''Cánh đồng 50 triệu'' sẽ lo đầu ra cho nông sản
08:50' 17/05/2003 (GMT+7)
Nông dân đang làm giàu trên cánh đồng của mình.
(VietNamNet)
- Sau chuyến đi thị sát của các chuyên gia Bộ NN-PTNT, ngành nông nghiệp đang sôi nổi với phong trào mới: xây dựng nhiều cánh đồng 50 triệu. Nói như lời ông Lê Hưng Quốc, Cục trưởng Cục Khuyến nông Khuyến lâm - cơ quan đầu não của phong trào - ''cánh đồng 50 triệu'' không chỉ góp phần làm giàu cho bà con, tăng giá trị nông nghiệp trên diện tích đất, mà còn lo được đầu ra cho nông sản.

Trò chuyện với VietNamNet, ông Quốc cho biết, hiện xuất hiện rất nhiều điển hình hộ nông dân, mô hình xã, huyện, cánh đồng có thu nhập cao tại Thái Bình, Bắc Ninh, Hải Dương, Hải Phòng, Vĩnh Phúc... Nhiều tỉnh đã có nghị quyết về phát triển cánh đồng 50 triệu/ha vào năm 2005. Do vậy, hôm nay (17/5), một cuộc tọa đàm về phát triển những cánh đồng 50 triệu đã diễn ra tại Thái Bình, do Bộ NN-PTNT, Ban Kinh tế Trung ương, Hội Nông dân Việt Nam tổ chức.

Có thưởng cho những cánh đồng 50 triệu

Giữa tháng 4, lãnh đạo Bộ NN-PTNT đã về thị sát tại huyện Gia Lộc, Hải Dương. Năm 2002, toàn huyện Gia Lộc đạt thu nhập bình quân 48,4 triệu đồng/ha, còn Gia Xuyên - một xã có thể được coi là mẫu mực của Đồng bằng sông Hồng về thâm canh tăng vụ, thu nhập bình quân trên đất canh tác toàn xã đã đạt 65 triệu đồng/ha. Từ kinh nghiệm đó, hoặc đã nằm trong chiến lược, Thái Bình đã ra nghị quyết về xây dựng những cánh đồng đạt giá trị sản xuất 50 triệu đồng/ha/năm, giai đoạn 2003-2010, dựa trên sự liên kết hài hoà giữa sản xuất - chế biến - tiêu thụ.

Thái Bình đã đề ra mục tiêu: năm 2003, mỗi huyện, thị có 20% số xã trở lên xây dựng được ít nhất một cánh đồng 50 triệu đồng/ha/năm; năm 2004, mỗi xã; rồi năm 2005, mỗi thôn có ít nhất một cánh đồng "50 triệu", kịp cho tới năm 2010 thì mỗi thôn, xã, huyện, thị đều có 40% diện tích canh tác đạt và vượt định mức 50 triệu.

Tỉnh này cũng đưa ra chính sách khen thưởng đặc biệt cho các địa phương: thưởng 50 triệu đồng cho thôn đầu tiên đạt giá trị sản lượng 50 triệu đồng/ha/năm; 100 triệu đồng cho xã đầu tiên có cánh đồng 50 triệu; 300 triệu đồng cho huyện đạt kết quả này.

Hưởng ứng từ mô hình của Thái Bình, tỉnh Bắc Ninh, Hải Dương cũng có nghị quyết về cánh đồng 50 triệu. ''30 năm trước, chúng ta có phong trào 5 tấn/ha, đến nay, phong trào xây dựng cánh đồng 50 triệu ha để tăng thu nhập cho bà con, tăng thu nhập trên diện tích đất là rất hợp lý. Điều đặc biệt, cánh đồng 50 triệu sẽ giúp đầu ra cho sản phẩm, tăng mạnh tính cạnh tranh. Tôi tin là bà con nông dân sẽ ủng hộ phong trào này'', ông Lê Hưng Quốc phấn khởi.

