|
Đến tháng 8, tháng 9 đã hết hạn ngạch dệt may sang Mỹ? |
"Nếu căn cứ theo thời gian áp dụng hiệp định, doanh nghiệp chỉ cần xuất đến tháng 8, 9 năm nay là hết hạn ngạch, vì thực tế hạn ngạch áp dụng chỉ còn 2/3 của con số 1,7 tỷ USD. Hơn nữa, đến thời điểm này theo tôi biết giá trị xuất đi đã gần bằng 50% rồi" - ông Diệp Thành Kiệt, Tổng thư ký Hội Dệt may thuê đan TP.HCM nhận xét.
Trong khi đó, theo ông Lê Quốc Ân - Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas), do có một số chủng loại hàng (cat), doanh nghiệp Việt Nam chưa thể khai thác được, nên kim ngạch xuất sang Mỹ có thể sẽ không đạt hạn ngạch được phân bổ.
Ngoài vấn đề hạn ngạch, Hiệp định Dệt may Việt - Mỹ còn quy định nhiều vấn đề khác mà doanh nghiệp không thể không quan tâm. Ví dụ, chung quanh vấn đề gian lận thương mại, hiệp định nêu: cơ quan chức năng của Việt Nam đồng ý ngừng cấp thị thực cho những công ty ngăn cản việc tiếp cận của các cơ quan hải quan.
Nếu phía Việt Nam phát hiện ra hành vi gian lận, sẽ điều tra và thông báo kết quả cho Chính phủ Mỹ. Nếu phía Mỹ có bằng chứng rõ ràng, họ có thể khấu trừ vào phần hạn ngạch tương ứng của Việt Nam một số lượng không vượt quá số lượng hàng hóa gian lận. Nếu phía Mỹ có bằng chứng rõ ràng về vụ gian lận xảy ra trong vòng 12 tháng, thì phía Mỹ có thể phạt gấp ba lần vào hạn ngạch dệt may tương ứng của Việt Nam.
Cũng theo hiệp định, các hạn ngạch cụ thể có thể được điều chỉnh tăng lên không quá 6%/năm bằng cách điều chỉnh các hạn ngạch khác giảm xuống để tổng hạn ngạch không thay đổi. Các hạn ngạch cụ thể cũng có thể được điều chỉnh bằng cách "cho mượn" trước (vay một phần hạn ngạch của năm tiếp theo) hoặc chuyển tiếp (sử dụng những phần hạn ngạch chưa sử dụng của năm trước). Nhưng không có hạn ngạch nào được phép điều chỉnh quá 11%/năm.
Năm 2002, kim ngạch hàng dệt may Việt Nam xuất vào thị trường Mỹ đạt 952 triệu USD.
(Theo Thanh Niên) |