|
Sơn La - một vùng đất lành. |
(VietNamNet) - Khi thủy điện Sơn La được khởi công xây dựng, quy mô to lớn của công trình sẽ làm thay đổi toàn diện tỉnh Sơn La. Sự hình thành thủy điện, việc di dời và ổn định cuộc sống cho khoảng 11.000 hộ dân sẽ tạo ra nhiều cơ hội kinh doanh dễ khai thác cho cả các tổng công ty lớn lẫn cơ sở sản xuất nhỏ lẻ.
Một thị trường tiềm năng cho mọi doanh nghiệp
Nói về thủy điện Sơn La, các lãnh đạo tỉnh đều cho rằng đây là "cơ hội ngàn vàng" để Sơn La - một tỉnh khó khăn đặc biệt - quy hoạch lại cơ cấu kinh tế, sắp xếp lại dân cư, đầu tư nâng cấp các công trình kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội.
Mọi doanh nghiệp đều có thể tìm thấy cơ hội kinh doanh trong sự chuyển mình này. Ông Đào Văn Hưng, Tổng giám đốc Tổng công ty Điện lực cho biết: "Tổng công ty Điện lực Việt Nam đang tích cực, triệt để khai thác nguồn thủy điện trên địa bàn tỉnh Sơn La". Ông Vũ Kim Chung, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng công ty xây dựng công trình giao thông 1 (Cienco 1) thì thông báo Cienco 1 đã quyết định đầu tư xây dựng nhà máy ximăng Sơn La, tuyến đường Chiềng Ngần - Mường Bằng - Hát Lót, khách sạn Cienco 1 - Sơn La 3 sao 11 tầng, và chợ trung tâm thị xã. Cienco 1 cũng cam kết sẽ tiếp tục tìm kiếm các cơ hội đầu tư vào các lĩnh vực khác.
Bên cạnh những nhu cầu trực tiếp cho việc xây dựng, cung cấp trang thiết bị cho thủy điện, sự hiện diện lâu dài của hàng vạn chuyên gia và công nhân, việc di dời khoảng 11.000 hộ dân tạo ra một thị trường tiêu dùng rộng lớn. Các hoạt động dịch vụ, sản xuất và cung ứng hàng hóa phục vụ đời sống tại chỗ sẽ gặp được nhu cầu rất lớn tại đây.
Khi hệ thống giao thông vận tải được cải thiện để xây dựng thủy điện, trở ngại lớn nhất đối với việc tiếp cận thị trường Sơn La sẽ được dỡ bỏ. Các doanh nghiệp có thêm nhiều điều kiện thâm nhập một thị trường "thập cẩm": cao cấp, khó tính có các chuyên gia nước ngoài; dễ tính, xuề xòa có người dân địa phương; trung bình có công nhân người Việt... Hàng tiêu dùng loại nào cũng dễ tìm được khách hàng tại đây.
Chính sách thu hút đầu tư rõ ràng, mạnh dạn và hấp dẫn
Lợi thế của Sơn La là khí hậu đặc sắc, đất đai màu mỡ, nguồn thủy năng rất dồi dào, thuận lợi để phát triển các sản phẩm nông, lâm nghiệp và thủy điện. Hiện toàn tỉnh còn trên 800.000ha đất trống, đồi núi trọc chưa được khai thác, sử dụng. Bên cạnh đó, tỉnh có dân số trên 9.420.000 người, với khoảng 430.000 lao động. Tuy nhiên, như trên đã nói, Sơn La hiện là tỉnh đặc biệt khó khăn. Hệ thống cơ sở hạ tầng yếu kém, chia cắt và chi phí sử dụng đắt đỏ. Trình độ dân trí, chất lượng lao động thấp. Thị trường địa phương vẫn còn nhỏ hẹp...
Đến hết năm 2002, toàn tỉnh Sơn La mới chỉ có 142 doanh nghiệp tư nhân, công ty TNHH, công ty cổ phần hoạt động trên địa bàn. Các doanh nghiệp này có tổng vốn điều lệ là 169 tỷ đồng, và số vốn kinh doanh gấp khoảng 3-5 lần. Về đầu tư trực tiếp nước ngoài trên địa bàn, tính đến ngày 28/2, tỉnh Sơn La có ba dự án đầu tư nước ngoài, đứng thứ 41 trong tổng số 61 tỉnh thành của cả nước với vốn đầu tư trên 20 triệu USD. Trong đó có một dự án liên doanh thăm dò và khai thác khoáng sản, hai dự án đầu tư phát triển chè giống nhập ngoại chất lượng cao của hai công ty Hàn Quốc và Nhật Bản tại huyện Mộc Châu với quy mô 100-150 ha, thời gian 25-50 năm.
