(VietNamNet) - Bất chấp những ảnh hưởng tiêu cực của chiến tranh Iraq và dịch bệnh SARS, hàng Việt Nam vẫn được xuất khá mạnh. Tốc độ tăng trưởng có giảm đôi chút so với tháng trước, nhưng kim ngạch xuất khẩu cả 4 tháng vẫn tăng 36% so với cùng kỳ năm ngoái.
Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 4 đạt khoảng 1,56 tỷ USD, đưa tổng kim ngạch 4 tháng đầu năm lên 6,22 tỷ USD. Dệt may vẫn dẫn đầu danh sách các mặt hàng xuất khẩu chủ lực, với kim ngạch tháng 4 khoảng 250 triệu USD (giảm 20 triệu USD so với tháng 3). Có thể đây là một trong những hiệu ứng của quá trình đàm phán Hiệp định dệt may không thuận lợi với Mỹ.
Kim ngạch nhiều mặt hàng tiêu dùng khác cũng giảm nhẹ: giày dép đạt 165 triệu USD (so với 172 triệu USD trong tháng 3), cà phê đạt 31 triệu USD (so với 36 triệu USD trong tháng 3), hạt tiêu đạt 8 triệu USD (so với 12 triệu USD trong tháng 3)... Nguyên nhân chủ yếu là nhu cầu tiêu thụ tại nhiều thị trường sụt giảm do những lo ngại của người tiêu dùng về sự bất ổn của kinh tế toàn cầu trong bối cảnh ''nhạy cảm'' hiện nay. Tuy vậy, tính chung cả 4 tháng, kim ngạch của mặt hàng cà phê vẫn tăng rất khá (41% so với cùng kỳ năm 2002), nhờ giá cả tiếp tục biến động thuận lợi.
Trong khi đó, một số mặt hàng được dự đoán là chịu ảnh hưởng lớn của chiến tranh Iraq thì vẫn tăng đáng kể. Kim ngạch xuất khẩu gạo lên tới 86 triệu USD, trong khi tháng trước chỉ đạt 67 triệu USD. Đây là kết quả rất đáng khích lệ của những nỗ lực tìm kiếm thị trường mà Bộ Thương mại và các đầu mối xuất khẩu thực hiện trong thời gian gần đây, đặc biệt sau khi trúng thầu xuất gạo sang Philippines. Có thể nói, lỗ hổng tại thị trường Iraq không gây ảnh hưởng lớn đến mặt hàng này.
Tháng 4, hàng thủy sản có những tiến bộ đáng kể. Kim ngạch tăng từ 134 triệu USD hồi tháng 3 lên 150 triệu, cho thấy khả năng cạnh tranh của hàng Việt Nam ngày càng được nâng cao. Mặt khác, những động thái từ các vụ kiện bán phá giá cũng ít nhiều tạo ''tiếng vang'' cho hàng Việt Nam trên thị trường quốc tế.
Nhập siêu tăng, chỉ khu vực FDI xuất siêu
Tính chung 4 tháng, cả nước nhập siêu khoảng 1 tỷ USD (trong khi cùng kỳ năm ngoái, con số này là 763 triệu USD). Khu vực 100% vốn trong nước nhập siêu tới 1,7 tỷ USD. Trong khi đó, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tiếp tục khẳng định tiềm lực của mình với 716 triệu USD xuất siêu.
Tuy nhiên, đây không hẳn là dấu hiệu đáng lo ngại, bởi các doanh nghiệp trong nước đang cố gắng tăng cường năng lực sản xuất. Các mặt hàng được nhập khẩu nhiều nhất vẫn là tư liệu sản xuất: phôi thép, linh kiện, phụ tùng xe gắn máy, chất dẻo nguyên liệu, bông, sợi, hóa chất nguyên liệu...
|