|
Sản xuất tôm giống. |
(VietNamNet) - Viện Nghiên cứu Thuỷ sản 1 và 2 (Bộ Thuỷ sản) kết hợp với Đại học Ben Gurion (Israel) chuyển giao công nghệ đổi giống và quản lý chất lượng để áp dụng công nghệ này trên diện rộng, đem lại lợi ích cho những nông hộ nhỏ và các nước nuôi tôm trong khu vực.
Giống tôm nước ngọt lớn (Macrobrachium rosenbergii) là loài đặc hữu của Việt Nam. Tuy nhiên, thời gian qua, do khai thác quá mức nên số lượng tôm này đã giảm đáng kể. Sản lượng tôm hàng năm ước tính khoảng 3.000 tấn/năm, rất thấp so với nhu cầu và phần lớn khai thác trong tự nhiên. Vì vậy, ngành thuỷ sản đã đưa ra một chương trình nuôi trồng thuỷ sản (NTTS) quốc gia, đưa sản lượng tôm hàng năm lên 60.000 tấn vào năm 2010.
Tôm đực lớn nhanh và đạt được kích thước lớn hơn so với tôm cái, do vậy, nuôi tôm thuần đực có lãi hơn nhiều so với việc nuôi tôm lẫn đực và cái.
Sự khác biệt về giới tính của loài giáp xác do tuyến hoocmon điều chỉnh. Việc thay đổi hoàn toàn giới tính ở các con đực được thực hiện hành công tại Khoa Khoa học Đời sống (ĐH Ben Gurion). Đây là lần đầu tiên giống tôm này được đưa vào sản xuất. Dự án do GIFRID (Tổ chức Nghiên cứu và Phát triển Quốc tế Đức - Israel) tài trợ, với tổng số 50.000 EU/năm trong hai năm.
Công tác tư vấn và phân tích số liệu được thực hiện chủ yếu qua email, giữa các nhà nghiên cứu Việt Nam và Israel, đã cho kết quả khả quan. GS. Amir Sagi, Phụ trách việc chuyển giao công nghệ, cho biết, đây là lần đầu tiên trên thế giới đưa việc nuôi tôm thuần đực trên diện rộng. Ông đánh giá cao kỹ năng chuyên môn, sự cần cù cũng như lòng ham học hỏi của các nhà nghiên cứu và các nhà khoa học Việt Nam, đặc biệt là Viện Nghiên cứu Thuỷ sản 1 và 2.
Theo TS. Phạm Anh Tuấn, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu Thuỷ sản 1, Israel có những công nghệ nuôi trồng thuỷ sản tiên tiến, nhất là nuôi thâm canh, xử lý nước thải... Khả năng hợp tác về đạo tạo cán bộ và chuyển giao công nghệ giữa hai nước là rất lớn.
|