Doanh nghiệp vẫn nhức đầu về chuyện đất đai
08:54' 24/04/2003 (GMT+7)

(VietNamNet) - Trong khi hầu hết các loại tư liệu sản xuất đều đã trở thành hàng hóa và mọi doanh nghiệp đều có thể dễ dàng tiếp cận, thì đất đai vẫn luôn làm họ ''nhức đầu'' vì tính chất ''tế nhị'' của nó. Có cách nào gỡ khó cho họ không?

Đất không dành cho người nghèo

Có thể gọi các doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNN&V) là những ''người nghèo'' trong giới kinh doanh. Thiếu vốn, thiếu thông tin, lời nói thiếu trọng lượng..., họ thường gặp muôn vàn khó khăn khi tìm đất để sản xuất, kinh doanh. Ông Lê Tuấn Hải, Tổng Giám đốc Công ty Kỹ nghệ và Hạ tầng tâm sự: ''Những doanh nghiệp (DN) nhỏ như chúng tôi gần như không biết thông tin gì về đất đai, nếu biết thì cũng đã muộn, đất đã về tay người khác. Đất của các dự án thì Chính phủ đều giao cho các DN lớn, các Tổng Công ty 90-91, có thể nói đó là đặc quyền đặc lợi cho một số ít DN may mắn''.

Khi được hỏi, vì sao các DNN&V không thuê đất trong các KCN, KCX, ông Hải cho biết, không mấy DN nhỏ đủ điều kiện tài chính để ''kham'' tiền thuê đất, vốn không rẻ chút nào. ''Mà đã thuê đất của KCN thì phải thuê 5-7ha, trong khi DN nhỏ chỉ có nhu cầu 1-2ha mà thôi''.

Một nguyên nhân khác khiến DNN&V khó tìm đất sản xuất, theo ông Nguyễn Hoàng Lưu, Tổng thư ký Hiệp hội các DNN&V Hà Nội, là do cơ chế thực hiện việc cho thuê, trao quyền sử dụng đất cho DN chưa tốt. Vẫn còn nhiều cán bộ, công chức lợi dụng ''miếng bánh màu mỡ'' này để trục lợi.

''Thiếu đất, chúng tôi khổ sở vô cùng''

Ông Huỳnh Xuân Long, Giám đốc Công ty Xương rồng Huỳnh Long tâm sự như vậy. ''Chủ trương Nhà nước thì đúng, nhưng cấp xã, huyện lại làm sai. Để có mặt bằng sản xuất, DN phải chịu trăm đường khổ ải. Nào phải xin xã, huyện, nào những rào cản giấy tờ và thủ tục hành chính, đến mức chúng tôi cảm thấy cái mặt bằng như những hố chôn chân DN. Vốn của DNN&V rất hạn hẹp, cứ đổ vào mặt bằng, cơ sở hạ tầng, đến khi cần vốn để làm ăn thì chúng tôi lại không vay được ai'', ông Long bức xúc.

Cơ sở của ông Long tập hợp được khá nhiều giống xương rồng ngoại nhập, sản xuất ra bao nhiêu đều tiêu thụ rất nhanh chóng. Ông lập kế hoạch trồng cây trong nhà kính, năng suất dự kiến rất cao, nhưng mấy năm rồi chưa xin được đất. ''Đi tư vấn, họ cho biết, phải nộp khoảng 550 triệu mới có được mặt bằng trên 1ha đất. Làm sao một DN như chúng tôi kham nổi số tiền đó'', ông Long than phiền.

Ông cho biết, ở các nước, làm nhà kính là việc rất bình thường, không có gì rắc rối. ''Trong khi đó, ở Việt Nam, chúng tôi phải xin đủ thứ giấy phép, lắm đường lắm lối đến độ chúng tôi cảm thấy càng ngày càng rắc rối thêm. Đến lúc này, tôi nghĩ rằng không thể theo đuổi dự án này được nữa'', ông Long nói.

DN của ông Long cũng không thể vào KCN, bởi ''chỉ một số ngành nghề nhất định mới được vào KCN, chủ yếu là sản xuất công nghiệp. DN chúng tôi trồng cây trong nhà kính, làm sao vào đấy được? Muốn thuê đất ở ngoài cũng dở, bởi Luật Đất đai quy định giao đất cho cá nhân, tổ chức sản xuất nông nghiệp ở địa phương. Chúng tôi ở Hà Nội, rất khó đi thuê đất ở các tỉnh. Một đối tác Pháp của chúng tôi, chuyên nhập khẩu xương rồng vào Pháp, khi nghe tôi kể những ''đoạn trường'' ấy, tỏ ra rất buồn cười vì họ không hiểu tại sao ở Việt Nam làm ăn khó thế''.

Đấu giá quyền sử dụng đất - cơ hội cho DNN&V

Những cuộc bán đấu giá quyền sử dụng đất vừa rồi ở TP.HCM và Hà Nội được giới doanh nhân coi là sự kiện lớn. Ông Huỳnh Xuân Long cho rằng, bán đấu giá quyền sử dụng đất là hình thức rất phù hợp để đất đai được sử dụng một cách hiệu quả hơn. ''Vấn đề là phải các thông tin về cuộc đấu giá phải được công bố công khai, minh bạch trên các phương tiện thông tin đại chúng, để các DN được cạnh tranh bình đẳng với nhau. Hiện việc đấu giá được tiến hành ngầm tại các địa phương, muốn tham gia thì chúng tôi phải, nói thẳng ra là hối lộ chính quyền xã, huyện...'', ông Long cho biết. Ông cũng khẳng định, Hà Nội có nhiều lô đất vừa và nhỏ, UBND có thể tổ chức đấu giá theo từng mức 1-2-3 ha... để DN lựa chọn.

  • Trịnh Hằng
  Gửi tin qua Mobile Gửi tin qua E-mail In tin Gửi phản hồi
TIN LIÊN QUAN:
Đem Luật Đất đai ra cho dân góp ý
Sắp có thanh tra chuyên trách về đất đai
Chống đầu cơ đất đai như thế nào?
VietNamNet - Dự luật Đất đai xóa bỏ tàn dư cuối cùng của cơ chế bao cấp
CÁC TIN KHÁC:
Cuộc đua mới trên thị trường ôtô (24/04/2003)
Việt Nam cần có mô hình khu công nghiệp mới (23/04/2003)
Nguy cơ chiến tranh và dịch bệnh giữ giá vàng (23/04/2003)
Đóng cửa 5 cửa hàng Masan Mart cuối cùng (23/04/2003)
Nho sạch Ninh Thuận khủng hoảng đầu ra (23/04/2003)
Giấy Bãi Bằng sẽ tạm ngưng sản xuất (23/04/2003)
''Không để sốt giá lương thực, xăng dầu, xi măng'' (23/04/2003)
Giá tiêu dùng tháng 4 ổn định (23/04/2003)
Bỏ giá tính thuế tối thiểu đồ uống có cồn nguồn gốc từ EU (23/04/2003)
Tạm dừng Tuần lễ Du lịch Hạ Long (23/04/2003)
Ngày 25/4, khai mạc triển lãm xây dựng Việt Nam 2003 (23/04/2003)
"Đất sống" của bưởi Năm Roi bị thu hẹp (23/04/2003)
Sắp có cơ chế mới quản lý kinh doanh xăng dầu (23/04/2003)
Khai hải quan đối với bưu phẩm, bưu kiện XNK theo chuyến (23/04/2003)
Xem tiep Tro ve dau trang