Gần 20 DN sẽ triển lãm hàng tại Frankfurt
14:13' 20/05/2003 (GMT+7)

(VietNamNet) - 10-20 doanh nghiệp (DN) chuyên sản xuất, kinh doanh các mặt hàng thủ công mỹ nghệ, dụng cụ gia đình, đồ trang trí nội thất sẽ có cơ hội trưng bày sản phẩm tại Hội chợ Tendence-lifestyle (Frankfurt) - Hội chợ thường niên lớn nhất châu Âu - vào tháng 8 tới. Trung tâm Xúc tiến đầu tư & thương mại (ITPC) đang phối hợp với Sở Thương mại TP.HCM tổ chức cho DN tham dự bốn hội chợ châu Âu tiếp theo.

Trung tâm triển lãm hội chợ Frankfurt.

Bà Vũ Kim Hạnh - Phó Giám đốc ITPC nhấn mạnh, DN có mặt trong hội chợ Frankfurt lần này sẽ tụ tập dưới mái nhà chung chứ không xuất hiện đơn lẻ. Mục đích là giới thiệu các mặt hàng chất lượng cao, có đẳng cấp, đại diện cho thế mạnh của TP.HCM, tạo điều kiện cho DN có một vị trí tại Trung tâm triển lãm hội chợ thuộc hàng lớn nhất thế giới. 

Khác với các lần trước (DN Việt Nam xuất hiện tại Hội chợ riêng lẻ, cá nhân), UBND TP.HCM quyết định hỗ trợ một phần kinh phí để tổ chức cho cả đoàn DN tới Frankfurt. Các hàng mẫu tham dự sẽ được trưng bày trong không gian chung, tạo ấn tượng cho khách hàng về điểm nhấn hình ảnh gian hàng Việt Nam. Dựa vào những sản phẩm thế mạnh và có tiềm năng của TP.HCM, dự kiến DN sẽ mang theo các mặt hàng như: Đồ gỗ chế biến nội thất, hàng mây tre, gốm sứ, quà tặng; hàng tranh, giấy văn phòng phẩm, dụng cụ gia đình; các sản phẩm khác gồm đồ bếp, đồ sưu tập...

Theo ông Nguyễn Minh Gòn - Tham tán thương mại Việt Nam tại Đức, trong hai hội chợ hàng tiêu dùng thường niên lớn nhất ở Đức (tháng 2 và tháng 8), tốt nhất là tham dự triển lãm tháng 8 bởi đây là hội chợ tập trung nhiều nhà bán buôn châu Âu với quy mô nhỏ và vừa, phù hợp với khả năng xuất khẩu của DN Việt Nam. Ông Gòn nhấn mạnh, DN không nên bỏ qua Hội chợ Frankfurt nếu cần tạo lập và giữ vững vị trí ở thị trường châu Âu.

Hiện UBND TP.HCM đã thông qua ngân sách tài trợ DN tới Đức bao gồm: Phần thuê gian hàng tổng cộng 92m2; chi phí tổ chức đoàn DN (liên lạc, dẫn đoàn, cán bộ hướng dẫn..); chi phí thiết kế và trang trí gian hàng; phần quảng bá tại hội chợ thông qua các ấn phẩm của ban tổ chức, ấn phẩm điện tử và ấn phẩm của đoàn; chuẩn bị chương trình tham quan, sắp xếp cuộc tiếp xúc với khách hàng có nhu cầu tại hội chợ; vận chuyển toàn bộ hàng mẫu cho DN. Thời hạn cuối cùng cho DN đăng ký tham dự là ngày 5/7. Đặc biệt, nếu DN đã có gian hàng tại hội chợ trước đó, có thể gửi sản phẩm theo đoàn mang sang Đức triển lãm.

Bốn hội chợ tiếp theo mà DN sau khi kết thúc hoạt động ở Frankfurt có thể góp mặt và tổ chức hoạt động tìm kiếm đối tác kinh doanh là: Hội chợ Koh (31/8-2/9), hội chợ Barcelona (2-4/9), hội chợ Milano (5-7/9) và hội chợ Paris diễn ra vào ngày 8-9/9.

