Thống đốc NHNN Lê Đức Thuý:
''Chưa thể chấm dứt được giao dịch chợ đen''
09:49' 09/06/2003 (GMT+7)

(VietNamNet) - ''Nước nào cũng thế, vẫn còn một hoạt động kinh tế ngầm mà trong đó có hoạt động giao dịch ngoại tệ ở chợ đen. Ở nước ta phải nói là giao dịch ngoại tệ ngoài ngân hàng còn khá phổ biến, nhiều khi công khai. Điều này chưa thể chấm dứt ngay được...''. Tại Quốc hội, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Đức Thúy đã thừa nhận như vậy, khi ông trò chuyện với các nhà báo về những vấn đề bức xúc trong ngành ngân hàng như lãi suất, tình trạng ''đôla hoá''. Đặc biệt lần đầu tiên, ông Thuý đã hé mở về một khả năng cổ phần hoá các ngân hàng thương mại Nhà nước, điều mà ít ai nghĩ tới. 

''Chuyện cổ phần hoá các ngân hàng thương mại nhà nước tôi đã nghĩ đến từ lâu''.

- Thưa ông, vì sao chúng ta không kiểm soát được việc đổi ngoại tệ công khai trên hè phố Thủ đô và ở các tỉnh giáp biên (Lạng Sơn, Quảng Ninh) còn có hẳn các chợ tiền lớn của tư nhân để giao dịch?

- Điều đó thể hiện chúng ta còn yếu kém trong việc quản lý nhà nước về mặt bảo đảm hoạt động giao dịch ngoại tệ trong khuôn khổ pháp luật. Phải thừa nhận một thực tế lịch sử là nền kinh tế của nước ta từng nhiều năm chưa ổn định, lạm phát cao, giá trị đồng tiền Việt Nam không được người dân tin cậy, găm giữ. Cho nên dẫn đến việc người dân sử dụng những đồng tiền mạnh khác, xem như một thứ giá trị, của cải của mình để giao dịch trên thị trường. Điều này cần phải có nhiều giải pháp đồng bộ cả về hành chính, pháp luật, nhất là về kinh tế...

- Ông có thể nói cụ thể rằng theo ông, cơ quan quản lý nhà nước nào yếu kém?

- Trước hết phải nói ở hệ thống ngân hàng. Yếu ở chỗ ngân hàng bố trí ít bàn giao dịch đổi tiền chính thức trong khi nhu cầu đổi tiền của người dân lớn, họ muốn đổi tiền ở nơi thuận tiện, tự do. Một cái yếu nữa là việc điều hành tỷ giá của ngân hàng không tốt, để cho chênh lệch tỷ giá quá lớn giữa tỷ giá chính thức với thị trường tự do, do đó người dân chạy đến nơi nào có lợi hơn.

- Như vậy, có thể khẳng định NHNN còn yếu kém trong việc thực hiện chức năng quản lý nhà nước, chưa chủ động phối hợp để xoá bỏ việc giao dịch chợ đen đang diễn ra trên thị trường?

- Phải thừa nhận còn có tồn tại, yếu kém và cũng còn nhiều việc phối hợp chưa tốt, nhưng phải đánh giá cho đúng nếu không có bộ máy này, không có một nền kinh tế - xã hội an ninh ổn định thì nước ta không thể liên tục đạt mức tăng trưởng tương đối cao vào loại nhất nhì ở khu vực và thế giới. Chúng ta còn phải tiếp tục làm, mỗi ngành, mỗi cơ quan đều chung sức vào khắc phục yếu kém. Tôi muốn nói là chúng ta không nên ảo tưởng, đừng đặt ra những cái mà chúng ta không thể làm ngay, người ta có câu rằng ''thành Paris không thể xây dựng trong một đêm''. Những vấn đề liên quan đến việc chuyển biến tâm lý xã hội không thể làm trong ngày một, ngày hai mà phải có thời gian dài. Nếu cứ sốt ruột quá dẫn đến chỗ đánh giá không đầy đủ làm thui chột cố gắng hoặc đánh giá không đúng về cán bộ thì sẽ có nhiều bất lợi.

- Thưa ông, có ý kiến cho rằng giao dịch ngoại tệ ''chợ đen'' có sự tham gia của cán bộ, viên chức trong ngành ngân hàng. Ông có thấy điều này không và ông đã xử lý trường hợp sai phạm liên quan đến vấn đề này chưa?

- Tôi chưa phát hiện và chưa xử lý trường hợp cán bộ ngân hàng nào thông đồng với tư thương của chợ giao dịch ngoại tệ ''đen''. Nhưng nếu phát hiện được những sai phạm trong ngành, chúng tôi sẽ xử lý nghiêm theo quy định của Nhà nước.

