng được yêu cầu trong nước. Kinh phí hoạt động của một số thương vụ là kinh phí 'ngồi chơi'. Các tham tán thương mại cần năng động hơn, nâng cao hơn nữa trách nhiệm với doanh nghiệp'' - Đó là đánh giá của ông Trương Đình Tuyển, Bộ trưởng Thương mại, tại Hội nghị Tham tán thương mại 2003, khai mạc hôm qua (9/6) tại Hà Nội.      

Tham tán thương mại là kênh trao đổi quan trọng giữa doanh nghiệp (DN) trong nước với thị trường nước ngoài. Trong số 42 tham tán thương mại Việt Nam hiện nay có 14 tham tán thương mại ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương, 20 tham tán và một tuỳ viên thương mại phụ trách thị trường Âu - Mỹ, 7 tham tán thương mại và một tuỳ viên thương mại ở thị trường Phi châu - Tây Nam Á. Trong số trên có những thị trường chủ lực cho XK Việt Nam như Mỹ, EU... song cũng có những thị trường ''hữu danh vô thực'' với kim ngạch buôn bán hết sức khiêm tốn.

Tham tán không đáp ứng được yêu cầu

Đóng góp của thương vụ Việt Nam tại nước ngoài được đánh giá qua việc cung cấp những thông tin khảo sát thị trường, xúc tiến thương mại, tìm kiếm đối tác, ''dọn đường'' cho sự xâm nhập của DN Việt Nam vào thị trường sở tại và nghiên cứu chiến lược phát triển thị trường, phục vụ thị trường trong nước. Tuy đã có nhiều tiến bộ nhưng hiện hoạt động của các thương vụ Việt Nam ở nước ngoài vẫn thiếu tính chuyên nghiệp, bó hẹp về mặt không gian và hạn chế về lĩnh vực. Chẳng hạn, một trong những nhiệm vụ chính của tham tán thương mại là thu thập, xử lý và cung cấp thông tin kịp thời về nước cho Bộ Thương mại và các DN, thế nhưng hiện chỉ có 3 thương vụ Việt Nam tại Mỹ, Singapore và Dubai là xây dựng trang web riêng kết nối trực tiếp với các tổ chức thương mại trong nước. 

Ông Trương Đình Tuyển, Bộ trưởng Bộ Thương mại, đánh giá: ''Hoạt động của các tham tán thương mại thời gian qua nhìn chung là chưa đáp ứng được yêu cầu trong nước. Kinh phí hoạt động của một số thương vụ là kinh phí "ngồi chơi". Các tham tán TM phải năng động hơn, nâng cao hơn nữa trách nhiệm với DN. Chúng ta cần những hoạt động thực chất chứ không phải những thương vụ hình thức''. Ông cho biết thêm, Hội nghị tham tán thương mại lần này sẽ kéo dài trong gần một tháng với chuyến đi ''xuyên Việt'' nhằm tạo mọi cơ hội cho DN trong cả nước tiếp xúc trực tiếp với các tham tán thương mại để tìm hiểu thị trường.

Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Khoan nhấn mạnh, nhiệm vụ của các tham tán thương mại và toàn ngành thương mại là phải xử lý được hai thách thức về thị trường và quản lý Nhà nước. Về thị trường, cần xây dựng một ''thế chân vạc'' cơ động, đa dạng hoá thị trường nhưng không quá tập trung vào một thị trường nào. Ông nhắc đến bài học dệt may gần đây đã quá chú trọng vào Mỹ nên bây giờ gặp nhiều khó khăn khi quay lại những thị trường truyền thống EU, Nhật Bản... Bên cạnh đó, cần định hướng lại việc phân chia thị trường, cơ cấu thị trường và xu hướng cạnh tranh mới. 

Về quản lý Nhà nước, Chính phủ đã có nghị định 08 quy định quyền hạn và nghĩa vụ của các cơ quan hoạt động ở nước ngoài nhưng việc thực hiện vẫn rất trì trệ. Điều này khiến các thương vụ hoạt động rất khó khăn do thiếu kinh phí, thiếu nhân lực. Một cản trở nữa đến từ thị trường trong nước, theo Phó Thủ tướng, là các thoả thuận thương mại giữa Việt Nam với các nước hết sức ''lộn xộn'', nhiều khi không ''biết'' đâu là BTA, MFN... Việc này khiến các tham tán thương mại lúng túng khi xác định hướng nghiên cứu và theo dõi đối tác. 

''Chúng tôi không đủ sức ! ''

Ông Nguyễn Duy Khiên, Tham tán thương mại Việt Nam tại Mỹ, nêu lên thực tế tại Mỹ là hoạt động kinh tế cực kỳ sôi động trên không gian rộng lớn. ''Chỉ riêng theo dõi thị trường một bang của Mỹ đã mệt rồi, chúng tôi không thể nào đủ sức bao hết cả nước Mỹ. Ngay việc bay từ Washington D.C đến San Francisco chúng tôi cũng không đảm bảo đủ kinh phí''. thương vụ Việt Nam tại Mỹ là một trong những thương vụ hoạt động ''chuyên nghiệp'' nhất khi mới đây vừa cho xuất bản 2000 cuốn ''Doing Business in Vietnam'' nhằm quảng bá các cơ hội làm ăn tại Việt Nam. 

