"Cần sẵn sàng hỗ trợ cho vùng thiệt hại do lũ lụt"
15:34' 19/05/2003 (GMT+7)
Trẻ em đi học mùa lũ.

(VietNamNet) - Chuẩn bị cho công tác phòng chống lụt bão (PCLB) năm 2003, sáng nay (19/5), Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Tấn Dũng đã có buổi làm việc với Ban Chỉ đạo PCLB Trung ương. Thủ tướng yêu cầu các địa phương hỗ trợ ngay, ít nhất là trong tháng đầu, đối với vùng bị ảnh hưởng nặng do lũ lụt, đặc biệt là trường hợp người bị chết, bị thương; mất nhà ở; thiếu đói và bệnh tật.

Phó thủ tướng cũng chỉ đạo cần có biện pháp giúp dân cư vừa có thể phòng tránh lũ, vừa làm kinh tế (như mô hình nuôi cá trong mùa lũ), tận dụng quy luật của tự nhiên. "Mùa mưa bão 2003 sắp đến, chúng ta phải sẵn sàng đối phó nhằm hạn chế tối đa thiệt hại về người, về của, các công trình, đảm bảo hoạt động sản xuất, sinh hoạt của người dân'', Thủ tướng chỉ đạo.

Thủ tướng đặc biệt lưu ý công tác dự báo. Thông tin dự báo phải chính xác, bởi đó là yếu tố quan trọng để giảm thiệt hại do bão lũ gây ra. Bên cạnh đó, cần trang bị thiết bị vô tuyến điện để gọi tàu thuyền neo đậu tránh bão. Ngay từ bây giờ, Bộ Thuỷ sản phải thông báo cho ngư dân sẵn sàng đối phó với thiên tai. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng nhắc nhở Ban chỉ đạo PCLB Trung ương, các địa phương phối hợp chặt chẽ với Ủy ban Tìm kiếm cứu hộ cứu hạn; chuẩn bị tốt phương án 4 tại chỗ (chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, vật tư tại chỗ và phương án tại chỗ).

Các tỉnh ĐBSCL đang đẩy nhanh tiến độ xây dựng các cụm tuyến dân cư để mùa lũ tới có thể chủ động, đưa phần lớn dân cư ở những vùng ngập sâu đến nơi tránh lũ. Tính đến cuối tháng 4, các tỉnh đã triển khai xây dựng được 450 cụm tuyến dân cư và đã có gần 7.000 hộ gia đình được định cư tránh lũ an toàn. Tới 7/5, các tỉnh ĐBSCL gieo cấy đạt trên 83% kế hoạch.

Thủ tướng cho rằng, lực lượng quân đội, công an cần xác định việc giúp dân, đảm bảo an ninh trật tự mùa lũ là nhiệm vụ nòng cốt. "Khi xảy ra bão lũ, hải quân, cảnh sát biển cũng cần vào cuộc trong việc cứu hộ người dân gặp nạn. Phải coi đó là nhiệm vụ cần làm ngay, không cần đợi lệnh. Ai làm tốt, chưa tốt sẽ được khen chê thích đáng", ông nhấn mạnh.

Theo Ban Chỉ đạo PCLB Trung ương, tính đến nay, công tác đê điều đã thực hiện được cơ bản khối lượng theo kế hoạch. Tính đến hết 10/5, khối lượng đê đắp được là hơn 1,7 triệu m3, đạt 92% kế hoạch; trồng được gần 36.000 mống tre, vượt 57%; làm được 116.000m3 kè; hoàn thành 9/14 cống. Dự kiến đến 31/5 sẽ hoàn thành toàn bộ kế hoạch tu bổ đê điều năm nay.

Tuy nhiên, thời gian qua, do ảnh hưởng của thời tiết nắng hạn và những tác động khác, nhiều đoạn đê xung yếu đã xảy ra sự cố nứt như đê tả sông Hồng (đoạn Văn Giang, Hưng Yên), đê tả sông Cầu (Bắc Giang), đê tả Văn Úc (Hải Phòng), kè sông Trà Lý, sông Hồng (Thái Bình). Để đảm bảo an toàn cho mùa lũ năm nay, Ban Chỉ đạo PCLB Trung ương yêu cầu xử lý ngay những đoạn đê trên. Tuy nhiên, đầu tư cho đê điều năm 2003 vẫn bằng mức năm 2002, vì vậy, Bộ NN-TPNT đề nghị Chính phủ xem xét cấp bổ sung cho đê điều tổng kinh phí là 27 tỷ đồng, trong đó, trả nợ cho xử lý đột xuất năm 2002 là 20 tỷ đồng và 7 tỷ đồng cho xử lý đột xuất năm nay.