Nhắm vào thị trường châu Âu

Frankfurt là trung tâm triển lãm hội chợ vào hàng lớn nhất thế giới (16 hội chợ chuyên ngành khác nhau nổi tiếng toàn cầu được tổ chức ở đây). Hàng năm có khoảng 30% khách hàng trên thế giới trong tổng số 2,06 triệu khách thương mại đến tham quan các hội chợ tại Frankfurt.

Hội chợ Tendence-lifestyle 2003 chuyên bán buôn đồ gia đình và hàng quà tặng với 5.000 công ty tham gia trưng bày trong đó có 2.500 công ty nước ngoài.

Theo thống kê 2002, số lượng khách tham quan đặt hàng ở hội chợ là 130.000 người trong đó có 22% từ các quốc gia ngoài Đức (chủ yếu thuộc EU). DN châu Á tham dự đông nhất là Thái Lan (chiếm 50% tổng số), tiếp đến là Ấn Độ.

Lời khuyên của DN

Đại diện Gốm sứ Minh Long và Gỗ Đức Thành - hai công ty đã có thời gian dài tham dự Hội chợ Frankfurt cho rằng, DN có rất nhiều cơ hội xuất khẩu hàng sang châu Âu thông qua hoạt động trưng bày, triển lãm sản phẩm ở Tendence -lifestyle. "Tuy nhiên, các bạn phải thực sự đầu tư có hiệu quả ngay từ khâu chuẩn bị. Tôi đã rất tiếc cho một DN tuy có hàng đẹp, chất lượng nhưng không có người giỏi tiếng Anh, thuyết minh thế mạnh sản phẩm của mình nên không thu hút khách hàng", đại diện Công ty Đức Thành nói.

Theo ông Lý Minh Long, mặc dù DN chuyên sản xuất hàng lưu niệm hoặc quà tặng phải có sản phẩm độc đáo riêng mới nên tham gia trưng bày. Vì khách hàng châu Âu thường quan tâm đến mặt hàng gốm sứ, mây tre lá, đồ gỗ nội thất của Việt Nam hơn. Đặc biệt, yếu tố kiên trì bám thị trường là điều cần chú ý hơn cả. Ông Long khẳng định: "DN có thể phải mất 3 năm mới bắt đầu bán được hàng. Đối tác châu Âu năm đầu tiên cần tìm hiểu bạn là ai, năm tiếp theo là bạn còn hay mất và cuối cùng, sang năm thứ ba, họ phải biết bạn có phát triển hay không?"...

EU gồm 400 triệu dân với mức thu nhập bình quân đầu người rất cao. Trong đó Đức là thị trường lớn nhất với tổng số 82,2 triệu dân. Kim ngạch thương mại hai chiều Việt Nam - EU năm 2002 đạt 5,88 tỷ EUR. Việt Nam xuất sang EU đạt 4,1 tỷ EUR tăng 16% so với 2001. Giày dép đạt 2,2 tỷ EUR; may mặc là 720 triệu, rau quả 339 triệu; thủ công mỹ nghệ đạt 296,9 triệu EUR. 
  • Diệu Thuý
  Gửi tin qua Mobile Gửi tin qua E-mail In tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC:
Thủy sản sẽ có hệ thống thông tin chuyên ngành (20/05/2003)
Sản xuất, xuất khẩu chưa gặp nhau (20/05/2003)
Ký hợp đồng xây dựng Nhà máy Nhiệt điện Uông Bí mở rộng (20/05/2003)
Coca Cola VN tranh kỷ lục Guiness của làng Ước Lễ? (20/05/2003)
Euro lên giá, Việt Nam ít bị tác động (20/05/2003)
Khu giải trí "tránh mưa" (20/05/2003)
TP.HCM sắp có 2 đợt khuyến mãi lớn (20/05/2003)
Thêm một nhà máy sản xuất xe buýt (19/05/2003)
Chấm dứt hỗ trợ vốn cho DNNN từ các khoản nợ (19/05/2003)
Sức mua máy điều hòa ở Hà Nội tăng (19/05/2003)
Làm kế toán phải có chứng chỉ hành nghề (19/05/2003)
"Cần sẵn sàng hỗ trợ cho vùng thiệt hại do lũ lụt" (19/05/2003)
Thép vẫn tiêu thụ chậm (19/05/2003)
"VN cần tạo bước đột phá nếu muốn gia nhập WTO vào 2005" (19/05/2003)
Xem tiep Tro ve dau trang