(VietNamNet) - 170 công ty Nhật Bản có đăng ký hoạt động tại Việt Nam đã tham gia cuộc thu thập ý kiến về môi trường kinh doanh tại Việt Nam. Tại Hội nghị bàn tròn lần 5 về đầu tư và thương mại giữa hai nước tổ chức ở TP.HCM hôm nay (25/4), nhóm công tác số 1 đã công bố những ý kiến đáng chú ý về môi trường kinh doanh ở Việt Nam.
Môi trường đầu tư
85% các công ty hoan nghênh chính sách "một cửa một dấu" của việc cho phép đầu tư. Họ mong muốn chính sách này sẽ có chức năng hỗ trợ hiệu quả cho doanh nghiệp (DN). 85% DN hy vọng Bộ Kế hoạch - Đầu tư phối hợp với bộ ngành liên quan, trở thành cơ quan đầu ngành có sức mạnh hơn. 80% công ty cho rằng, hàng hoá sản xuất trong các khu công nghiệp được coi là "hàng nội địa".
Luật pháp
81% công ty quan tâm đến luật pháp hiện hành, bao gồm cả những mâu thuẫn của các luật liên quan. 71% công ty cho rằng, luật chính thức ban hành chậm. 67% DN lưu ý đến việc không có thoả thuận song phương. Về luật đầu tư nước ngoài, 63% công ty quan ngại về "quy định đồng thuận" trong cuộc họp Hội đồng quản trị (đối với phân công công tác, bổ nhiệm chủ tịch và phó chủ tịch). 47% công ty mong muốn được xoá bỏ quy định phải xuất khẩu 80% hàng hoá (vào thời điểm cấp phép đầu tư).
Đất đai
88% công ty muốn được xem các ghi chú về đăng ký niêm yết ở khu vực công cộng. 70% hy vọng việc giải toả nhà đất xúc tiến nhanh chóng. Hơn 80 DN mong sẽ giành quyền sở hữu đất đai cho người nước ngoài hoặc quyền sử dụng đất có thể là vật thế chấp để vay tiền ngân hàng. Con số công ty muốn thời hạn thuê đất kéo dài 100 năm chiếm 70%.
Sở hữu trí tuệ - chuyển giao công nghệ
Việc chuyển giao công nghệ phải dựa trên cơ sở đăng ký chứ không trên cơ sở cho phép (78% công ty tham gia ý kiến). Có 79% DN mong muốn chấm dứt ấn định lệ phí % phải trả cho việc sử dụng quyền sáng chế. 87% công ty hy vọng được bãi bỏ báo cáo thành tích.
Dựa trên cơ sở tổng kết ý kiến của các công ty, Hiệp hội doanh nghiệp Nhật Bản (JBAH) đưa ra kiến nghị cải thiện một số vấn đề như: Thuế thu nhập cá nhân với người nước ngoài cư trú tại Việt Nam còn cao. Giá cước điện thoại quốc tế chênh hơn nhiều với mặt bằng khu vực. Cơ sở hạ tầng về công nghệ thông tin chất lượng chưa cao. Sở hữu trí tuệ còn khá nhiều khe hở.
Nhóm công tác số 1 là nơi mà Ban lãnh đạo TP.HCM và Hiệp hội DN Nhật Bản (JBAH) thảo uận và đào sâu sự hiểu biết về việc cải thiện mội trường hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực quản lý, luật pháp, hạ tầng cơ sở (điện, viễn thông, chính sách hai giá), đất đai và sở hữu trí tuệ. |
|