Trước tình trạng đó, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu, phải kiểm tra chặt chẽ công tác đắp đê và quản lý đê điều, "chỗ nào xung yếu phải làm ngay". Ngoài ra, Bộ Công nghiệp phải chỉ đạo sát sao Tổng công ty Điện lực để thực hiện điều tiết lũ nước hồ Hoà Bình, bảo đảm an toàn cho vùng Đồng bằng sông Hồng.

Cuối giờ làm việc, Phó Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cùng các thành viên Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão Trung ương đã đi kiểm tra các đoạn đê xung yếu và kế hoạch phòng chống lụt bão của các địa phương.

Ý kiến của một số thành viên Ban Chỉ đạo PCLB:

- Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Chí Liêm: Cần có sự phối hợp chặt chẽ hơn trong việc khắc phục hậu quả rủi ro, thiên tai bất ngờ. Về cơ số thuốc dự phòng cho nhân dân vùng lũ, nhiều năm nay chúng ta dự trữ tại 3 khu vực thuộc miền Bắc, Trung và Nam. Tuy nhiên, năm tới, ngành y tế sẽ chuyển số thuốc này về các địa phương, phục vụ cơ động, tại chỗ cho người dân.

- Thứ trưởng Bộ LĐ-TBXH Đàm Hữu Đắc: Bộ sẽ có chính sách cụ thể cho vùng, hộ bị thiên tai. Tôi đề nghị thiết lập Quỹ Hỗ trợ dự phòng để cứu trợ người dân trong trường hợp cần thiết. Khi bão lũ qua, cần hỗ trợ ngay cho các tỉnh bị thiệt hại. Rút kinh nghiệm trước đó, cứ sau một năm, bộ nào cũng trình văn bản hỗ trợ, gây chồng chéo, khó khăn.

Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Trung Tá: Khi thiên tai xảy ra, trách nhiệm đầu tiên thuộc về chính quyền địa phương. Đầu tiên, các tỉnh phải chủ động sử dụng tài chính trong Quỹ Phòng chống thiên tai để hỗ trợ ngay, nếu thiệt hại trên diện rộng, ngân sách không đảm bảo thì Trung ương sẽ hỗ trợ. Tuy nhiên, khó khăn hiện nay là một số địa phương thống kê thiếu chính xác về tình hình thiệt hại người và của do bão lũ.

Thứ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Xuân Thảo: Đối với các địa phương, có thể là không cố ý nhưng vẫn báo cáo khống, cao hơn cả thực tế. Theo tôi, cần có biện pháp cảnh cáo, răn đe.

  • Hà Yên
  Gửi tin qua Mobile Gửi tin qua E-mail In tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC:
Thép vẫn tiêu thụ chậm (19/05/2003)
"VN cần tạo bước đột phá nếu muốn gia nhập WTO vào 2005" (19/05/2003)
Khai trương Trung tâm giao dịch địa ốc Sài Gòn (19/05/2003)
Trái cây nhập lậu lan tràn biên giới Tây Nam (19/05/2003)
1/3 nông dân Bắc bộ sẽ có cánh đồng 50 triệu (19/05/2003)
Vietel cung cấp dịch vụ Internet băng thông rộng ADSL (19/05/2003)
"Ðánh bạc" với ÐTDÐ nhập lậu (18/05/2003)
Khởi công lại dự án căn hộ Sài Gòn (18/05/2003)
Vẫn nhiều lực cản đối với Luật Doanh nghiệp (17/05/2003)
Cơ hội lớn khám phá thị trường Châu Phi (17/05/2003)
Bibica khất ba lần vẫn chưa công bố được báo cáo tài chính (17/05/2003)
Nhà sản xuất xe máy nói về thuế tiêu thụ đặc biệt (17/05/2003)
''Cánh đồng 50 triệu'' sẽ lo đầu ra cho nông sản (17/05/2003)
Chưa thống nhất được phương án xây cầu Thủ Thiêm (17/05/2003)
Xem tiep Tro ve dau trang