- Ngành ngân hàng có xây dựng riêng một đề án để chấn chỉnh hoạt động này?

- Trong ngành ngân hàng chúng tôi đang làm đã có đề án, đối với các ngân hàng thương mại có cơ cấu lại, NHNN cũng có đề án phát triển. Tất cả những cái đó là làm cho NHNN thành một cơ quan ngân hàng trung ương, quản lý nhà nước về tín dụng ngân hàng có hiệu lực và hiệu quả.

- Còn vấn đề này, thưa Thống đốc ông có ý kiến thế nào khi JICA cũng như nhiều tổ chức kinh tế khác cho rằng tình trạng ''đôla hoá'' ở Việt Nam còn nghiêm trọng?

- Tôi đã đọc báo cáo của JICA. Họ nói rằng, tình trạng ''đôla hoá'' của nền kinh tế Việt Nam đã giảm so với trước đây, thể hiện ở chỗ: lượng USD được huy động vào hệ thống ngân hàng năm 1996 là 1,5 tỷ USD, con số đó nay đã tăng gấp 5 lần. Như vậy không thể coi tình trạng ''đôla hoá'' là nghiêm trọng hơn trước. Nhưng nói ''vẫn còn nghiêm trọng'' thì đúng. Vì người ta vẫn còn dùng khá phổ biến USD như một phương tiện thanh toán, tích trữ thứ hai sau VNĐ.

- Dường như NHNN không quan tâm lắm đến các giải pháp làm giảm tình trạng quá lệ thuộc vào USD trong các hoạt động kinh tế, thanh toán hiện nay?

- Không đúng như vậy. Chúng tôi vẫn đang nghiên cứu các giải pháp khắc phục tình trạng ''đôla hoá''. Cách căn bản nhất để làm người dân không dùng ngoại tệ khác là làm đồng tiền của mình mạnh lên, để người dân tin tưởng mà sử dụng. Những biện pháp khác cũng cần nhưng chỉ có mức độ và tuỳ thời điểm. Ví dụ có thời điểm căng thẳng về USD, chúng ta ra quyết định kết hối 100%, tức có bao nhiêu USD thu được đều phải bán lại cho ngân hàng. Đấy là một cách để chống găm giữ USD. Nhưng vừa qua tỷ lệ kết hối ngoại tệ lại được giảm xuống 0%. Không bắt buộc nữa nhưng người ta vẫn bán. Quan trọng là chính sách tỷ giá và lãi suất phù hợp để người ta thấy rằng nắm giữ, cất giữ USD là không có lợi bằng cất trữ bằng đồng Việt Nam thì tình trạng ''đôla hoá'' sẽ giảm dần.

- Thống đốc có cho rằng tình trạng ''đôla hoá'' sẽ sớm được khắc phục?

- Nhiều nước đã làm được, Việt Nam cũng sẽ làm được. Trước đây, người ta giữ USD ở ngoài ngân hàng thì nay người ta đã gửi vào ngân hàng là chính vì tỷ giá chính thức giữa ngân hàng và bên ngoài chênh không đáng kể, việc mua bán qua ngân hàng lại hợp pháp, đảm bảo an toàn. Trước đây, người ta gửi nhiều bằng USD thì nay người ta bán USD đi để gửi bằng tiền đồng. Tôi rất tin là sẽ khắc phục được tình trạng ''đôla hoá'', dù cuộc đấu tranh sẽ còn dài.

- Gần đây có hiện tượng các ngân hàng thương mại ồ ạt tăng lãi suất huy động vốn. Liệu việc tăng lãi suất huy động có dẫn đến tăng lãi suất cho vay và ảnh hưởng không tốt đến tăng trưởng kinh tế? 

- Ngân hàng là người đi vay để cho vay. Thực chất ngân hàng đi mua vốn của người thừa để bán vốn cho người thiếu. Phải khẳng định rằng không ai đi mua mà muốn mua đắt. Ngân hàng muốn huy động được nhiều nhưng với lãi suất càng thấp càng tốt. 

Việc ngân hàng phải nâng lãi suất huy động lên thể hiện ngân hàng cần vốn để đáp ứng cho nền kinh tế, đồng thời thể hiện nhu cầu vốn đầu tư cho nền kinh tế tăng lên. Nhu cầu vốn tăng lên một phần là do các hợp đồng tín dụng mà các ngân hàng đã ký kết trước đây đến giai đoạn các doanh nghiệp cần rút vốn thì ngân hàng phải đáp ứng. Phần khác do kinh tế đang tăng trưởng, nhiều doanh nghiệp mới ra đời, nhiều hoạt động đầu tư tăng lên và đó là những tín hiệu đáng mừng trong nền kinh tế. Khi cầu tín dụng tăng đòi hỏi ngân hàng huy động vốn nhiều hơn và vì vậy ngân hàng cũng phải trả lãi suất cao hơn cho người gửi tiền để huy động đáp ứng được nhu cầu vốn.