Vai trò của đại lý thu gom

Cùng với vấn đề giống, quy hoạch và công nghệ cao, thị trường cho nông sản cũng là công việc quan trọng ngành nông nghiệp đề ra cho năm 2003. Chỉ khi nào giải quyết tốt vấn đề thị trường tiêu thụ, hạ giá thành, nông dân mới có thể thu được 50 triệu đồng từ những cánh đồng.

Song, trong nền sản xuất hàng hoá hiện nay, vấn đề thị trường không phải chỉ có Nhà nước làm, mà ngay cả nông dân, các tổ chức, hiệp hội, đại sứ quán Việt Nam tại các nước, tuỳ viên thương mại, các DN... đều phải góp sức. Nhà nước chỉ tạo điều kiện, hỗ trợ về chính sách, tự nông dân phải thiết kế kênh tiêu thụ và giá thành. Bên cạnh đó, thực hiện Quyết định 80, chủ tịch UBND tỉnh, chính quyền địa phương phải lo tiêu thụ nông sản cho bà con. Tuy nhiên, theo ông Lê Hưng Quốc, không phải là chỉ có thị trường, mà vấn đề quan trọng là chất lượng và giá cả. ''Cứ nông sản chất lượng cao, hạ giá thành thì lập tức sẽ có thị trường'', ông Quốc nhấn mạnh.

Ông Quốc nói: ''Vừa rồi tôi đi thị sát, mỗi xã ở Hải Dương, Hải Phòng, Bắc Ninh có ít nhất 5-10 đại gia lo toàn bộ việc tiêu thụ cho dân. Họ đến mua nông sản của HTX, rồi chiết khấu lại bốn đồng một cân dưa, hai đồng một cân khoai tây; như vậy, HTX nhận được của công ty đó 40-50 triệu để hoạt động. Đây là mối liên kết mới. Một Ban chủ nhiệm mà có 50 triệu để lo việc tiêu thụ cho nông dân, thế là yên tâm rồi''.

Các đại gia mà ông Quốc đề cập đến là đội ngũ chuyên thu gom cà chua, dưa chuột, ngô, lúa; cả bò và lợn... cho bà con nông dân. Theo anh Lê Văn Ngấn, Chủ nhiệm HTX Đức Chính (Cẩm Giàng, Hải Dương), toàn xã có 10 đại lý chuyên mua gom cà rốt. Cứ đến mùa thu hoạch, ôtô khắp nơi để về xã, nhất là xe lạnh từ miền Nam ra, ngày 30-40 chiếc, về thu mua tận ruộng. Cà rốt Đức Chính giờ bắt đầu ''có tiếng'', dân trồng cà rốt xã Cẩm Vân bên cạnh hay xã Nam Sách sang, đều tập trung một mối mua bán tại Đức Chính.

Trên thực tế, đội ngũ đại lý này có mặt từ lâu tại các xã, thôn, nhưng vào thời điểm hiện nay, họ mới thực sự phát huy hết vai trò của mình. Một thế hệ nông dân kiểu mới, phải là nông dân giỏi, nông dân tiên tiến mới làm được.

Chỉ xây nhà máy chế biến vừa và nhỏ

Ông Bạch Quốc Khang, Cục trưởng Cục Chế biến nông lâm sản và ngành nghề nông thôn (Bộ NN-PTNT), cho VietNamNet biết, các xã có ''cánh đồng 50 triệu'' vẫn chưa có nhà máy chế biến. Nông dân hiện rất sáng tạo trong tiêu thụ nông sản, nhờ khai thác được các thị trường sẵn có và tìm kiếm thị trường tiềm năng, như rau vụ đông thì vào Nam; tôm càng xanh, tôm thẻ chân trắng ở Bắc; hay đầu ra cho bò sữa, đặc biệt là bò sữa giống, hiện rất ổn... Ngoài ra, các địa phương trên cũng có lợi thế về trồng trọt (luân canh tăng vụ) và chăn nuôi, cũng như chi phí vận chuyển thấp.

