(VietNamNet) - Một quan chức Tổng công ty Dệt May Việt Nam (Vinatex) cho biết, tất cả các công ty con của Vinatex đã tìm được đủ hợp đồng để đảm bảo việc sản xuất trong cả năm 2003.
Quý I/2003, mặc dù sản phẩm dệt may xuất khẩu Việt Nam sang Nhật Bản và các nước châu Á khác bị hạn chế, nhưng xuất khẩu sang Mỹ lại tăng 76,5% so với năm trước (doanh thu đạt 165,1 triệu USD). Trước đó, Vinatex đã thông báo mức tăng vững chắc với lợi nhuận ước tính ba tháng đầu năm 2003 là 22 tỷ đồng (1,5 triệu USD).
Sau cuộc đàm phán giữa tháng 2/2003 giữa Việt Nam và EU, Liên minh châu Âu đã chấp thuận thêm hạn ngạch dệt may đối với các loại cat nóng 50 - 75% và dự kiến sẽ tiếp tục tăng thêm số lượng tương tự vào năm 2004. Đại diện Sở Thương mại TP.HCM, ông Võ Minh Hoàng - chuyên viên phụ trách đặc biệt về quota, nhấn mạnh, ngay sau khi nhận được quyết định của Bộ Thương mại, Sở sẽ tiến hành phân bổ hạn ngạch thêm cho doanh nghiệp (chậm nhất là vào tháng 5).
Hiện những công ty xuất khẩu số lượng lớn sản phẩm dệt kim, quần âu, jeans, sơ mi sang Mỹ là Việt Tiến, Phong Phú, Nhà Bè, Thành Công, Hoà Bình... Mỹ được xem là thị trường chính của Việt Nam với kế hoạch xuất khẩu 1,5 tỷ USD, tiếp theo là EU, Nhật Bản. Các chuyên gia Bộ Thương mại dự đoán, kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may của Việt Nam sang EU trong năm 2003 có thể đạt tới 900 triệu USD.
Ngành dệt may Việt Nam hiện đang nỗ lực mở rộng thêm các thị trường mới ở Nam Mỹ, châu Phi và một số thị trường phi hạn ngạch như Trung Đông, các nước khối SNG cũ, Đài Loan, Hàn Quốc.
|