Vẫn nhiều lực cản đối với Luật Doanh nghiệp
14:39' 17/05/2003 (GMT+7)

Hiện nay Việt Nam có khoảng 100 nghìn DN dân doanh.

(VietNamNet) - Sức ỳ, sự hấp dẫn của cơ chế ''xin cho' và cách làm cũ, những biểu hiện vô tình hoặc cố ý của cơ quan quản lý muốn quay về ''lối cũ'' dưới nhiều hình thức khác nhau, những thay đổi trong cơ cấu và quan hệ ''quyền-lợi''... đang là lực cản mạnh đối với việc thực hiện Luật Doanh nghiệp (DN). Tổ Công tác thi hành Luật DN đã đánh giá như vậy sau hơn 3 năm (từ 1/1/2000) thực hiện luật này.

Chí phí cao, thủ tục phiền hà

So với nhiều nước khác, thủ tục và chi phí thành lập DN (thời gian và tiền bạc) ở Việt Nam vẫn còn cao. Thực tế ở những trường hợp bình thường nhất, để hoàn thành thủ tục gia nhập thị trường, DN phải tiến hành ít nhất 3 bước: đăng ký kinh doanh, khắc dấu, đăng ký mã số thuế và mua hoá đơn tài chính. Theo quy định hiện hành, hoàn tất 3 bước nói trên phải mất 45 ngày với chi phí khoảng 1,5 triệu đồng (nếu qua các DN dịch vụ chi phí này còn cao hơn nhiều). Ngoài ra, DN còn phải đăng báo trên 3 số liên tiếp về những nội dung đăng ký kinh doanh chủ yếu với chi phí từ 600-750 nghìn đồng; nộp thuế môn bài 1-3 triệu đồng. Như vậy tổng chi phí gia nhập thị trường đối với trường hợp bình thường ở Việt Nam có thể lên đến 5,2 triệu đồng, bằng khoảng 84% thu nhập bình quân đầu người hàng năm. 

Theo điều tra của Ngân hàng Thế giới, bình quân chi phí gia nhập thị trường ở 85 quốc gia là 10,48 thủ tục với thời hạn chính thức là 47,4 ngày và chi phí bằng tiền là 47% thu nhập bình quân đầu người hàng năm (nếu cộng cả chi phí thời gian, thì tổng chi phí là 65,98%). Trong khi đó, Việt Nam có tới 16 thủ tục, 112 ngày và chi phí (không tính phí thời gian) bằng 133,7% GDP/người/năm.

Đối với một số ngành, nghề khác, DN không được đăng ký và không thể đầu tư phát triển kinh doanh được, bởi vì chưa có quy định về điều kiện kinh doanh hoặc ''Chính phủ chưa có chủ trương'' theo như trả lời của một số công chức. Với cách trả lời này, Công ty TNHH An Thái (Thái Bình) đã bị từ chối đăng ký kinh doanh và tiến hành xây dựng nhà máy sản xuất, lắp ráp ôtô vận tải nhẹ phục vụ sản xuất nông nghiệp thay thế cho xe công nông đã bị cấm.

DN thành lập theo Luật DN đang bị hạn chế đáng kể bởi sự không đồng bộ, không thống nhất bởi các quy định không còn phù hợp liên quan trực tiếp đến hoạt động của các DN như pháp luật về quyền sử dụng đất, huy động vốn, về lao động, pháp luật về thuế... Chính vì vậy, những vướng mắc, rào cản đối với DN sau đăng ký kinh doanh hầu như chưa được giải quyết.

Một số cơ quan quản lý chưa tôn trọng Luật DN

Theo Tổ Công tác thi hành Luật DN, UBND một số địa phương vẫn duy trì lệnh tạm ngừng đăng ký và cấp giấy phép kinh doanh đối với một số ngành nghề không thuộc đối tượng cấm kinh doanh. Chẳng hạn, TP.HCM, Bến Tre  và một số địa phương khác, ngoài việc cấm đăng ký kinh doanh đối với karaoke, vũ trường, massage, cắt tóc thanh nữ, quán bar, đã đặt thêm điều kiện đối với đăng ký kinh doanh nhà hàng, khách sạn... Ở Bến Tre, kinh doanh nhà hàng, khách sạn  chỉ được thực hiện ở những nơi có tiềm năng và điều kiện phát triển du lịch sinh thái và phải có sự đồng ý của chính quyền địa phương.

