(VietNamNet) - ''Mục tiêu năm 2005 trở thành thành viên WTO của Việt Nam đang dần thành hiện thực'' - Tuyên bố này vừa được Phó Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đưa ra sáng 3/6 tại hội thảo ''Việt Nam sẵn sàng gia nhập WTO''.
Phát biểu khai mạc, Phó Thủ tướng khẳng định: ''Đối với Việt Nam, việc gia nhập một tổ chức quốc tế bao gồm 146 thành viên, chiếm tới 97% xuất nhập khẩu thế giới là một giải pháp quan trọng để mở rộng thị trường, thu hút đầu tư và nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế ''. Theo ông, mục tiêu trở thành thành viên WTO sắp trở thành hiện thực, các bộ, ngành và các doanh nghiệp (DN) cần sớm có sự chuẩn bị để đối mặt với những khó khăn có thể phát sinh khi buôn bán với mức thuế quan rất thấp theo quy định của tổ chức này. Cuối năm nay, Việt Nam sẽ tổ chức vòng đàm phán thứ 7 và hy vọng sẽ đạt được đột phá.
Kết quả điều tra của Viện Kinh tế đưa ra tại hội thảo cho thấy, 70% DN Việt Nam mong muốn và sẵn sàng cho gia nhập WTO. 30% số DN cũng đã cảm thấy sức ép cạnh tranh tăng lên. 98% DN biết việc Việt Nam đàm phán tham gia WTO nhưng đa phần hiểu rất hạn chế.
Cuộc hội thảo hôm nay có lẽ là một hội thảo đông đủ nhất và đề cập toàn diện nhất mọi khía cạnh của tiến trình đàm phán gia nhập WTO của Việt Nam. Các diễn giả đã tập trung phân tích những tác động tích cực và tiêu cực của việc tham gia WTO và sự chuẩn bị của DN Việt Nam cho sự cạnh tranh trong WTO. Thứ trưởng Bộ Tài chính Lê Thị Băng Tâm nêu lên những thách thức mà WTO đặt ra như lộ trình cắt giảm thuế, yêu cầu mở cửa thị trường tài chính, minh bạch hoá chính sách tài chính. Hiện Việt Nam vẫn chưa xây dựng được một lộ trình thuế quan cho việc gia nhập WTO. Bên cạnh đó là những thách thức ngắn hạn như xây dựng được một môi trường kinh doanh cạnh tranh bình đẳng, cắt giảm thuế theo cam kết trong ASEAN/AFTA, Hiệp định thương mại Việt - Mỹ....
Đánh giá về tiến trình đàm phán của Việt Nam, ông Lương Văn Tự, Thứ trưởng Bộ Thương mại, Trưởng đoàn đàm phán Việt Nam gia nhập WTO, cho biết: ''Thời gian tới, để gia nhập WTO theo lộ trình mà chúng ta đã biết thì nó phụ thuộc rất nhiều vào các yếu tố. Một là, sự chuẩn bị tốt về năng lực của các cạnh tranh của các ngành sản xuất trong nước. Hai là công tác chuẩn bị của các bộ, ngành liên quan. Ba là chương trình xây dựng pháp luật và một vấn đề rất quan trọng nữa phụ thuộc vào thiện chí đàm phán của các nước tham gia đàm phán với Việt Nam. Nếu họ tạo điều kiện thuận lợi cho Việt Nam thì tiến trình gia nhập của chúng ta thuận lợi''. Ông cũng cho biết, phiên đàm phán thứ 2 về mở cửa thị trường vừa qua là phiên đàm phán đa phương đầu tiên về nông nghiệp.
Ông Martin Rama, Kinh tế gia trưởng Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam đánh giá: "Các DN Việt Nam không nên quá lo lắng về khả năng cạnh tranh quốc tế. Hiện nay, một số lĩnh vực như lương thực, dệt may...của Việt Nam có sức cạnh tranh đáng kể trên thị trường quốc tế. Điều quan trọng là các bạn phải biết tập trung vào những thế mạnh của mình". Ông Klaus Rohland, Giám đốc quốc gia WB tại Việt Nam, cũng tỏ ý tin rằng việc Việt Nam trở thành thành viên của WTO chỉ là vấn đề thời gian và WB sẽ nỗ lực ủng hộ Việt Nam gia nhập WTO.
|