Đã thỏa thuận được những điều khoản chủ yếu của Hiệp định dệt may
18:25' 18/04/2003 (GMT+7)

(VietNamNet) - Ông Jim Leonard, phó trợ lý Bộ trưởng Bộ Thương mại Mỹ, người phụ trách công nghiệp dệt may và hàng tiêu dùng cho biết, Mỹ và Việt Nam vừa đạt được những thỏa thuận cơ bản trong hiệp định dệt may song phương. Hiện hai đoàn đàm phán đang tiếp tục thảo luận về những chi tiết cuối cùng của hiệp định.

Vòng đàm phán thứ hai của Hiệp định dệt may Việt-Mỹ diễn ra rất căng thẳng. Theo đúng lịch trình, hai phái đoàn sẽ làm việc trong ba ngày (9-11/4). Nhưng trên thực tế, vòng đàm phán đã kéo dài đến tận hôm nay (18/4), với nội dung chính là thảo luận về việc áp dụng hạn ngạch đối với những mặt hàng nào, và ở mức nào.

Trong vòng đàm phán thứ hai, Mỹ đã đề xuất mức hạn ngạch bằng 105-110% kim ngạch xuất khẩu dệt may của Việt Nam sang Mỹ từ tháng 2/2002 đến tháng 2/2003. Trước đó, tại vòng đàm phán thứ nhất, Mỹ đã đề xuất hạn ngạch trên cơ sở kim ngạch xuất khẩu từ tháng 11/2001 đến tháng 11/2002. Sự thay đổi này có lợi hơn cho Việt Nam, vì xuất khẩu dệt may Việt Nam sang Mỹ tháng 2/2003 tăng 60% so với tháng 11/2002.

Tuy nhiên, những tháng đầu năm 2002, ngành dệt may Việt Nam vẫn đang trong giai đoạn mở rộng năng lực sản xuất. Do đó, kim ngạch xuất khẩu từ tháng 2/2002 đến tháng 2/2003 không phản ánh được năng lực sản xuất và khả năng xuất khẩu thực tế của dệt may Việt Nam.

Chính các công ty bán lẻ và nhập khẩu hàng dệt may của Mỹ cũng chỉ trích mức hạn ngạch Mỹ muốn áp đặt là quá thấp, và được quyết định một cách vội vã. Họ cho rằng, Mỹ nên áp đặt hạn ngạch trên cơ sở năng lực sản xuất thực tế của Việt Nam, hơn là số liệu xuất khẩu của năm trước.

Một doanh nghiệp nhập khẩu hàng dệt may của Mỹ cho biết, mọi hạn ngạch dựa vào số liệu của năm trước đều không đủ để thực hiện các đơn đặt hàng đã ký cho năm 2003. Một công ty bán lẻ cũng dự đoán, nếu dựa trên cơ sở kim ngạch 2/2002-2/2003, hạn ngạch sẽ hết vào giữa năm, trước mùa thu là mùa cao điểm cho kinh doanh dệt may.

Về phần mình, Việt Nam đề xuất mức hạn ngạch 150-170% kim ngạch xuất khẩu giai đoạn 2/2002-2/2003. Đồng thời, Việt Nam phản đối áp đặt hạn ngạch cho quần cotton và áo dệt kim, vì đây là hai trong số các sản phẩm dệt may chủ lực của Việt Nam xuất sang Mỹ.

Hai bên cũng đàm phán về mức hạn ngạch đối với những mặt hàng hai bên đã thống nhất sẽ áp đặt hạn ngạch. Ngoài ra, phía Mỹ còn yêu cầu Việt Nam giảm thuế nhập khẩu đối với chỉ và vải để các công ty Mỹ có thể thâm nhập thị trường Việt Nam.

Theo bà Laura Jones, Giám đốc điều hành Hiệp hội các nhà nhập khẩu dệt may Mỹ (USA-ITA), phái đoàn đàm phán Mỹ đã tỏ ra không công bằng và thiếu thiện chí. Thông cáo báo chí tối ngày 14/4 của Hiệp hội các nhà nhập khẩu dệt may Mỹ (USA-ITA) thì cho rằng, sự nhân nhượng từ phía Mỹ là quá ít. Và phái đoàn đã tỏ ra thiếu thiện chí khi tuyên bố hôm nay sẽ là ngày đàm phán cuối cùng.

Trước khi bắt đầu vòng đàm phán, Thứ trưởng Bộ Thương mại Mỹ phụ trách các vấn đề thương mại quốc tế Grant D. Aldonas đã phát biểu, Mỹ sẽ đơn phương áp đặt hạn ngạch đối với hàng dệt may Việt Nam, nếu kết quả của vòng đàm phán không phải là một hiệp định đã được ký kết.

Sau một năm Hiệp định Thương mại song phương có hiệu lực, các doanh nghiệp Việt Nam đã xuất sang Mỹ 975 triệu USD hàng dệt may, chiếm 35,4% tổng kim ngạch xuất khẩu toàn ngành năm 2002. Hiện Mỹ đã trở thành thị trường lớn nhất của dệt may Việt Nam, vượt qua các thị trường truyền thống như EU, Nhật Bản...

  • Đặng Hương (tổng hợp)
  Gửi tin qua Mobile Gửi tin qua E-mail In tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC:
Mở rộng đối tượng được hưởng chế độ điện thoại công vụ (18/04/2003)
Hàng trăm DN tham dự triển lãm quốc tế lương thực thực phẩm (18/04/2003)
Kiến nghị cấp bổ sung 347,6 tỷ để chống hạn (18/04/2003)
''Sẽ sớm có nghị định về hiệp hội ngành nghề'' (18/04/2003)
Vinatex đã đủ hợp đồng cho cả năm (18/04/2003)
DN nước ngoài có thể gia nhập VCCI (18/04/2003)
Sắp có thanh tra chuyên trách về đất đai (18/04/2003)
Lệ phí đăng ký xe máy tăng lên 500.000-2 triệu đồng (18/04/2003)
Hoàn thành biểu thuế xuất, nhập khẩu theo chuẩn ASEAN (18/04/2003)
Quảng Nam: Nông dân vĩnh biệt nhà máy đường (18/04/2003)
Sẽ có nghị định về quản lý quy hoạch (18/04/2003)
Việt Nam có nhà máy mắt kính đầu tiên (18/04/2003)
Xin mở kho vàng tại Việt Nam (18/04/2003)
Những nét văn hoá cần chú ý của doanh nghiệp Nhật (18/04/2003)
Xem tiep Tro ve dau trang