Da giày ''xuất'' nhanh nhưng không chắc
17:26' 24/04/2003 (GMT+7)
Da giày luôn có kim ngạch xuất khẩu cao.

(VietNamNet) - Da giày, một trong những mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam đã tăng trưởng khá nhanh chóng trong quý đầu của năm 2003. Tuy nhiên, sự tăng trưởng này không vững chắc, vẫn còn những "mảng xám" trong bức tranh sản xuất, xúc tiến thương mại...

Sáng nay (24/4), bên lề hội thảo Kỹ năng tham dự hội chợ triển lãm quốc tế dành cho DN da giày, phóng viên VietNamNet đã có cuộc trao đổi với ông Trần Mạnh Thư - Chủ tịch Hiệp hội da giày Việt Nam.

- Ông có thể cho biết tình hình hoạt động của các doanh nghiệp (DN) da giày Việt Nam quý đầu năm 2003?

- Quý I/2003, kim ngạch xuất khẩu da giày của Việt Nam đạt 544 triệu USD, tăng 26% so với cùng kỳ. EU vẫn là thị trường lớn nhất của chúng ta, chiếm gần 80% kim ngạch. Xuất khẩu vào thị trường này đạt 391 triệu, tăng 21% so với quý I/2002. Xuất khẩu vào thị trường Mỹ tăng rất nhanh, đạt 61,5 triệu USD, gần gấp đôi so với cùng kỳ. Tuy nhiên, những con số trên là rất khiêm tốn nếu so với ngành dệt may. Vì vậy, chúng tôi hy vọng có những đột phá trong những tháng tới, mặc dù điều này là rất khó.

- Khả năng cạnh tranh của hàng da giày Việt Nam hiện nay như thế nào?

- Việt Nam đang đứng thứ hai trong số những nước xuất khẩu giày dép vào thị trường châu Âu, sau Trung Quốc. Số liệu gần đây nhất của chúng tôi là Trung Quốc chiếm 7,8%, Việt Nam chiếm 7,2% thị phần giày dép tại thị trường này. Sự chênh lệch này theo tôi không lớn và hàng hoá của chúng ta đủ khả năng cạnh tranh với hàng Trung Quốc. Nhưng không được phép chủ quan bởi hiện EU vẫn đang áp dụng một số hạn ngạch và mức thuế đặc biệt đối với hàng hoá Trung Quốc và cho Việt Nam hưởng GSP (thuế ưu đãi) với mức thuế cho giày dép chỉ là 70% so với thông thường. Trong tương lai, khi những hạn chế này bị dỡ bỏ thì sự cạnh tranh sẽ quyết liệt hơn nhiều.

Còn tại thị trường Mỹ, hàng Trung Quốc chiếm tới 80% trong khi chúng ta chiếm chưa đến 1%. Nguyên nhân chính là Mỹ không áp dụng hạn ngạch đối với ngành da giày, do đó yếu tố sức cạnh tranh có ý nghĩa quyết định. Hơn nữa, các DN của chúng ta cũng chưa có nhiều hiểu biết về thị trường này. Tuy nhiên, đây là thị trường rất tiềm năng và hiện có mức tăng trưởng cao nhất (gần 100%).

- Nhưng phía Mỹ luôn đặt ra những quy định rất chặt về quy mô và năng lực sản xuất của các DN, DN da giày Việt Nam liệu có đáp ứng được các yêu cầu đó?

- Chắc chắn là ngành da giày cũng phải thích ứng với yêu cầu đó. Các nhà sản xuất da giày phải nhìn nhận 2 vấn đề: Thứ nhất là năng lực sản xuất, chất lượng sản phẩm, giao hàng... phải ở quy mô lớn; thứ hai là đáp ứng trách nhiệm xã hội của DN. Khi chúng ta mới tiếp cận thị trường này, nhiều DN cho rằng quy định trên là một hình thức rào cản. Nhưng đây chỉ là một dạng dư luận xã hội mà các DN phải ứng phó bởi đó là đòi hỏi mà chúng ta phải đáp ứng nếu muốn hội nhập kinh tế quốc tế.

- Liên quan đến việc Xúc tiến thương mại (XTTM), đâu là những khó khăn chủ yếu của DN Việt Nam trong việc tiếp cận thị trường và quảng bá thương hiệu?

- Chúng tôi đang đẩy mạnh XTTM, trong đó có việc quảng bá thương hiệu ra nước ngoài. Việc XTTM theo hướng quảng bá trên không đơn giản bởi có rất ít thương hiệu Việt Nam được coi là "có tiếng" trên thị trường quốc tế. Chúng tôi khuyến khích các DN tham dự các triễn lãm và hội chợ quốc tế để giới thiệu sản phẩm, tìm hiểu thị trường... Các doanh nghiệp cũng có thể qua đó tìm kiếm và thiết lập "đối tác thương mại" với những thương hiệu nổi tiếng để dần dần bước ra thị trường thế giới.

- Xin cảm ơn ông !

  • Quang Dũng
  Gửi tin qua Mobile Gửi tin qua E-mail In tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC:
Nhiều DN nhà nước thờ ơ với thương hiệu (24/04/2003)
Xuất 610 tấn gạo thơm đi Mỹ và Hongkong (24/04/2003)
Sắp có dịch vụ gọi điện thoại qua Internet (24/04/2003)
Giá mật ong giảm mạnh (24/04/2003)
DN "nghẹn hàng" ở cảng Hải Phòng đã "dễ thở" hơn (24/04/2003)
Linh kiện xe máy nhập vượt công suất chịu thuế 60% (24/04/2003)
Doanh nghiệp vẫn nhức đầu về chuyện đất đai (24/04/2003)
Cuộc đua mới trên thị trường ôtô (24/04/2003)
Việt Nam cần có mô hình khu công nghiệp mới (23/04/2003)
Nguy cơ chiến tranh và dịch bệnh giữ giá vàng (23/04/2003)
Đóng cửa 5 cửa hàng Masan Mart cuối cùng (23/04/2003)
Nho sạch Ninh Thuận khủng hoảng đầu ra (23/04/2003)
Giấy Bãi Bằng sẽ tạm ngưng sản xuất (23/04/2003)
''Không để sốt giá lương thực, xăng dầu, xi măng'' (23/04/2003)
Xem tiep Tro ve dau trang