Thuỷ lợi xóa đói nghèo cho hàng nghìn hộ dân
15:19' 07/05/2003 (GMT+7)

(VietNamNet) - Tại hội thảo quốc gia "Chiến lược can thiệp xóa đói giảm nghèo trong nông nghiệp được tưới ở Việt Nam'', diễn ra trong hai ngày 6-7/5, tại Hà Nội, Phó Cục trưởng Cục Quản lý nước và công trình thuỷ lợi (Bộ NN-PTNT), ông Nguyễn Xuân Tiệp, cho biết, nhờ thuỷ lợi, hệ số sử dụng đất đã tăng từ 1,3 lên 2,2, đặc biệt, có nơi tăng lên 2,7, góp phần tăng sản lượng lúa trong cả nước.

Nếu năm 1998, tại 21 tỉnh thành có 9,3 triệu người thiếu ăn, chiếm 39,5% nhân khẩu nông nghiệp (trong đó, 3,6 triệu người bị đói gay gắt), thì hiện nay, theo ông Tiệp, nạn đói kinh niên đã không xảy ra. GDP ngành nông nghiệp năm 2000 tăng 5,3 lần so với năm trước đó. Giá trị xuất khẩu trên giá trị sản xuất của ngành nông lâm thuỷ sản tăng từ 16,2% (1990) lên 35,4% (2000). Đã hình thành các vùng sản xuất nông nghiệp tập trung quy mô lớn, đảm bảo an toàn lương thực, thực phẩm cho cả nước và xuất khẩu.

''Thực tế nhiều năm qua khẳng định: Nơi nào thuỷ lợi phát triển, nơi đó đời sống về vật chất và tinh thần của người dân được nâng cao, an ninh chính trị, xã hội được ổn định, tình trạng đói nghèo từng bước được xóa hẳn'', ông Tiệp nói.

TS. Nguyễn Hải Hữu, Vụ trưởng Vụ Bảo trợ xã hội (Bộ LĐTB-XH), sau khi đưa ra ví dụ cụ thể về thuỷ lợi xóa đói nghèo tại Bạc Liêu, nhận định, thành công mà tỉnh này có được là nhờ đã chuyển từ trồng lúa sang nuôi tôm theo kiểu sản xuất hàng hóa, với vai trò quan trọng của hệ thống kênh mương dẫn nước cho trên 100.000ha nuôi tôm và cơ chế Nhà nước, nhân dân cùng làm. Do vậy, trong khi tốc độ giảm nghèo của vùng ĐBSCL chỉ khoảng 2,5% năm 2002 thì Bạc Liêu đạt 4,12%, một số tỉnh khác như Cần Thơ chỉ 1%, An Giang 1,16%, Bến Tre 1,2%.

Hiện nay, Việt Nam có trên 8.000 công trình thuỷ lợi các loại, trong đó, hơn 700 hồ chứa loại vừa và lớn; hàng nghìn hồ, đập loại nhỏ, có giá trị tương đương trên 100.000 tỷ đồng, cung cấp nước tưới cho 3 triệu ha diện tích đất canh tác, gồm 7 triệu ha đất trồng lúa phục vụ xóa đói giảm nghèo.

Song, theo điều tra của Viện Khoa học thuỷ lợi tại 14 công ty khai thác công trình thuỷ lợi thuộc các vùng miền núi, trung du và đồng bằng Bắc Bộ, mức thu thuỷ lợi phí hiện nay quá thấp. Nếu so với giai đoạn trước, các tỉnh quyết định mức thu theo Nghị định 112, thì đến nay, năng suất lúa bình quân tăng 2-2,4 lần. Thuỷ lợi phí không tăng, trong khi giá điện bơm nước tăng nhiều (so với giá điện của 9/1993 gấp 3 lần). Đó là chưa kể đến yêu cầu phục vụ ngày càng cao do diện tích đất nông nghiệp tăng, cơ cấu cây trồng thay đổi, giống lúa thay đổi và hệ số quay vòng của đất cũng tăng 2-2,5 lần.

