|
Võng Duy Lợi |
Đại diện nhóm Johnson Miki của Nhật tháng 8/2002 đã yêu cầu Doanh nghiệp tư nhân Duy Lợi (DNTN) hoặc ngừng ngay việc sản xuất khung mắc võng, hoặc phải đóng "phí bản quyền" sáng chế cho nhóm với mức 4 USD đối với mỗi chiếc võng xuất sang Nhật Bản. Nếu không, nhóm Miki sẽ kiện Duy Lợi vì "xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp (SHCN)".
Miki đưa ra lý lẽ là giải pháp hữu ích "Khung võng tiện dụng" họ đăng ký đã được Cơ quan sáng chế Nhật Bản cấp văn bằng số 3081528 vào ngày 22/8/2001.
Từ một lá thư đòi... "phí bản quyền"...
DNTN Duy Lợi (www.duyloi.com) là cơ sở sản xuất võng xếp nổi tiếng và uy tín của Việt Nam. Chỉ tính từ đầu năm đến nay, số lượng võng Duy Lợi xuất sang Nhật vượt cả năm 2002. Duy Lợi cũng đã ký được hợp đồng dài hạn với tập đoàn siêu thị Keyio. Do đó, lời đe dọa của Miki đặt ra một nguy cơ: Hàng Duy Lợi không những không được tiêu thụ tại Nhật (vì bị cáo buộc là xâm phạm quyền SHCN), mà còn không thể bán ra tại 112 quốc gia thành viên của Hiệp hội Sáng chế Quốc tế.
Trước tình hình đó, tháng 11/2002, Duy Lợi với đại diện pháp luật là công ty luật Phạm&Associates đã tiến hành khiếu nại yêu cầu Cơ quan Sáng chế Nhật hủy bỏ văn bằng số 3081528.
Hành trình tìm kiếm sự công bằng kéo dài hơn 6 tháng. Phía bị đơn lập luận: Đăng ký thứ nhất của Duy Lợi về kiểu dáng "Khung mắc võng" bị Cục SHCN Việt Nam từ chối ngày 25/6/2001 chính vì kiểu dáng này đã được phía bị đơn nộp đăng ký vào ngày 9/7/1996. Đây cũng là giải pháp bị đơn đăng ký ở Nhật và được cấp văn bằng giải pháp hữu ích.
Nhưng trên thực tế, giải pháp của Duy Lợi đã được công bố trên Công báo SHCN số 147, tập A, trang 84-85 (với số công bố 3787) trước khi có đơn đăng ký giải pháp hữu ích của nhóm Johnson Miki tại Nhật. Vì thế chiểu theo Điều 3, khoản 1, mục 3 trong Luật Sáng chế thì giải pháp "Khung võng tiện dụng" không thể được đăng ký.
Sau một thời gian xem xét, nghe nguyên đơn lập luận và bị đơn biện hộ, Cơ quan Sáng chế Nhật đã ra phán quyết: Văn bằng giải pháp hữu ích "Khung võng tiện dụng" của nhóm Johnson Miki vi phạm quy định Điều 3, khoản 2 Luật Sáng chế, nên phải bị hủy bỏ theo Điều 37, khoản 1, mục 2 của luật này. Bên bị đơn cũng phải gánh chịu tất cả án phí.
Một bài học quý giá cho các doanh nghiệp Việt Nam
Tuy DNTN Duy Lợi thắng kiện, nhưng vụ khiếu nại trên cho thấy có rất nhiều vấn đề các doanh nghiệp phải lưu tâm, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ. Ông Lâm Tấn Lợi cho biết, doanh nghiệp ở các nước nắm vững về luật. Họ cũng tìm hiểu rất kỹ hoạt động của những cơ sở sản xuất và doanh nghiệp Việt Nam.
Cụ thể, nhóm Miki và đại diện của họ ở Việt Nam đã tìm hiểu và biết Duy Lợi đang gặp khó khăn trong việc đăng ký kiểu dáng "Khung mắc võng". Khi biết Duy Lợi mới chỉ đăng ký kiểu dáng thì họ đăng ký sáng chế tại Nhật. Đây là điều mà Duy Lợi chưa tính đến. Dù văn bằng giải pháp hữu ích của nhóm Miki bị tuyên hủy bỏ, Duy Lợi giờ cũng không thể tiếp tục đăng ký sáng chế cho giải pháp của mình, vì Luật Sáng chế không chấp nhận đăng ký cho những giải pháp đã được sử dụng rộng rãi trước khi nộp đơn đăng ký.
Ông Lợi nói: "Qua trường hợp của mình, tôi mong các doanh nghiệp Việt Nam khi có những sáng tạo, cần nhờ các công ty luật chuyên ngành tư vấn và đăng ký bản quyền ngay để tránh bị rơi vào các vụ bị ăn cắp bản quyền, và những cuộc kiện tụng kéo dài tiền mất tật mang". Nếu không, các doanh nghiệp Việt Nam có thể sẽ phải trả giá đắt từ những cuộc tranh chấp SHCN với công ty nước ngoài cho dù họ không sai.
(Theo Lao Động) |