''Sẽ sớm có nghị định về hiệp hội ngành nghề''
15:43' 18/04/2003 (GMT+7)

Cuối năm ngoái, Bộ Nội vụ đã trình Chính phủ dự thảo nghị định Chính phủ về quy chế hoạt động của các hiệp hội ngành nghề trong tình hình mới. Về tiến độ sửa đổi dự thảo cũng như hoạt động của các hiệp hội hiện nay, báo giới đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Ngọc Lâm, Vụ trưởng Vụ Các tổ chức phi chính phủ của Bộ Nội vụ.

Ông Nguyễn Ngọc Lâm.

- Ông đánh giá thế nào về hiệu quả hoạt động của các hiệp hội ngành nghề thời gian qua?

- Các hiệp hội gần đây đã phát triển nhanh hơn trước rất nhiều và tiếng nói của các hiệp hội thủy sản, ximăng, ngân hàng... đã trở nên có trọng lượng trong việc điều hoà lợi ích của các thành viên cũng như đấu tranh trước những rào cản thương mại của nước ngoài.

Mấy năm gần đây, chúng tôi đã cho phép thành lập nhiều hiệp hội DN có phạm vi hoạt động trên toàn quốc và trong số các hiệp hội của các tổ chức kinh tế hoặc doanh nghiệp ngành hàng hoạt động có hiệu quả hơn các hiệp hội khác. Qua đó, mối quan tâm của các DN đối với các hiệp hội cũng tăng lên...

- Nhưng trong cuộc gặp giữa Thủ tướng với các DN mới đây tại TP.HCM, hiệu quả của các hiệp hội trong việc hỗ trợ DN một lần nữa lại được xem là thiếu hiệu quả?

- Đúng là hoạt động của hiệp hội cũng còn nhiều tồn tại. Vai trò của nó đối với xã hội còn hạn chế vì chúng ta mới chuyển sang kinh tế thị trường. Khó khăn nữa là do hành lang pháp lý nói chung chưa đầy đủ. Từ những năm 50 đến nay chúng ta đã ban hành nhiều văn bản pháp lý điều chỉnh hoạt động của các hiệp hội nhưng chưa được hệ thống hoá, mặt khác những quy định hiện nay dành cho hiệp hội đều dựa vào các văn bản cũ dành cho các tổ chức quần chúng.

Tôi cho rằng hiệp hội là loại hình tổ chức mới, mô hình rất đa dạng, mỗi hiệp hội lại có đặc thù riêng nên hầu hết các hiệp hội chưa có kinh nghiệm về tổ chức và hoạt động. Một số hội viên lại chưa chủ động giúp đỡ, phối hợp hoạt động giữa các thành viên nhằm đấu tranh bảo vệ quyền lợi của các thành viên, nhất là trong quan hệ đối ngoại. Một số hiệp hội không vì lợi ích chung của các DN mà chỉ vì lợi ích của một số DN lớn, có xu hướng lợi dụng hiệp hội biến thành tổ chức độc quyền.

Hiện chúng ta chưa tìm ra mô hình phù hợp cho hoạt động của các hiệp hội. Chúng ta cũng chưa quen với phương thức hoạt động của các hiệp hội trong kinh tế thị trường, đó là chưa kể một số hiệp hội hoạt động dựa vào Nhà nước.

- Những nguyên nhân trên, theo ông, có xuất phát từ một thực tế là những người điều hành hiệp hội hầu hết là cán bộ nhà nước kiêm nhiệm?

- Cũng không hẳn là như thế. Vừa qua đã có một số hiệp hội thuê tổng thư ký là người không nằm trong ban chấp hành, trong khi chủ tịch hiệp hội lại bận nhiều việc, thành ra việc thuê người ngoài cũng không đem lại hiệu quả như mong muốn. Vì vậy, các hiệp hội này lại quay lại mô hình trước đây: Tổng thư ký là người của Nhà nước để đảm bảo sự quản lý.

Tôi thấy không nên quy định cứng nhắc ở chỗ này. Nếu hiệp hội nào thấy việc thuê tổng thư ký ở bên ngoài có lợi cho hoạt động thì thuê và ngược lại. Như VASEP, cả Chủ tịch và Tổng thư ký đều là người của Nhà nước, nhưng lại hoạt động rất tốt.

- Nhưng trong hội nghị của Bộ Thương mại hồi đầu năm nay, Bộ trưởng Thương mại Trương Đình Tuyển nói rằng ''trừ thời gian đầu mới thành lập, nói chung không sử dụng cán bộ quản lý nhà nước kiêm nhiệm công tác hội''?

