Chỉ 1/3 lò giết mổ lợn đủ tiêu chuẩn xuất khẩu
09:57' 10/05/2003 (GMT+7)
 

(VietNamNet) - Cục trưởng Cục Thú y, TS. Bùi Quang Anh, cho biết, chỉ 12 trong số 34 xí nghiệp giết mổ thịt lợn đông lạnh xuất khẩu của Việt Nam được cơ quan thú y Hongkong, Liên bang Nga và Malaysia cho phép nhập khẩu. Do vậy, chưa đáp ứng yêu cầu vệ sinh an toàn thực phẩm đang đồng nghĩa với việc giới hạn thị trường thịt lợn xuất khẩu.

Tuy nhiên, việc phân bố lò mổ lại quá dày đặc, không tương xứng vùng nguyên liệu, như Hải Phòng với 8 lò mổ, Thái Bình 6, Hải Dương 3, Nam Định 2, Thanh Hóa 2... Điều này dẫn tới tình trạng nhiều xí nghiệp được công nhận thì ngồi chơi vì không có nguyên liệu. Một số tỉnh đầu tư hàng tỷ đồng để xây lò mổ cũng phải ngừng hoạt động vì không có... lợn. Còn thịt lợn cho chế biến xuất khẩu lại được thu gom lẻ tẻ, từ nhiều nơi, do chưa có trang trại chăn nuôi lớn; vì vậy, không kiểm soát được dịch bệnh.

Hiện nay, tất cả các xí nghiệp giết mổ đều chưa có chương trình GMP, HACCP nhằm phân tích các yếu tố độc hại ảnh hưởng đến sức khỏe con người. Bên cạnh đó, chúng còn nằm gần khu dân cư, đường giao thông, hệ thống xử lý nước thải và chất thải rắn... ; trong khi yêu cầu vệ sinh thú y của một số nước đòi hỏi phải khống chế được các yếu tố độc hại, từ trang trại tới tận bàn ăn. Ngay cả khi Nhật Bản đồng ý nhập thịt gia cầm từ Việt Nam (ngày 4/1), nếu muốn xuất khẩu, các DN vẫn phải đạt được các thỏa thuận về thú y.

TS. Bùi Quang Anh cho biết, các sản phẩm thịt chế biến xuất khẩu của Việt Nam mới chỉ dừng ở thịt đông lạnh, xuất chủ yếu sang Nga, Hongkong. Riêng Singapore, Nhật Bản, Malaysia, Philippines, Hàn Quốc, yêu cầu vệ sinh chất lượng thịt rất cao. Do vậy, khi hai thị trường trên không nhập thịt lợn từ Việt Nam, các nhà máy chế biến cũng ngừng sản xuất.

Hôm nay (9/5), Cục Thú y (Bộ NN-PTNT) tổ chức hội nghị tổng kết việc thực hiện  Quyết định 62, ban hành ngày 11/7/2002, về quy định vùng, cơ sở an toàn dịch bệnh động vật. Đây là tiền đề để Việt Nam xây dựng những vùng nuôi bò, lợn sạch; đồng thời, kiểm soát bệnh dịch từ hàng nghìn con giống nhập về hàng năm. Việt Nam phấn đấu đến 2005 có các vùng an toàn về lở mồm long móng, dịch tả lợn cổ điển ở Đồng bằng sông Hồng, ĐBSCL, và các vùng này sẽ được OIE - Tổ chức dịch tễ thế giới - công nhận vào năm 2008.

Song, chỉ sau hội nghị này, Cục Thú y mới tổ chức việc xây dựng kế hoạch - dự án, đăng ký xây dựng vùng, cơ sở an toàn dịch bệnh ở tất cả các tỉnh, thành. Đồng thời, tổ chức việc thẩm định công nhận cho các vùng, cơ sở đạt tiêu chuẩn.

Do vậy, trong thời gian còn chờ có vùng sản xuất an toàn, Cục Thú y kiến nghị, nên tập trung vốn đầu tư trọng điểm và đồng bộ tất cả các khâu, từ con giống, chế biến thức ăn gia súc, thuốc thú y, xây dựng các trại chăn nuôi tập trung theo quy trình khép kín. Theo TS. Bùi Quang Anh, cứ hai năm một lần kiểm tra lại các vùng nuôi, nếu vi phạm điều kiện vệ sinh an toàn sẽ bị rút giấy chứng nhận.

Đối với các lò giết mổ tập trung, cần quy hoạch lại các xí nghiệp ở khu vực sông Hồng. Mỗi tỉnh, thành chỉ nên có một xí nghiệp giết mổ lợn xuất khẩu gắn liền với vùng nguyên liệu. Đã đến lúc thành lập Hiệp hội xuất khẩu thịt để tránh tình trạng tranh mua, tranh bán nguyên liệu, dẫn tới nguy cơ mất thị trường. ''Với khoảng 130 lò mổ, hàng chục nghìn lò giết mổ hiện nay, chúng ta không thể kiểm soát được chất lượng. Vấn đề là cơ quan nào sẽ quản lý, giám sát hoạt động của các lò giết mổ này'', TS. Anh nói.

Thịt lợn xuất khẩu phải đảm bảo các yếu tố:

- Phải được lấy từ trang trại, nuôi trong vùng không có bệnh lở mồng long móng, dịch tả lợn.
- Trang trại chăn nuôi phải áp dụng các biện pháp thực hành chăn nuôi tốt, như phải kiểm soát thức ăn, nước uống, môi trường chăn nuôi và áp dụng phòng bệnh sinh học (không sử dụng kháng sinh, khử trùng thường xuyên cho trang trại... ).
- Xí nghiệp giết mổ phải đạt tiêu chuẩn GMP, áp dụng chương trình HACCP.

  • Hà Yên
  Gửi tin qua Mobile Gửi tin qua E-mail In tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC:
Giá vàng thế giới tăng vọt (10/05/2003)
Chỉ lập hải quan ngoài cửa khẩu khi hàng hóa bị ách tắc (10/05/2003)
C/O giả - hiểm họa cho hàng xuất khẩu Việt Nam (10/05/2003)
Không có chuyện đóng cửa khu chợ của người Việt ở Nga! (09/05/2003)
Khởi công xây dựng hầm đường bộ qua Đèo Ngang (09/05/2003)
Đồng loạt tạm ngưng mua mật ong (09/05/2003)
Sự thật về két sắt hiệu Huyndai (09/05/2003)
Xe máy có thể phải chịu thuế TTĐB đến 30% (09/05/2003)
Vẫn bị động trong cảnh báo dịch bệnh thuỷ sản (09/05/2003)
Giá gạo xuất khẩu tăng (09/05/2003)
Thị trường thịt lợn xuất khẩu đang bị thu hẹp (08/05/2003)
Phải bán hết phân bón dự trữ trước 31/7 (08/05/2003)
Du lịch Việt Nam mất 1 triệu du khách? (08/05/2003)
Hà Nội sắp ban hành cơ chế đấu thầu vận tải công cộng (08/05/2003)
Xem tiep Tro ve dau trang