Ông Nguyễn Đình Cung cho rằng, việc áp đặt thêm các điều kiện đăng ký kinh doanh như nói trên là không cụ thể, thiếu chính xác. Việc kinh doanh của người dân sẽ dễ bị  phụ thuộc vào quyết định tuỳ ý, chủ quan của một số người lãnh đạo địa phương; làm sống lại cơ chế xin-cho với tác động tiêu cực cả đối với quản lý nhà nước với người kinh doanh.

Còn ông Nguyễn Mại, Tổ Kinh tế đối ngoại của Thủ tướng nói: ''Cái đáng phê phán đối với chính quyền địa phương là tình trạng không tôn trọng nguyên tắc cơ bản của Luật DN, tự đề ra các chủ trương cấm đoán vô lý, cũng như duy trì bệnh quan liêu, cửa quyền''. Thực tế này đã xảy ra ở nhiều nơi với mức độ khác nhau, điển hình gần đây như vụ UBND tỉnh Bình Thuận can thiệp vào công việc nội bộ của Công ty cổ phần Khách sạn Phan Thiết...

DN chưa có thói quen báo cáo tài chính?

Tổ Công tác thi hành Luật DN, đa số DN chưa thực hiện hoặc thực hiện chưa đầy đủ chế độ báo cáo tài chính theo quy định. Sau hơn 3 năm thực hiện Luật DN, số DN báo cáo tài chính theo quy định tại Khoản 3 Điều 118 Luật DN chỉ chiếm khoảng 15-20% tổng số DN. Các báo cáo tài chính gửi đến cơ quan đăng ký kinh doanh (để công khai hoá) thường rất sơ sài, hình thức, số liệu thường thiếu chính xác và không đầy đủ. 

Công tác ghi chép, cập nhật, lưu trữ sổ sách của công ty còn yêu chưa đúng với yêu cầu theo quy định của pháp luật. Không ít công ty TNHH không lập, cập nhật và theo dõi sổ danh sách thành viên; không cấp giấy chứng nhận phần góp vốn. Hiện tượng 2 đến 3 loại sổ sách kế toán vẫn chưa giảm. Việc lập số sách kế toán vẫn chủ yếu để đối phó với cơ quan thu thuế; chưa phải để theo dõi phục vụ cho công tác quản lý tài chính DN, chưa phải để công khai hoá giúp những ai quan tâm đều có thể hiểu đúng và đủ về thực trạng tài chính công ty, các điểm mạnh yếu... 

Có ý kiến cho rằng, DN ghi chép sổ sách kế toán không rõ ràng, thường lạm dụng để tăng chi phí, trốn thuế và các nghĩa vụ khác. Trên thực tế, DN càng công khai hoá, càng minh bạch trong quản lý tài chính, thì càng chịu sự thiệt thòi hơn những DN khác. Nói cách khác, hệ thống luật pháp và cơ chế quản lý xã hội chưa có cơ chế khuyến khích, thúc đẩy và bảo hộ cho những DN được quản lý minh bạch, cũng như những DN cố găng nâng cao tính minh bạch trong quản lý.

Nhiều lỗ hổng của luật

Cho đến nay, sau hơn 3 năm Luật DN có hiệu lực, vẫn chưa có hướng dẫn cấp chứng chỉ hành nghề dịch vụ pháp lý do tranh cãi chỉ luật sư hay còn thêm đối tượng nào khác nữa được làm dịch vụ này; chưa có hướng dẫn về cách thức và cơ quan có thẩm quyền xác nhận vốn pháp định đối với DN sản xuất và chế tác vàng; chưa có quy định hướng dẫn về phát hành chứng khoán ra công chúng (không niêm yết) để huy động vốn, về quản lý phát hành và giao dịch đối với loại chứng khoán đó...

