(VietNamNet) - Các doanh nghiệp nhà nước (DNNN) thua lỗ đã tổ chức lại sản xuất, có khả năng phát triển mà có nợ vay Ngân hàng thương mại Nhà nước (NHTM NN) đã được khoanh nợ sẽ được xoá nợ lãi vay chưa trả Ngân hàng, đồng thời được xem xét kéo dài thời hạn khoanh nợ.
Những DN có nợ vay Ngân hàng Thương mại Nhà nước đã lên lưới thanh toán nợ, nếu do nguyên nhân khách quan chưa được khoanh nợ thì được xoá nợ lãi vay chưa trả Ngân hàng và khoanh nợ gốc.
Những nội dung trên vừa được đưa ra trong bản hướng dẫn xử lý nợ tồn đọng của DNNN tại các NHTM NN, do Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quyết định điều chỉnh.
Thay đổi này áp dụng với các DNNN đang hoạt động mà phạm vi xử lý là các khoản nợ đã lên lưới thanh toán giai đoạn I, giai đoạn II còn tồn đọng tại các ngân hàng thương mại nhà nước đến 31/12/2000 và đến nay vẫn còn tồn đọng chưa được xử lý; Đối với các doanh nghiệp Nhà nước đang thực hiện chuyển đổi, phạm vi xử lý là các khoản nợ tồn đọng tại các Ngân hàng thương mại Nhà nước đến thời điểm chuyển đổi doanh nghiệp.
Đối với các doanh nghiệp Nhà nước đang hoạt động có nợ tồn đọng tại Ngân hàng Thương mại Nhà nước đã lên lưới thanh toán nợ, có xác nhận của Ban Thanh toán nợ tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, nhưng kinh doanh thua lỗ sẽ được phân loại và xử lý như sau:
Những DN thua lỗ liên tục không thể khắc phục được phải giải thể, phá sản theo quyết định của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền, việc xử lý nợ tồn đọng được thực hiện theo các quy định của pháp luật về giải thể, phá sản; Nếu các khoản nợ tồn đọng không có tài sản đảm bảo, việc xử lý nợ được thực hiện theo quy định cũ của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án xử lý nợ tồn đọng của các NHTM.
Thời hạn kéo dài khoanh nợ và khoanh nợ do các NHTM NN xem xét, quyết định và chịu trách nhiệm, tạo điều kiện cho doanh nghiệp khắc phục khó khăn hoàn trả được nợ vay NH nhưng tối đa không quá 5 năm.
Đối với các doanh nghiệp Nhà nước có quyết định thực hiện chuyển đổi nhưng gặp khó khăn không cân đối được nguồn để thanh toán các khoản nợ quá hạn thì Tổng giám đốc NHTM NN xem xét quyết định cho doanh nghiệp được giãn, khoanh các khoản nợ quá hạn có đến thời điểm quyết định thực hiện chuyển đổi trong thời hạn từ 03 đến 05 năm. Trường hợp các doanh nghiệp này bị lỗ, không có khả năng thanh toán thì được xoá nợ lãi vay chưa trả Ngân hàng với mức không vượt quá số lỗ còn lại.
Đối với các doanh nghiệp đang thực hiện thủ tục cổ phần hoá, giao, bán thì ngoài biện pháp khoanh nợ, xoá nợ lãi nêu tại điểm thì các ngân hàng thương mại nhà nước chủ động phối hợp với doanh nghiệp và các tổ chức có chức nàng mua bán nợ và tài sản tồn đọng để xử lý phần nợ gốc quá hạn còn lại theo hướng: bán nợ theo quy định hoặc chuyển nợ thành vốn góp vào doanh nghiệp và được chuyển nhượng phần vốn góp này (trong trường hợp này ngân hàng thương mại phải dùng vốn điều lệ và quỹ dự trữ tương ứng với phần nợ đã chuyển thành vốn góp vào doanh nghiệp và phải bảo đảm tỷ lệ vốn góp theo quy định);
Hướng thứ 2: đối với khoản lãi vay Ngân hàng không thu được trường hợp NHTM Nhà nước đã hạch toán khoản lãi cho vay đối với khoản nợ tồn đọng này vào thu nhập của các năm trước thì sử dụng nguồn dự phòng rủi ro để bù đắp, nếu thiếu thì hạch toán vào chi phí năm xử lý. Trường hợp khoản lãi cho vay đối với khoản nợ tồn đọng này ngân hàng thương mại nhà nước không hạch toán vào thu nhập hàng năm mà dự thu theo dõi ngoài bảng thì xử lý xoá số dự thu đó ở tài sản ngoài bảng. Khoản chênh lệch thiệt hại do bán nợ tồn đọng, các NHTM NN sử dụng dự phòng rủi ro để bù đắp. Trường hợp dự phòng rủi ro không đủ để bù đắp thì Ngân hàng Thương mại Nhà nước được hạch toán phần còn thiếu vào chi phí.
Nợ tồn đọng của các doanh nghiệp Nhà nước đang hoạt động được hiểu là các khoản vay nợ từ các NHTM NN đã lên lưới thanh toán nợ giai đoạn I, giai đoạn II đã quá thời hạn thanh toán đến 31/12/2000. Doanh nghiệp đã áp dụng các biện pháp xử lý nợ như đối chiếu xác nhận nhưng chưa thanh toán được và đến nay vẫn còn tồn đọng. Các khoản nợ tồn đọng phát sinh sau ngày 31/12/2000, các doanh nghiệp phải tự thanh toán.
Nợ tồn đọng của các doanh nghiệp nhà nước đang thực hiện chuyển đổi được hiểu là các khoản nợ DN phải trả NHTM NN đã quá thời hạn thanh toán nhưng đến thời điểm chuyển đổi vẫn chưa thanh toán được và đến nay vẫn còn tồn đọng. Các khoản nợ tồn đọng phát sinh sau thời điểm chuyển đổi, các doanh nghiệp Nhà nước phải tự thanh toán.
|
|