Sẽ phải thuê mặt nước biển để nuôi thủy sản
06:58' 26/04/2003 (GMT+7)
Cá nhân, tổ chức sẽ được cấp giấy chủ quyền diện tích mặt nước biển đối với NTTS.
(VietNamNet)
- Một trong những điểm mới cơ bản của Dự thảo Luật Thuỷ sản, được đưa ra xin ý kiến tại Ủy ban Thường vụ Quốc hội hôm qua (25/4), là việc quy định giao/cho thuê quyền sử dụng mặt nước biển để nuôi trồng thuỷ sản (NTTS). Sẽ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng mặt nước cho các tổ chức, cá nhân NTTS, dù trên thực tế, việc này đã được thực hiện từ lâu, tại nhiều địa phương.

Theo Dự thảo Luật Thuỷ sản, việc giao, cho thuê mặt nước biển để NTTS phải được thực hiện theo quy hoạch. UBND cấp huyện không thu tiền sử dụng mặt nước biển cho cá nhân sinh sống tại địa phương, trực tiếp NTTS và sống dựa vào nghề này. Việc cho thuê chỉ được thực hiện đối với các tổ chức, cá nhân sử dụng mặt nước biển để NTTS theo dự án được Nhà nước xét duyệt. Đối với các đối tượng đang sử dụng trước khi Luật có hiệu lực thì phải chuyển sang thuê khi hết thời hạn được giao.

Các tổ chức, cá nhân nước ngoài thuê mặt nước biển để NTTS theo dự án được cơ quan nhà nước có thẩm quyền của Việt Nam xét duyệt. Theo Bộ trưởng Tạ Quang Ngọc, việc có nên chỉ giới hạn ở mức độ cho phép trong khuôn khổ hợp tác, liên doanh với tổ chức, cá nhân trong nước hay không còn đang được Bộ Thuỷ sản cân nhắc.

Tổ chức, cá nhân, khi được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng mặt nước, ngoài việc sử dụng để NTTS, còn được quyền thừa kế, sang nhượng, cho thuê lại, thế chấp để vay vốn sản xuất, kinh doanh theo quy định. Ngoài ra, còn được bồi thường khi Nhà nước thu hồi vì mục đích quốc gia trước khi hết thời hạn được giao, cho thuê.

Thời gian giao, cho thuê mặt nước biển tối đa 20 năm. Hết thời hạn giao, thuê, các tổ chức, cá nhân tiếp tục có nhu cầu sẽ được quyền tiếp tục sử dụng theo quyết định giao/hợp đồng thuê mới. Việc giao, cho thuê mặt nước biển sẽ được thực hiện theo quy định chi tiết của Chính phủ. Nhà nước sẽ thu hồi diện tích mặt nước biển cho thuê trong trường hợp sử dụng trái mục đích; quá 24 tháng liền mà không sử dụng để NTTS hay thu hồi vì mục đích quốc gia; người sử dụng tự nguyện giao trả.

Theo ông Đinh Xuân Thảo, Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Thuỷ sản ), trước đó, mặc dù Luật Đất đai đã có quy định đối với người sử dụng đất và đất có mặt nước sử dụng cho NTTS, tức là chỉ quy định đối với mặt nước ngọt, còn diện tích mặt nước biển thì chưa có luật nào quy định. Mặt khác, quan điểm đối với tài nguyên biển không chỉ dừng ở việc khai thác mà phải tổ chức, phát triển nuôi trồng. Dự kiến, diện tích mặt nước biển giao tối đa là 1ha và cho thuê là 10ha. Quy định này sẽ được đưa vào nghị định của Chính phủ, sau khi Luật có hiệu lực.

Một điểm mới khác của Dự thảo Luật Thuỷ sản lần này, theo ông Đinh Xuân Thảo, là quy định trong Điều 11 về nguồn tài chính để tái tạo lại nguồn thuỷ sản. Sẽ hình thành quỹ tái tạo nguồn lợi, Nhà nước hỗ trợ kinh phí một phần, còn lại do các tổ chức, cá nhân được hưởng lợi từ khai thác nguồn lợi thuỷ sản trực tiếp đóng góp. Dự kiến, phí này sẽ khoảng dưới 1% nguồn thu của các tổ chức, cá nhân này.

Ngoài ra, các tổ chức, cá nhân khai thác thuỷ sản với mục đích thương mại phải có giấy phép do Bộ Thuỷ sản cấp, thời hạn trong vòng 2 năm. Ban soạn thảo Luật cũng đề nghị quy định với các tàu cá khai thác xa bờ, Nhà nước bắt buộc chủ tàu mua bảo hiểm thuyền viên và thân tàu, vì hoạt động này đặc biệt có nhiều rủi ro.

