|
Sản phẩm gỗ sẽ tăng thêm giá trị nếu có chứng chỉ rừng. | (VietNamNet) - Nhằm bảo vệ nguồn tài nguyên rừng tự nhiên của Việt Nam trước nạn khai thác bừa bãi, cạn kiệt, đại diện Chính phủ Thụy Sĩ và Việt Nam, với sự hợp tác của WWF Chương trình Đông dương, đã khai trương Dự án Thúc đẩy quản lý rừng bền vững tại Việt Nam. Dự án này được thực hiện trong 3 năm.
Chiều nay (5/5), Đại sứ Thụy Sĩ tại Việt Nam, ông Thomas Feller, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Văn Đẳng và ông Eric Coull, Đại diện WWF Chương trình Đông dương, đã ký kết dự án.
Đây là dự án đầu tiên của Thụy Sĩ hỗ trợ về chứng chỉ rừng cho Việt Nam. Ban Thư ký nhà nước về quan hệ kinh tế Thụy Sĩ (seco) đã tài trợ 500.000 USD để hỗ trợ dự án, bảo tồn rừng nhiệt đới cũng như khai thác, kinh doanh lâm sản một cách hợp pháp, khuyến khích quản lý bền vững tài nguyên rừng. Gia Lai đã được chọn là địa điểm thử nghiệm việc xây dựng và thực hiện mô hình chứng chỉ rừng đầu tiên ở Việt Nam. Chứng chỉ rừng sẽ được đánh giá dựa trên các nguyên tắc và tiêu chí của Hội đồng quản lý rừng quốc tế (FSC).
Người tiêu dùng châu Âu rất muốn biết xuất xứ của hàng hóa họ mua. Nhiều người trong số họ sẵn sàng mua với giá cao nếu sản phẩm đó được đảm bảo rằng chúng không được làm từ gỗ buôn bán hoặc khai thác bất hợp pháp.
Để đạt được yêu cầu đó, dự án sẽ khuyến khích ngành chế biến gỗ Việt Nam sử dụng gỗ có chứng chỉ được sản xuất tại địa phương. Từ đó, dự án sẽ đem lại lợi ích cho những người sống dựa vào rừng tại vùng sâu, vùng xa, và đặc biệt là các khu vực nghèo. Điều quan trọng là chứng chỉ rừng sẽ mang lại giá trị lợi nhuận cao hơn cho những nhà sản xuất. Đại sứ Thomas Feller cho rằng, thông qua việc xây dựng nhãn mác chất lượng cho gỗ và các sản phẩm gỗ, việc bán chúng có thể tạo cơ may cho người dân địa phương có cơ hội trở thành một đối tác tích cực trong nền kinh thị trường quốc tế.
Cùng với WWF Chương trình Đông dương, dự án này có sự tham gia của 20 đối tác khác, như các cục, vụ về lâm nghiệp thuộc Bộ NN-PTNT, UBND tỉnh Gia Lai và ba tỉnh Tây Nguyên khác; các lâm trường quốc doanh; cộng đồng quản lý bảo vệ rừng; Tổ công tác quốc gia về quản lý rừng bền vững; ngành công nghiệp chế biến lâm sản và các nhà xuất khẩu lâm sản.
|