TS. Nguyễn Hải Hữu cho rằng, cơ chế cùng san sẻ trách nhiệm về tài chính, nguồn lực chưa được quan tâm đúng mức, các xã chủ yếu vẫn dựa vào ngân sách nhà nước hỗ trợ, việc huy động nội lực tại chỗ còn hạn chế. Một số tỉnh có sự đột phá về cơ chế san sẻ trách nhiệm nhà nước và nhân dân cùng làm trong đầu tư cơ sở hạ tầng nói chung, kiên cố hóa kênh mương nói riêng như Tuyên Quang, Phú Thọ, Thanh Hóa, Lào Cai... sau 2-3 năm, tỷ lệ nghèo đói giảm nhanh do nhân dân chủ động được tưới tiêu, sản xuất được 2-3 vụ, năng suất lao động tăng, thu nhập cao hơn, cuộc sống được cải thiện đáng kể.

Còn ông Nguyễn Xuân Tiếp thì đánh giá, các cơ chế, chính sách chuyên ngành ban hành thiếu kịp thời, thiếu đồng bộ, khó thực thi, hiệu lựa chưa cao, nặng bao cấp, chưa tạo được tính tự chủ cho các đơn vị quản lý tài chính. Do đặc điểm của công trình thuỷ lợi, nếu muốn phát huy hiệu quả cao, phải đầu tư xây dựng khép kín. Lâu nay, do chính sách thiếu cụ thể, hiệu lực thấp nên phần lớn Nhà nước tự đầu tư, phần địa phương và dân hầu như chưa được thực hiện, chưa nói đến suất đầu tư trong những năm trước đây quá thấp, không vượt 1.000-1.500 USD/ha. Vì vậy, có những hệ thống công trình đã hoàn thiện trên 20 năm nay, song cấp kênh nhánh cuối cùng và kênh mặt ruộng chưa được đầu tư xây dựng, nên hệ thống mới phát huy ở mức thấp (dưới 50%), chưa có hiệu quả.

Tổng kinh phí của các dự án chuẩn bị đầu tư, tu sửa, nâng cấp hệ thống công trình thuỷ lợi trong nước lên tới 20.000 tỷ đồng. Với khả năng đầu tư hiện nay, phải sau 20 năm nữa, Việt Nam mới sửa chữa xong các công trình này.

Theo TS. Eric Biltonen (Viện Quản lý nước quốc tế - IWMI), Dự án Chiến lược can thiệp xóa đói giảm nghèo trong nông nghiệp được tưới ở Việt Nam, dưới sự tài trợ của Ngân hàng ADB, được bắt đầu thực hiện từ 5/2001 và vừa kết thúc giai đoạn 1. Dự án này nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế các vùng nông thôn và xóa đói nghèo; đồng thời, đem lợi lợi ích cho người dân nghèo tại những vùng có tưới năng suất thấp.
  • Hà Yên
  Gửi tin qua Mobile Gửi tin qua E-mail In tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC:
TP.HCM hỗ trợ đăng ký bảo hộ 1.000 nhãn hiệu (07/05/2003)
Hà Nội huỷ hợp đồng thuê đất tạm của 1.770 đơn vị (07/05/2003)
TP.HCM: Tín dụng tăng trưởng nóng (07/05/2003)
Việt Nam xin đăng cai Hội nghị Gạo quốc tế 2003 (07/05/2003)
Giải phóng hàng ngay không chờ kết quả giám định (07/05/2003)
USD mất giá có ảnh hưởng đến kinh tế Việt Nam? (07/05/2003)
Vận tải xe buýt được hưởng nhiều ưu đãi (07/05/2003)
Dầu khí Việt Nam góp vốn đầu tư mới dưới hình thức mới (06/05/2003)
Siemens ra mắt điện thoại A55 (06/05/2003)
DN xuất khẩu được hoàn thuế GTGT dù chưa đủ hồ sơ (06/05/2003)
San Miguel xây dựng nhà máy 100 triệu USD tại Việt Nam (06/05/2003)
Kiến nghị áp 5% mức phụ thu phân bón nhập khẩu (06/05/2003)
Tiếp tục tăng thuế nhưng chưa giảm giá bán lẻ xăng dầu (06/05/2003)
Việt Nam sẽ xuất 160.000 tấn gạo sang Iraq (06/05/2003)
Xem tiep Tro ve dau trang