- Tôi đã nói ở trên là không nên quy định cứng nhắc. Tuỳ theo hiệp hội ngành hàng và tầm quan trọng của nói đến vĩ mô như thế nào để xem xét, quyết định.

- Thưa ông, một số DN thành viên của hiệp hội nói rằng sở dĩ hiệp hội hoạt động không có hiệu quả trong thời gian qua là do Nhà nước đã đưa quá nhiều cán bộ kiêm nhiệm hoặc đã nghỉ hưu vào ban chấp hành?

- Đúng là có chuyện một số hiệp hội có nhiều cán bộ nhà nước đã nghỉ hưu đứng ra điều hành, nhưng thực tế việc bầu ai là do hội viên đảm trách. Nhà nước nếu cần thấy phải có cán bộ trong ban chấp hành cũng sẽ chỉ giới thiệu sang thôi, bây giờ không như ngày xưa, không có chuyện cử sang. Tất nhiên Nhà nước chỉ giới thiệu cán bộ của mình sang tham gia ban chấp hành các hiệp hội quan trọng thôi, còn việc bầu vẫn do các hội viên thực hiện.

- Bộ Nội vụ đã trình Chính phủ dự thảo nghị định về các hiệp hội, theo ông, điểm mới của nghị định này là gì, thưa ông?

- Nghị định này đã hệ thống hoá một số văn bản pháp luật trước đây quy định về hoạt động của các hiệp hội như điều kiện thành lập (theo dự thảo cần có ít nhất 11 thành viên), thủ tục thành lập, quyền và trách nhiệm của Bộ Nội vụ và các bộ chuyên ngành khách trong việc quản ký hoạt động của các hiệp hội. Chúng tôi đã trình Chính phủ từ cuối năm ngoái và dự kiến, Chính phủ sẽ ban hành trong quý II năm nay. Tôi cho rằng nghị định này sẽ được ban hành sớm hơn dự kiến.

Với nghị định này, các hiệp hội sẽ rõ hơn trong việc được làm gì, không được làm gì, làm cái gì không phải báo cáo với cơ quan nhà nước.

- Thưa ông, trong dự thảo mới này có cho phép các DN có vốn đầu tư nước ngoài được tham gia các hiệp hội?

- Tôi nghĩ Chính phủ sẽ phải thảo luận vấn đề này. Hiện nay tôi cũng chưa rõ vấn đề này sẽ được xử lý như thế nào. Có lẽ sẽ chỉ giới  hạn các DN này ở hội viên liên kết thôi.

- Một vấn đề khác cũng đang đặt ra là làm sao thu hút được cán bộ trẻ hay đội ngũ luật sư về  làm việc tại các hiệp hội?

- Điều trước tiên là hiệp hội phải có đủ nguồn kinh phí, muốn có kinh phí, phải huy động từ các hội viên. Để các hội viên đóng kinh phí, họ phải thấy hiệp hội có ích cho DN cũng như bảo vệ được quyền lợi của các DN thành viên.

(Theo TBKTSG)

  Gửi tin qua Mobile Gửi tin qua E-mail In tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC:
Vinatex đã đủ hợp đồng cho cả năm (18/04/2003)
DN nước ngoài có thể gia nhập VCCI (18/04/2003)
Sắp có thanh tra chuyên trách về đất đai (18/04/2003)
Lệ phí đăng ký xe máy tăng lên 500.000-2 triệu đồng (18/04/2003)
Hoàn thành biểu thuế xuất, nhập khẩu theo chuẩn ASEAN (18/04/2003)
Quảng Nam: Nông dân vĩnh biệt nhà máy đường (18/04/2003)
Sẽ có nghị định về quản lý quy hoạch (18/04/2003)
Việt Nam có nhà máy mắt kính đầu tiên (18/04/2003)
Xin mở kho vàng tại Việt Nam (18/04/2003)
Những nét văn hoá cần chú ý của doanh nghiệp Nhật (18/04/2003)
3 điều kiện cổ phần hoá DN có vốn đầu tư nước ngoài (18/04/2003)
Mức tăng trưởng của Việt Nam ít bị ảnh hưởng bởi SARS và chiến tranh Iraq (18/04/2003)
Sắp mở cổng giao dịch thương mại điện tử đầu tiên (17/04/2003)
Chỉ ICP được phép kinh doanh dịch vụ quảng cáo trên Internet? (17/04/2003)
Xem tiep Tro ve dau trang