Một số hướng dẫn thi hành Luật DN chưa đáp ứng được yêu cầu đã thay đổi như quản lý, bảo hộ tên DN thống nhất trên cả nước không thực hiện được, kể cả việc quản lý và giám sát sự tồn tại, tính liên tục của ''pháp nhân DN''. Quy định cũng chưa đầy đủ và sát thực về một số thẩm quyền của cơ quan đăng ký kinh doanh; rút giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh; về trình tự, thủ tục giải thể...

Một vấn đề nhức nhối ''hậu cổ phần hoá'' thời gian gần đây như tranh chấp mua bán cổ phần, quyền quản lý công ty của cổ đông, công khai tài chính... cho thấy luật đang buông lỏng ở ''sân chơi'' này. Bà Mai Thị Khanh, Công ty cổ phần Khách sạn Hữu Nghị, cho rằng ''luật DN chưa đi vào cuộc sống'' và chưa nhin thấy phần ''tảng băng chìm''. Do công ty này cổ phần hoá trước khi Luật DN có hiệu lực nên có cách hiểu khác nhau về cổ đông sáng lập giữa Toà án và UBND thành phố Hà Nội, nên việc giải quyết tranh chấp mua bán cổ phần ở công ty này chưa biết đến bao giờ mới kết thúc.

Ông Nguyễn Mại nhận định: ''Việc tổng kết thi hành Luật DN trong hơn 3 năm qua cần hướng vào yêu cầu xây dựng một hệ thống pháp luật thật sự tạo sân chơi bình đẳng cho mọi loại hình DN. Đó là việc hình thành một Luật DN chung cho mọi thành phần kinh tế, các khoản thuế, phí, thống nhất trong cả nước không phân biệt đối xử''.

Trong 3 năm qua (2000-2002) đã có 55.793 DN mới đăng ký theo Luật DN (trong 9 năm 1991-1999 có 45.000 DN đăng ký), đưa tổng số DN đăng ký của khu vực tư nhân ở Việt Nam khoảng 100 nghìn DN. Số DN đăng ký trung bình hàng năm hiện nay bằng 3,75 lần so với trung bình hàng năm của thời kỳ 1991-1999.

Qua 3 năm, số vốn đăng ký huy động được gần 100.000 tỷ đồng (tương đương 6,7 tỷ USD, cao hơn số vốn đầu tư nước ngoài đăng ký trong cùng thời kỳ). Trong đó năm 2000 là 1,33 tỷ USD, năm 2001 là 2,33 tỷ USD và năm 2002 gần 3 tỷ USD (cao gấp 3 lần vốn đăng ký giai đoạn 1991-1999 theo giá hiện hành). Kết quả là tỷ trọng đầu tư của dân cư và DN trong tổng đầu tư toàn xã hội đã tăng từ 20% năm 2000 lên 23%, gần bằng tổng vốn đầu tư của DNNN và tín dụng nhà nước. 

  • Văn Tiến
  Gửi tin qua Mobile Gửi tin qua E-mail In tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC:
Cơ hội lớn khám phá thị trường Châu Phi (17/05/2003)
Bibica khất ba lần vẫn chưa công bố được báo cáo tài chính (17/05/2003)
Nhà sản xuất xe máy nói về thuế tiêu thụ đặc biệt (17/05/2003)
''Cánh đồng 50 triệu'' sẽ lo đầu ra cho nông sản (17/05/2003)
Chưa thống nhất được phương án xây cầu Thủ Thiêm (17/05/2003)
Vinafood II muốn thầu toàn bộ số gạo Philippines cần nhập (16/05/2003)
Giá phân bón tiếp tục tăng (16/05/2003)
Không đạt được thoả thuận đình chỉ vụ kiện cá tra, basa (16/05/2003)
Bỏ giá tính thuế tối thiểu gạch ốp lát nhập khẩu có nguồn gốc từ EU (16/05/2003)
Xin sử dụng lại tòa nhà ITC (16/05/2003)
SEA Games 22 đã có hệ thống điện tử xử lý thông tin (16/05/2003)
Thuỷ điện Sơn La - cơ hội vàng cho doanh nghiệp (16/05/2003)
Mời đấu thầu cung cấp thiết bị tin học và phần mềm ứng dụng (16/05/2003)
Xin cấp phép tư vấn và xây dựng phải đóng lệ phí (16/05/2003)
Xem tiep Tro ve dau trang