Cũng theo ông Khiên, các DN trong nước không thể chỉ trông chờ vào thương vụ mà cần chủ động thực hiện các chương trình xúc tiến, thương vụ sẽ giúp đỡ bằng các hoạt động giới thiệu tại hội chợ hay tìm đầu mối thông tin. Ông lấy ví dụ VASEP và Hiệp hội Da giày đã rất thành công khi tập trung những nỗ lực của toàn ngành vào một chiến dịch quảng bá chứ không ''chiến đấu'' riêng lẻ theo từng DN. Ông cũng lưu ý các DN nên từ bỏ suy nghĩ ''xin không'' những thông tin thương mại. ''Thương vụ có thể cung cấp thông tin cho DN nhưng để có các thông tin đó, chúng tôi cũng phải thông qua các tổ chức tư vấn và phải trả phí tư vấn. Nếu các DN trả một phần những chi phí ấy thì hoạt động của chúng tôi sẽ thuận lợi hơn nhiều''. Các DN cũng cần tin tưởng hơn vào thương vụ. Ông Khiên kể, có những DN đã ăn ''cú lừa'' khi tham gia các hội chợ quốc tế ở Mỹ vì quá tin vào quảng cáo của họ. Chi phí tối thiểu cho một DN tham gia là 10.000 USD trong khi chỉ cần DN bỏ ra 1.000 USD nhờ thương vụ xác minh đối tác thì đã không chịu thiệt hại như vậy. 

Ý kiến trên của ông Khiên rất được Phó Thủ tướng Vũ Khoan ủng hộ. Theo ông, nếu chỉ trông chờ vào kinh phí Nhà nước thì thương vụ sẽ khó hoạt động bình thường, chưa nói đến hiệu quả, do đó phải huy động các nguồn ngoài kinh phí. Nguồn đầu tiên là các Hiệp hội DN, ''họ phải đóng góp vì hoạt động của thương vụ là phục vụ họ'' - ông nói. Nguồn thứ hai là các quỹ hỗ trợ của chính nước sở tại, hiện chưa được khai thác hợp lý. Ông bổ sung: để tiết kiệm chi phí các thương vụ cần tập trung các mối liên lạc về một website chính của Bộ Thương mại, không nên phân tán.

Việc thu nhận và xử lý thông tin do các thương vụ gửi về cũng là yếu kém khiến sự phối hợp giữa DN và thương vụ không đạt hiệu quả cao. Phó Thủ tướng đánh giá hoạt động của các Sở Thương mại, Sở Ngoại vụ còn rất ''mờ nhạt'' khiến những thông tin gửi về bị ''bỏ rơi'', đến lúc thua thiệt thì lại đổ trách nhiệm cho các tham tán thương mại. Ông cho biết thêm, Chính phủ khuyến khích tất cả các Hiệp hội DN tiến hành xúc tiến thương mại nhưng cần hạn chế tối đa việc xúc tiến thương mại một cách không tổ chức như một phong trào hiện nay tại các Bộ, ngành.

Hội nghị Tham tán Thương mại lần này sẽ kéo dài trong 3 ngày, tập trung vào việc đề ra chiến lược phát triển thị trường, thiết lập mạng lưới liên kết gọn gàng, chặt chẽ hơn... Sau đó đoàn đại biểu tham tán thương mại sẽ thực hiện chuyến ''xuyên Việt'' để tiếp xúc với DN trong cả nước.

  • Quang Dũng
  Gửi tin qua Mobile Gửi tin qua E-mail In tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC:
Tribeco hoãn chia lãi bổ sung để chờ hướng dẫn (11/06/2003)
Bốn chữ "C" - bí quyết xuất khẩu thành công sang Mỹ (11/06/2003)
Sinh sản nhân tạo thành công tôm rằn (11/06/2003)
Gạo Việt Nam đang cạnh tranh tốt (11/06/2003)
Đà Nẵng tổ chức Hội chợ CNTT và viễn thông 2003 (11/06/2003)
Doanh nghiệp không thể đổ hết tội cho tham tán (11/06/2003)
Hội An xây dựng 2 khu du lịch sinh thái biển (10/06/2003)
Hội chợ nông nghiệp lớn nhất tại TP.HCM (10/06/2003)
Áp thuế GTGT 5% đối với máy tính và cụm linh kiện (10/06/2003)
50 tấn mận Bắc Hà tiếp tục vào TP.HCM (10/06/2003)
Tiếp tục bán đường vào 20/6 (10/06/2003)
''DN nước ngoài được phép liên doanh trong lĩnh vực Bưu chính Viễn thông'' (10/06/2003)
Việt Nam sẽ có quỹ thuỷ sản? (10/06/2003)
"Cần chú trọng chất lượng tăng trưởng" (10/06/2003)
Xem tiep Tro ve dau trang