Tuy nhiên, không phải nông dân nào, xã nào cũng tiêu thụ sản phẩm ngay được. Khâu bảo quản vẫn hết sức lạc hậu. Theo ông Trần Văn Tuý, Giám đốc Sở NN-PTNT Bắc Ninh, các mô hình sản xuất đạt giá trị cao của tỉnh đang rất cần công nghệ chế biến, bảo quản thích ứng. Ví như, việc chế biến hành tỏi hiện vẫn làm theo kiểu thủ công, bảo quản theo kinh nghiệm là chính. Do vậy, sản lượng hành, tỏi của Bắc Ninh rất cao, nhưng thất thoát tới 30-40%.

Giải quyết vấn đề này, ông Bạch Quốc Khang cho rằng, trước mắt, Cục sẽ phải xác định đâu là sản phẩm cần chế biến, đâu là sản phẩm tiêu thụ tươi; chế biến đối với sản phẩm không thể tiêu thụ được, như dưa chuột, cà chua bao tử... ; rồi chế biến theo phương pháp nào: sấy khô, đóng hộp hay ngâm nước đường? Từ đó, xác định công nghệ, tính toán công suất chế biến cho phù hợp trước khi chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Ông Khang cũng lưu ý, trước khi xây nhà máy chế biến mới, cần phải xem xét hiện trạng các nhà máy đã có. Chỉ nên xây các nhà máy chế biến có quy mô vừa và nhỏ, đặt sát vùng nguyên liệu.

''Trước mắt, Cục Chế biến Nông lâm sản sẽ đề xuất xây dựng các khu chế biến, bảo quản ở quy mô cấp huyện và cấp tỉnh. Cấp huyện sẽ triển khai các công nghệ tiên tiến, trang thiết bị thích hợp và kết hợp lao động thủ công. Cấp tỉnh có quy mô lớn, với các loại thiết bị hiện đại, đồng bộ, nhằm tạo ra những sản phẩm có sức cạnh tranh cao'', ông Khang nói.

Ông Lê Hưng Quốc: Nhà nước muốn ngân hàng cho các DN, nông dân vay, nhưng ngân hàng cũng là một DN, cũng cần làm ăn có lãi. Theo tôi, cần hỗ trợ vốn cho ngân hàng, đồng thời, giành một khoản tiền lớn để họ cho nông dân vay với lãi suất ưu đãi. Ngược lại, ngân hàng cần cải tiến thủ tục, giúp nông dân có những dự án khả thi. Nếu mỗi huyện chỉ có mấy cán bộ tín dụng thì không thể đáp ứng nhu cầu cho hàng vạn nông dân được. Nhà nước cũng cần hỗ trợ ngân hàng để có quỹ đề phòng rủi ro.    
  • Hà Yên
  Gửi tin qua Mobile Gửi tin qua E-mail In tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC:
Chưa thống nhất được phương án xây cầu Thủ Thiêm (17/05/2003)
Vinafood II muốn thầu toàn bộ số gạo Philippines cần nhập (16/05/2003)
Giá phân bón tiếp tục tăng (16/05/2003)
Không đạt được thoả thuận đình chỉ vụ kiện cá tra, basa (16/05/2003)
Bỏ giá tính thuế tối thiểu gạch ốp lát nhập khẩu có nguồn gốc từ EU (16/05/2003)
Xin sử dụng lại tòa nhà ITC (16/05/2003)
SEA Games 22 đã có hệ thống điện tử xử lý thông tin (16/05/2003)
Thuỷ điện Sơn La - cơ hội vàng cho doanh nghiệp (16/05/2003)
Mời đấu thầu cung cấp thiết bị tin học và phần mềm ứng dụng (16/05/2003)
Xin cấp phép tư vấn và xây dựng phải đóng lệ phí (16/05/2003)
WHR tròn 1 tuổi tại Việt Nam (16/05/2003)
Xuất khẩu 20.000 tấn đường sang Indonesia (16/05/2003)
12 doanh nghiệp Anh đến Việt Nam tìm cơ hội đầu tư (16/05/2003)
Dự thảo Pháp lệnh Thương mại điện tử sẽ được thẩm định vào tháng 8 (15/05/2003)
Xem tiep Tro ve dau trang