|
Ông Nguyễn Hữu Dũng. | ''Lẽ phải có thể không đem lại chiến thắng trước mắt, nhưng chắc chắn, lẽ phải sẽ chinh phục được trái tim. Tôi dám đánh cược với ông điều này'', đó là lời của Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), ông Nguyễn Hữu Dũng, với báo giới khi vụ kiện cá tra, basa đang tới hồi kịch tính, khi tín hiệu thương lượng giữa hai bên liên tục... nhấp nháy.
- Lịch sử làm ăn với Mỹ cho thấy, một khi Mỹ đã kiện chống phá giá, thì “dữ nhiều lành ít”. Giới am hiểu trong nước lo ngại khi thấy VASEP trong suốt vụ kiện đã tỏ ra hơi... "cương”. Mới đây VASEP vừa đưa tín hiệu thương lượng, ông có cho rằng tín hiệu đưa ra quá muộn?
- Cương hay nhu cũng phải tùy lúc... Khi nộp đơn kiện, Hiệp hội các nhà nuôi cá da trơn Mỹ (CFA) đòi "xử phạt” VASEP mức thuế 191,8%. Thương lượng với mức thuế như vậy, làm sao mà nói chuyện phải trái với nhau được. Tình thế lúc này lại khác. Sau gần một năm "so găng", CFA đâu còn thế như xưa nữa. Bộ Thương mại Mỹ mới đây đưa ra mức thuế sơ bộ, sau khi sửa lại do họ “tính sai", chỉ còn từ 31-63%. Ðó là chưa kể ở hậu trường, phía Mỹ còn bị nhiều sức ép khác. Việc thương lượng với nhau không bao giờ là quá muộn. Vấn đề là nháy tín hiệu vào thời điểm nào.
- Giả dụ mức thuế sơ bộ mà Bộ Thương mại Mỹ đưa ra trở thành chính thức, theo ông, các nhà chế biến trong nước có chịu đựng nổi để xuất philê cá sang Mỹ?
- Trong thời buổi cạnh tranh "trăm người mua, vạn người bán” này, chỉ chênh nhau về giá 5% đã khó bán, huống hồ là bị đánh thuế với mức thấp nhất đã là 31%, đừng nói gì đến DN Việt Nam mới "nhập làng" phải chịu tới mức 63,88%. Thuế đánh kiểu đó thì thà đem cá basa... mời người tiêu dùng Mỹ... "xơi miễn phí" còn hơn.
- Trong tín hiệu thương lượng đưa ra, VASEP mới chỉ đề cập tới hạn ngạch, thế còn thuế phạt phá giá thì sao? Giữa thuế phạt và hạn ngạch, theo ông cái nào... "dễ chịu” hơn?
- Nếu vụ kiện được chấm dứt bằng việc tự hạn chế hạn ngạch, mình sẽ không phải chịu thuế chống bán phá giá. Còn "cái nào dễ chịu hơn"? Theo tôi, thuế là nhân tố nhạy cảm nhất, vì nó đánh thẳng vào túi tiền của người tiêu dùng và tâm lý ngại ngần của các nhà nhập khẩu Hoa Kỳ. Nếu hạn ngạch đủ cao, sao cho không ảnh hưởng đáng kể đến sản xuất, thì gồng mình với hạn ngạch dễ thở hơn một chút. Dĩ nhiên, không hạn ngạch, không thuế phạt thì tốt nhất. Nhưng ở đời mà, mấy ai được cả.
- Giải pháp hạn ngạch ít nhiều sẽ kiềm hãm phát triển xuất khẩu cá. VASEP có nghĩ đến giải pháp nào khác, chẳng hạn vừa hạn ngạch vừa thuế phạt?
- Chắc chắn là việc áp dụng hạn ngạch sẽ có tác dụng kiềm chế bớt tốc độ phát triển quá nóng của nghề nuôi cá. Nhưng cần phải nói rõ rằng, trong trường hợp này, hạn ngạch chỉ liên quan đến một nhóm sản phẩm duy nhất là philê đông lạnh cá tra, basa mà thôi. Các sản phẩm khác của cá tra, cá basa, như cá nguyên con đông lạnh, cá lột da bỏ đầu, cá cắt khúc, cá khô, cá chín, cá đóng hộp, ngay cả philê tươi basa, tra... xuất sang Mỹ vẫn không bị hạn ngạch. Nghĩa là ta phải đa dạng hóa sản phẩm để né hạn ngạch. Ðừng độc diễn một món "độc chiêu” là philê đông lạnh. Ðộc chiêu thì hay thật, nhưng khi thị trường "trái gió trở trời" cũng rất dễ trở thành... "chiêu độc"!
- Thế ông không nghĩ đẩy mạnh hơn nữa xuất philê cá sang thị trường khác để giảm áp lực từ phía Mỹ sao?
- Chuyện đương nhiên rồi! Ngay sau khi thuế phạt sơ bộ có hiệu lực, Bộ Thương mại Mỹ đã qua Việt Nam kiểm tra. Kiểm tra thì cứ kiểm tra, nhưng giá cá tra, cá basa nguyên liệu đâu có chịu giảm. Điều này lệ thuộc vào một thị trường, không riêng gì thị trường Mỹ cũng đều nguy hiểm cả. Họ mà lên cơn "nóng" thì mình cũng bị... "lạnh". Nói vậy, chứ các DN của mình thuộc loại “Hàn Tín dựa sông đánh giặc" rất chiến. Tôi không nói kiểu "A.Q" đâu, là chính tôi đã chứng kiến điều đó, ít nhất cũng trong ngành thủy sản. Họ không chỉ đa dạng thị trường, mà còn đa dạng khách hàng bởi vậy doanh số xuất năm ngoái mới vượt qua 2 tỷ USD.