Vấn đề đặt ra là ở chỗ lãi suất tăng sẽ ảnh hưởng như thế nào? Tôi thấy những cảnh báo cũng như tầm nhìn xa hơn về chính sách là cần thiết, nhưng không nên có những cái nhìn quá bi quan về tình huống này. Khi thấy rằng kinh tế trì trệ mà lãi suất cao thì điều này mới nguy hiểm, chứ còn lãi suất tăng trong điều kiện kinh tế tăng trưởng nóng thì đấy là quy luật khách quan của thị trường. Đó là cầu tăng thì giá phải lên. Vì thế khi các ngân hàng ''phải'' huy động vốn với lãi suất cao lên và ''phàm'' cho vay với mức lãi suất cao hơn mà các doanh nghiệp vẫn vay vốn để đầu tư kinh tế vẫn tăng trưởng thì điều ấy chắc chắn là tốt. Chỉ khi ngân hàng cho vay ra với lãi suất cao mà doanh nghiệp ngừng hoặc giảm đầu tư lại thì như vậy là ảnh hưởng đến tăng trưởng. Nhưng đó sẽ là một tín hiệu cho ngân hàng giảm lãi suất huy động vốn và đấy là cơ chế điều tiết của thị trường. Cái cơ chế ấy mạnh hơn nhiều so với hiện hành chính và chúng ta đã tạo ra cho được một sự vận động lãi suất có quản lý nhưng không phải là bằng sự can thiệp trực tiếp vào quá trình này. 

- Sắp tới Ngân hàng Trung ương (NHTƯ) có tăng cung ứng tiền để giảm áp lực tăng lãi suất không, thưa Thống đốc?

- Việc tăng hay giảm cung ứng tiền là hành động bình thường của NHTƯ. NHTƯ như là một cái van điều hoà khi thấy tiền trong lưu thông thừa thì ghìm bớt, khi thấy thiếu thì tăng thêm. Chức năng của NHTƯ là cung cấp phương tiện lưu thông cho nền kinh tế chứ không phải cung cấp vốn cho nền kinh tế, không phải là để làm cho giá vốn rẻ đi thì ngân hàng tăng thêm tiền vào nền kinh tế. Tuy nhiên, NHTƯ có thể xem xét trong trường hợp nếu lạm phát ở mức thấp thì có thể giảm lãi suất tái cấp vốn, lãi suất tái chiết khấu đề tạo điều kiện cho lãi suất thi trường liên ngân hàng giảm xuống và trong điều kiện như vậy thì các ngân hàng cũng tự khắc sẽ giảm bớt lãi suất  huy động vốn để cho vay. Đây là cách cổ động gián tiếp của NH vào giá cả của đồng vốn trên thị trường.

Tuy nhiên, theo tôi nắm được thì từ tháng 3 đến nay quá trình tăng lãi suất huy động cũng như lãi suất cho vay đã dừng lại, lãi suất huy động về lãi suất cho vay trong tháng 3 và tháng 4 không hề có thay đổi (??). Điều ấy là tín hiệu bình thường và cũng đáng mừng là không có gì phải lo ngại cả. Cái lo ngại là liệu các dự án ngân hàng cho vay ra có thực sự có hiệu quả không, có đủ khả năng trả nợ đúng hạn cho các ngân hàng không. 

- Thống đốc đánh giá thế nào về hiệu quả các dự án ngân hàng cho vay?

- Tôi biết nhiều dự án có hiệu qủa mà trong đó có dự án của khu vực doanh nghiệp vừa và nhỏ. Càng ngày các ngân hàng càng thấy rằng đây là nhưng dự án có thể tin tưởng và cho vay được nếu như nhưng điều kiện về bảo đảm tiền vay được xử lý một cách hợp lý hơn. Còn cái đáng lo ngại là việc cho vay các dự án doanh nghiệp nhà nước nhất là các doanh nghiệp nhà nước trực thuộc các địa phương thì hiệu quả vẫn thấp, khả năng thu hồi vốn rất kém. Đấy là còn chưa kể có một số dự án thuộc chương trình đang có vấn đề ví dụ như mía đường...

- Mặc dù đã tăng vốn điều lệ đợt 1 nhưng tỷ lệ vốn tự có trong tài sản có của các ngân hàng thương mại hiện nay rất thấp. Có bao giờ Thống đốc nghĩ đến chuyện cổ phần hoá các ngân hàng thương mại nhà nước?

