(VietNamNet) - Theo Trung tâm Thông tin mạng Internet Việt Nam (VNNIC), hiện mới chỉ có khoảng 5% trong tổng số gần 70.000 DN Việt Nam đăng ký tên miền trên Internet. Trong khi đó, theo đánh giá của các chuyên gia, việc đăng ký tên miền là điều cần thiết, giúp các DN có một “danh xưng” trên Internet để quảng cáo thương hiệu, sản phẩm dịch vụ và mở rộng phạm vi giao dịch, tìm kiếm đối tác trên toàn cầu.
Thông thường, các DN Việt Nam đăng ký tên miền dưới dạng http://www.tendoanhnghiep.com.vn hoặc http://www.tengiaodich.com.vn. Nhưng giống như địa chỉ IP, các tên miền không được trùng lặp. Tổ chức, cá nhân nào đăng ký trước sẽ được cấp trước. Nếu DN “chậm chân” trong việc đăng ký tên miền thì rất có thể đến lúc cần, DN sẽ không thể có được tên miền như mong muốn.
Trên thực tế, đã có nhiều tổ chức, cá nhân vô tình hoặc cố ý đăng ký trùng tên thương hiệu của các doanh nghiệp, dẫn đến tình trạng tranh chấp hoặc mua bán lại tên miền. Tất nhiên, DN vẫn có thể đăng ký một tên miền khác, nhưng tên miền này có thể sẽ không phản ánh được tên hay hoạt động của doanh nghiệp. Vì vậy, ngay cả khi chưa có website riêng, các DN cũng nên đăng ký trước tên miền để “giữ chỗ” cho thương hiệu của mình trên mạng.
Để tìm hiểu thông tin về tình hình sử dụng tên miền tại Việt Nam, các DN có thể truy cập vào địa chỉ website http://www.vnnic.net.vn. Các DN cũng có thể đăng ký sử dụng các tên miền quốc tế như “.com”, “.net”... vì các tên miền trên Internet đều có tính pháp lý và khả năng quảng bá thương hiệu như nhau.
Đối với mạng Internet, do cách tổ chức chỉ có một cấp nên mỗi một chủ thể sử dụng địa chỉ Internet đều có một địa chỉ Internet duy nhất mà không được phép trùng với ai. Do địa chỉ IP được cấu trúc dưới dạng những chữ số thập phân khiến người sử dụng khó nhớ, nên cùng với địa chỉ IP bao giờ cũng có thêm một cái tên mang một ý nghĩa nào đó, dễ nhớ cho người sử dụng gọi là “tên miền” (domain name). Với tên miền này, người sử dụng không cần nhớ địa chỉ IP vẫn có thể truy cập vào Internet được. |
|