Tuy nhiên, với việc xây dựng thủy điện Sơn La, ông Hà Hùng hy vọng "Sơn La sẽ trở thành điểm đến cho những cơ hội làm ăn, đầu tư phát triển. Tiềm năng to lớn, chính sách thông thoáng, tấm lòng cởi mở là thông điệp chúng tôi gửi tới các nhà đầu tư".
Trong hai ngày 14-15/5, Sơn La đã thực hiện hai cuộc vận động đầu tư tại Hà Nội và TP.HCM. Tại đây, tỉnh đã đưa ra giới thiệu 60 dự án cụ thể để kêu gọi đầu tư. Dự án đầu tư lớn nhất có tổng mức đầu tư lên tới 380 triệu USD, và nhỏ nhất là 1 triệu USD. 380 triệu USD là dự án tái định cư thủy điện Sơn La, theo đó 182 điểm tại các huyện, thị xã sẽ được di dời.
Ngoài ra, còn có một số dự án lớn khác như dự án xây dựng nhà máy ximăng lò quay phục vụ trực tiếp cho việc xây dựng thủy điện Sơn La (200 triệu USD), dự án chăn nuôi bò thịt chất lượng cao nhập khẩu (120 triệu USD), và dự án chăn nuổi bò sửa nhập khẩu (100 triệu USD).
Đưa ra danh sách các dự án, tỉnh cũng công bố luôn rất nhiều chính sách ưu đãi dành cho nhà đầu tư. Ngoài các chính sách được hưởng theo quy định của luật pháp Việt Nam dành cho nhà đầu tư đầu tư vào một tỉnh đặc biệt khó khăn, các doanh nghiệp đến với Sơn La còn được hưởng một số chính sách ưu đãi về thuế doanh nghiệp, đất đai và các chính sách hỗ trợ khác.
Về chính sách đất đai, đối với các dự án đầu tư nước ngoài, đơn giá cho thuê đất được tính theo mức thấp nhất và miễn giảm tiền thuê đất theo quy định của Chính phủ (đối với từng dự án). Khi hết thời hạn ưu đãi theo quy định của Chính phủ thì được miễn tiền thuê đất trong 20 năm tiếp theo. Đối với các dự án đầu tư trong nước: đối với các dự án đầu tư thuộc các lĩnh vực tỉnh đặc biệt khuyến khích đầu tư được giao đất cho thuê đất (theo dự án được duyệt) không phải nộp tiền sử dụng đất, và tiền thuê đất trong suốt thời gian thực hiện dự án.
Đặc biệt, Sơn La áp dụng hình thức đổi đất lấy hạ tầng. Các nhà đầu tư bỏ vốn đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội cho tỉnh sẽ được trả một khu đất để sử dụng lâu dài, hoặc kinh doanh khai thác theo quy hoạch và dự án được duyệt.
Về chính sách hỗ trợ đầu tư, đối với đầu tư nước ngoài, tỉnh Sơn La chịu trách nhiệm đền bù giá trị tài sản trên đất theo dự án được duyệt, và tổ chức giải phóng mặt bằng trước khi bàn giao cho các nhà đầu tư. Đối với đầu tư trong nước, các dự án thuộc lĩnh vực đặc biệt khuyến khích đầu tư, tỉnh Sơn La chịu trách nhiệm đền bù giá trị tài sản trên đất, và tổ chức giải phóng mặt bằng trước khi bàn giao cho các nhà đầu tư...
Sau khi nghiên cứu kỹ những chính sách ưu đãi, các nhà đầu tư đều thống nhất nhận xét Sơn La là một trong các tỉnh có chính sách thu hút đầu tư rõ ràng, mạnh dạn và hấp dẫn. Ông Vũ Kim Chung cho biết: "Chúng tôi cũng được biết nhiều doanh nghiệp lớn, từ Bắc chí Nam và cả từ nước ngoài đang hướng về Sơn La để tìm hiểu cơ hội đầu tư".
Góp ý của doanh nghiệp
Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cho rằng: "Để thu hút được đầu tư, cần có sự đồng bộ. Chính sách thông thoáng không thôi chưa đủ. Đi kèm với nó còn cần có hệ thống cơ sở hạ tầng tốt, nguồn nhân lực chất lượng cao, quyết tâm và lòng nhiệt tình của lãnh đạo tỉnh. Nhiều nơi có những điều kiện tương tự nhau, nhưng kết quả thu hút đầu tư rất khác nhau. Nhiều tỉnh có sự ưu đãi cao, nhưng vẫn không thành công".
Ông Vũ Kim Chung có ý kiến rằng: "Chính sách cởi mở phải đi kèm một bộ máy thực thi có hiệu lực, đơn giản, kịp thời về thủ tục hành chính. Cần hiện thực hóa cơ chế một cửa, một dấu, để các nhà đầu tư không vì các cửa nhỏ mà tuột mất cơ hội làm ăn lớn". |
|