- Không phải là không bao giờ. Tôi đã nghĩ đến từ lâu. Trước hết, nói đến các ngân hàng thương mại cổ phần thì nó đã là cổ phần rồi. Đối với khu vực các ngân hàng thương mại cổ phần (trừ một số yếu kém đã bị xử lý, một số đang bị kiểm soát đặc biệt, số còn lại hoạt động lành mạnh và đang tích cực tăng vốn điều lệ), tôi cho rằng về mặt vốn điều lệ khối các ngân hàng thương mại cổ phần sẽ không có gì đáng lo ngại. Cái lo là lo các ngân hàng thương mại nhà nước (NHTMNN) phải thực hiện nhiệm vụ quá nặng trong khi vốn Nhà nước cấp còn thấp. Một cách hiểu tôi cho là không đúng khi cho rằng ngân hàng muốn huy động bao nhiêu vốn cũng được, theo đó ngân hàng phải đáp ứng đầy đủ mọi nhu cầu vốn của doanh nghiệp và dân cư mà không hiểu được rằng ngân hàng cũng là doanh nghiệp. Ngân hàng muốn kinh doanh cũng cần phải có vốn và đặc biệt là phải có đủ vốn để thực hiện được chức năng của mình để bảo đảm an toàn. Với việc tăng vốn điều lệ bằng cấp thêm trái phiếu Chính phủ vừa rồi, tỷ lệ này mới tăng lên khoảng 3,7%, chưa được 4% so với tổng tài sản có trong khi yêu cầu tối thiểu phải đạt là 8%. Trong tương lai, người ta định đưa tỷ lệ này lên 12% cho nên đây là một cuộc chạy đua không đơn giản. Nhưng tôi nghĩ tăng vốn cho các NHTMNN trước hết là trách nhiệm của Nhà nước. Muốn duy trì các ngân hàng thương mại như là những lực lượng chủ lực và chủ đạo và để có thể huy động được vốn cung cấp cho nền kinh tế một cách có hiệu quả thì Chính phủ phải tăng vốn điều lệ cho các NHTMNN. Muốn có vốn cho doanh nghiệp thì khâu đầu tiên là có vốn cho ngân hàng thương mại. Có một đồng vốn cho NHTM thì có thêm khoảng 8 đến 10 đồng vốn nữa cho doanh nghiệp và dân cư. Đây là một việc làm có lợi.

Chính phủ đã có giải pháp tăng vốn bước đầu cho các NHTMNN nhưng cũng phải có nhiều giải pháp khác nữa mà tôi cho đấy mới là cái chính. Bên cạnh đó thì chúng tôi cũng nghĩ là có thể thực hiện việc huy động thêm cổ phần đóng góp. Ví dụ như đối với Ngân hàng Nhà đồng bằng sông Cửu Long thì chúng tôi cũng đã báo cáo trong chương trình làm việc rằng sẽ sớm cho cổ phần hoá. Kể cả nước đầu tư vào ngân hàng là làm một ngân hàng cổ phần chứ không phải chỉ là 100% vốn nhà nước như hiện nay. Đối với một số ngân hàng khác, chúng tôi đang đề nghị cũng được một vài bộ ngành đồng tình nhưng việc này là việc lớn cho phép huy động vốn của các công nhân viên chức trong hệ thống làm cổ phần không tham gia quản trị điều hành với một tỷ lệ nhất định. Tôi chắc là làm như vậy NH sẽ huy động được thêm vốn điều lệ, đồng thời việc quản trị, điều hành sẽ có hiệu quả hơn vì chính những người lao động trong hệ thống ấy thực sự là người làm chủ đối với hoạt động ngân hàng. 

- Xin cảm ơn ông!

  • Hồng Phúc - ghi

  Gửi tin qua Mobile Gửi tin qua E-mail In tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC:
Chấm dứt chế độ hai giá vé máy bay vào cuối năm nay (09/06/2003)
Khi DN dẫn nhau đến toà (09/06/2003)
Mực in - vàng thau lẫn lộn (09/06/2003)
Thương hiệu sầu riêng đầu tiên được đăng ký tại Bến Tre (09/06/2003)
''Chết" bốn năm rồi, không chôn được (08/06/2003)
Nhiều hãng quốc tế quảng bá cho du lịch Việt Nam (08/06/2003)
Tôm-lúa là mô hình bền vững (07/06/2003)
Thành lập công ty mua bán nợ (07/06/2003)
Bắp cải Đà Lạt băm nát đổ đi (07/06/2003)
TP.HCM sẵn sàng cạnh tranh và hội nhập vào WTO (07/06/2003)
Sắp có dịch vụ gọi 171 trả trước (06/06/2003)
Khai mạc Hội chợ Vietfish 2003 vào 14/6 (06/06/2003)
250 tỷ cho TT thương mại điện tử tại Đà Nẵng (06/06/2003)
Tài sản góp vốn vào DN không phải nộp lệ phí trước bạ (06/06/2003)
Xem tiep Tro ve dau trang