|
Bao giờ xe container có thể chạy mà không bị phạt? |
(VietNamNet) - Trong buổi hội thảo nhằm tìm ra giải pháp cho hoạt động của xe container trên tuyến quốc lộ 5, sau một hồi thuyết trình rất gay gắt và bức xúc, tất cả những gì các doanh nghiệp vận tải nhận được là sự "ghi nhận", sự "chia sẻ" và "cảm ơn" của đại diện các cơ quan chức năng. Nhưng bao giờ xe container có thể chạy mà không bị phạt? Đây vẫn là một câu hỏi lớn chưa lời đáp.
"Sẽ rất nhanh thôi" - Nhưng bao giờ?
Có nhận được lời mời của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), nhưng Cục Đăng kiểm (Bộ Giao thông Vận tải) và Cục Cảnh sát giao thông (Bộ Công an) đã không cử đại diện đến buổi gặp mặt này, dù đây là hai cơ quan quản lý liên quan trực tiếp đến hoạt động của xe container. Xuất hiện chỉ có một đại diện của Bộ Công an và các đại diện của Cục Giao thông đường bộ và Vụ Pháp chế (Bộ Giao thông Vận tải).
Ông Ngô Quang Thuấn, Cục phó Cục Giao thông đường bộ (Bộ Giao thông Vận tải) đã "chân thành cảm ơn ý kiến đóng góp của các doanh nghiệp". Ông hứa sẽ "ghi nhận và tập hợp lại báo cáo lãnh đạo Bộ", và tin rằng những khúc mắc liên quan đến hoạt động của xe container sẽ sớm chấm dứt. Nhưng bao giờ? "Việc ấy là do quyết định của Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải (GTVT)" - ông Thuấn nói.
Đại diện của Bộ Công an từ chối không tham gia phát biểu. Ông chỉ hứa là ghi chép đầy đủ các thắc mắc, khiếu nại để về báo cáo với lãnh đạo.
"Đây là cơ hội chúng tôi được nói những gì chúng tôi cần nói"
Với tư cách cá nhân, ông Thuấn, người từng là một giám đốc doanh nghiệp vận tải cho rằng Nhà nước nên xem xét lại việc cấp giấy phép lưu hành đặc biệt cho xe container theo từng tuyến đường. Nhưng các doanh nghiệp khác lại không đồng tình. Họ cho rằng nên bỏ hẳn cái gọi là "giấy phép lưu hành đặc biệt" đối với xe container - loại xe thông dụng và phổ biến trong một nền kinh tế hiện đại.
Các doanh nghiệp đều mong Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) và Bộ Công an sớm phối hợp ra một thông tư liên tịch giải quyết triệt để những vấn đề liên quan đến container. Ngày 16/4, Bộ GTVT có gửi công văn 1535GTVT-PCVT sang Bộ Công an, nhưng tới giờ vẫn chưa thấy phúc đáp. Vì vậy, xe container chạy trên đường vẫn bị công an phạt như thường.
Ông Trần Hữu Huỳnh, Trưởng ban Pháp chế của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) thông báo, VCCI sẽ gửi kiến nghị lên Thủ tướng và các Bộ liên quan. Ông cho rằng, cần có quy định cụ thể và chi tiết về trọng tải của xe; ngoài Hiệp hội Vận tải, các doanh nghiệp cũng cần sớm thành lập Hiệp hội Container.
Ngoài ra, các doanh nghiệp còn phàn nàn về tình trạng trên một quốc lộ dài 100 km từ Hải Phòng đến Hà Nội, xe vận tải phải dừng lại 7 lần tại các điểm bán vé, các trạm cảnh sát giao thông. Ông Lê Văn Nam, Giám đốc Công ty cổ phần Nam Phát cho rằng Bộ GTVT nên học tập Trung Quốc trong vấn đề này. Theo quy định của Chính phủ, cứ 70-100 km mới có một trạm soát vé. Nhưng riêng từ Hải Phòng đến Hải Dương, trên quãng đường 54 km đã có 2 trạm soát vé.
Ngược lại, ông Ngô Quang Thuấn và ông Nguyễn Tiến Giản, Phó Giám đốc Khu quản lý đường bộ 2 lại than phiền về cung cách làm ăn của doanh nghiệp. Các ông cho biết, không chỉ container, mà đa số các phương tiện vận tải đường bộ hiện nay đều chở vượt 1,5-3 lần trọng tải cho phép. Doanh nghiệp biết như vậy là hại xe, hại đường, không đảm bảo an toàn giao thông, nhưng thấy lãi nên vẫn tiếp tục làm.
Về phần mình, các doanh nghiệp phân bua, hiện giá cước vận chuyển quá thấp, bình quân khoảng 50.000 đồng/tấn/100 km. Chính vì giá thấp nên doanh nghiệp mới buộc phải chở quá tải, mài lốp, mài đường ra để sống. Ông Hà Văn Tiến, Giám đốc Công ty cổ phần thương mại dịch vụ tổng hợp Cảng Hải Phòng đề xuất, Cục Đường bộ, Bộ GTVT và Ủy ban Vật giá nên có biểu giá cước vận chuyển chung cho hàng hóa vận tải ôtô đường bộ.
|