Để Luật Thuỷ sản có tính thực thi

Theo Ủy ban KHCN-MT của Quốc hội, trong việc điểu chỉnh dự thảo Luật Thuỷ sản, cần đảm bảo tốt hơn tính toàn diện của hoạt động thuỷ sản. Nhìn chung, dự án luật còn nặng về điều chỉnh các hoạt động NTTS nước mặn, khai thác thuỷ sản trên biển, nhẹ về nuôi trồng, khai thác trong môi trường nước ngọt, nước lợ và vùng đất nhiễm mặn. Đề nghị bổ sung các quy định về giao, thuê, quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân sử dụng mặt nước nội địa để NTTS,  tạo cơ sở pháp lý cho việc đánh giá tài sản thế chấp và giải quyết tranh chấp trong NTTS.

Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cũng cho rằng, mặc dù quy định sẽ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng mặt nước biển nhưng Luật vẫn thiếu chế tài về trách nhiệm của Bộ Thuỷ sản, các cơ quan hữu quan trong việc lập, phê duyệt, quản lý quy hoạch, kế hoạch NTTS.

Bên cạnh đó, cần tăng cường tính khả thi của dự án luật. Dự thảo Luật còn nhiều điều khoản chung chung, mang tính nguyên tắc, ít nội dung cụ thể. Trong bối cảnh hoạt động ở nước ta còn tự phát, lại có nhiều vấn đề mới như giao và cho thuê mặt nước biển, phân cấp quản lý vùng biển ven bờ, điều tra ngư trường và nguồn lợi thuỷ sản... thì rất cần những quy định cụ thể, dễ hiểu, dễ điều chỉnh.Nên hạn chế tối đa việc giao cho Chính phủ hoặc Bộ Thuỷ sản quy định. Những quy định mang tính pháp quy còn phù hợp, đã được kiểm nghiệm trong thực tế thì nên nghiên cứu đưa vào trong luật.

Để tránh sự chồng chéo giữa các văn bản quy phạm pháp luật, không nên đưa vào Luật Thuỷ sản các quy định đã có, như vấn đề quan trắc, dự báo môi trường, giống thuỷ sản, phòng trừ dịch bệnh... dễ gây trùng lắp với các văn bản quy phạm khác. Cũng nên làm rõ trách nhiệm của Bộ Thuỷ sản, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ NN-PTNT trong các vấn đề này.

  • Hà Yên
  Gửi tin qua Mobile Gửi tin qua E-mail In tin Gửi phản hồi
TIN LIÊN QUAN:
Xuất khẩu thuỷ sản tiếp tục tăng
Siết chặt kiểm dịch hàng thuỷ sản XNK
Năm nay sẽ giải thể 3 DNNN ngành thuỷ sản
Phát triển thuỷ sản cần hơn 56.000 tỷ đồng
Thuỷ sản Việt Nam canh chừng rủi ro tiềm ẩn
5 giải pháp đẩy mạnh xuất khẩu thuỷ sản
CÁC TIN KHÁC:
Xuất khẩu vẫn trên đà tiến mạnh mẽ (25/04/2003)
DN Nhật đánh giá gì về môi trường kinh doanh Việt Nam? (25/04/2003)
Dệt may qua thị trường Lào để đi xa hơn (25/04/2003)
Mỹ rút thông báo đơn phương áp đặt hạn ngạch với dệt may VN (25/04/2003)
TP.HCM ưu tiên vốn cho 12 công trình trọng điểm (25/04/2003)
DN xe máy thờ ơ với số phận chính mình? (25/04/2003)
Công ty cổ phần Sài Gòn bị tước quyền vận tải hành khách (25/04/2003)
First Remit đến Việt Nam (25/04/2003)
Hôm nay (25/4), Mỹ đơn phương áp đặt hạn ngạch với dệt may VN? (25/04/2003)
Nhiều hãng hàng không giảm chuyến bay và giá vé (25/04/2003)
Thị trường thép vào cơn "sốt lạnh" (25/04/2003)
Cổ phần hóa DN vàng bạc đầu tiên (25/04/2003)
Kiến nghị phân bổ hạn ngạch tiêu thụ cho DN mía đường (25/04/2003)
"Quan hệ thương mại Việt Nam - Iraq thời hậu chiến sẽ khác về chất" (24/04/2003)
Xem tiep Tro ve dau trang