- Giả dụ giải pháp hạn ngạch được các bên chấp thuận, thì chuyện phân chia hạn ngạch giữa các DN thế nào?
- Phép "chia" mà, bao giờ chả khó hơn là phép "nhân". Vì là chuyện “mới" ở ta, nên việc phân chia hạn ngạch giữa các DN không tránh khỏi những khó khăn nhất định. Tuy nhiên, tôi tin các thành viên của VASEP biết cách làm phép “nhân" trong tinh thần cộng đồng, để cùng nhau tìm ra phép "chia" hợp lý nhất.
- Tự đề xuất hạn ngạch, thưa ông phải chăng VASEP tự thú rằng, mình có hơi... phá giá một chút?
- Hạn ngạch tự nguyện, hay nói nôm na là nhà sản xuất quyết định bán ít hàng ra thị trường là để giữ giá hay là vì lý do khác. Ông không thấy thỉnh thoảng OPEC hạn chế sản xuất dầu sao. Việc VASEP tự nguyện đề nghị Chính phủ Việt Nam áp đặt hạn ngạch là chuyện "riêng" của phía Việt Nam, không phải do phía ngoài áp đặt. Ðây là “quyền của người bán". Bán bao nhiêu, bán cho ai, bao giờ bán, người bán có quyền quyết định, miễn sao có lợi cho doanh nghiệp của mình và cộng đồng, tương quan thế và lực giữa mình và đối tác trên thương trường. Việc VASEP tự giảm lượng bán ra đâu có nghĩa "mình thừa nhận đã bán phá giá".
- Trả lời báo chí mới đây, ông có nói "VASEP đề xuất áp dụng hạn ngạch và thỏa thuận đình chỉ vụ kiện là hai chuyện hoàn toàn khác nhau". Phải hiểu câu nói này như thế nào? Trong khi thỏa thuận đình chỉ vụ kiện đâu có tùy thuộc VASEP hay CFA, mà là giữa hai chính phủ Việt Nam và Mỹ.
- Thỏa thuận đình chỉ (Susspension Agreement - SA) là thỏa thuận giữa hai Chính phủ hai nước, trong đó Chính phủ của bên bị kiện chấp nhận quota và thường là cả giá sàn cho hàng nhập bị kiện, để đổi lấy việc Chính phủ bên kiện "tạm ngừng" không tiếp tục điều tra vụ kiện, không áp đặt các mức thuế chống bán phá giá cho việc nhập khẩu. Nếu SA xảy ra, chẳng khác nào mình "im lặng" thừa nhận đang ở thế bất lợi trong vụ kiện, hoặc tệ hơn là ngầm thừa nhận đã bán phá giá. Khi đó, Chính phủ Mỹ có quyền kiểm tra và giám sát Việt Nam thực hiện quota và giá sàn, nghĩa là phía Mỹ nắm quyền chủ động. Khác nhau giữa tự đề xuất áp dụng hạn ngạch và thoả thuận đình chỉ vụ kiện, đó là: quyền chủ động. Ðâu có ai muốn rơi vào thế “bị động", phải không?
Nếu một trong hai bên, hoặc là VASEP hoặc là CFA, không đồng ý thỏa thuận giữa hai chính phủ, thì vụ kiện sẽ được tiếp tục. Luật Mỹ cho phép như thế.
- Ông thay mặt VASEP đeo đuổi vụ kiện này cả hai năm nay rồi, từ hồi cá basa, cá tra bị tước cái tên gọi “catfish", xin được hỏi có tính riêng tư một chút, có bao giờ ông đặt cược niềm tin của mình vào ý tưởng: lẽ phải luôn luôn chiến thắng trong vụ kiện "catfish" này không?
- Lẽ phải không phải lúc nào cũng thắng trong các cuộc "đấu tranh", từ những cuộc tranh luận bên bàn trà đến cuộc chiến bằng vũ khí. Vụ kiện "catfish" này đầy rẫy những vô lý. Cực kỳ vô lý từ cái tên gọi "catfish" bị tước đoạt, chẳng khác nào con chó con của Mỹ không được phép gọi con cún Mỹ nếu bước vào Việt Nam. Rồi cho đến kiện phá giá. Tất cả đều diễn ra trên đất Mỹ, theo luật Mỹ, do chính quyền Mỹ phân xử.
- Xem ra ông hơi... nao núng với lẽ phải?
- Không. Tôi tin vào lẽ phải. Lịch sử sớm muộn cũng lên tiếng thôi. Nhưng trong cuộc chơi, chúng tôi phải làm tất cả những gì có thể để bảo vệ quyền lợi của thành viên VASEP. Cách đây 2 tiếng, tôi vừa nhận được thư của mục sư Ronald V. Mayer, Chủ tịch phong trào "Chiến dịch Quốc gia đòi Công lý và Hy vọng" (NCJH), đại diện cho cộng đồng người Mỹ gốc Phi ở Hoa Kỳ. Những người lao động nuôi cá nheo Mỹ trong tổ chức này muốn được kết bạn với VASEP và phát triển cơ hội kinh doanh trong cộng đồng người Mỹ gốc Phi, nhằm chế biến và phân phối sản phẩm cá tra, cá basa của Việt Nam tại Mỹ. Ông thấy đấy! Lẽ phải có thể không đem lại chiến thắng trước mắt, nhưng chắc chắn, lẽ phải sẽ chinh phục được trái tim. Tôi dám đánh cược với ông điều này.
(Theo Thế giới) |