(VietNamNet) - Tại cuộc hội thảo mới đây về quy hoạch nông lâm thuỷ sản vùng Đồng bằng sông Hồng, Bộ trưởng Lê Huy Ngọ cho biết, ngành đang đề xuất Chính phủ có một nghị định về quản lý quy hoạch. Sẽ có chế tài kinh tế, hành chính đối với các tỉnh, địa phương, DN làm trái, làm sai quy hoạch. Theo Bộ trưởng, quy hoạch phải là tiền đề, cơ sở để quyết định đầu tư, tránh đầu tư một cách phân tán, tự phát, mạnh ai nấy làm.
Nghị định này ra đời sẽ là biện pháp mạnh nhằm khắc phục sự yếu kém về tính pháp lý trong quy hoạch. Lâu nay, người quy hoạch cứ quy hoạch, người đầu tư cứ đầu tư. Thời gian qua, cây sắn được trồng ồ ạt; một loạt nhà máy chế biến sắn mọc lên tại các địa phương. Điều này dường như đang lặp lại vết xe đổ của ngành mía đường, cà phê. Chính sự thiếu liên kết, rời rạc và không sắp xếp thứ tự ưu tiên đầu tư đã dẫn đến tình trạng đầu tư dàn trải, trùng lắp, nơi nào cũng có mía, có dứa, có sắn, có cà phê, nhưng chúng ta vẫn thiếu những vùng sắn, vùng mía đường chủ lực.
Thứ trưởng Bộ NN-PTNT, ông Phạm Hồng Giang, từng phàn nàn, trong khi chúng ta quy hoạch diện tích cà phê tại Đăk Lăk đến 2010 là 210.000ha, vậy mà hết năm 2002, con số này đã trên 300.000ha. Cứ cây, con nào được đưa vào nuôi trồng, sau một thời gian có lãi, bà con nông dân lại lao vào sản xuất. Thế là lại vượt quy hoạch. Thế là lại cần nhà máy chế biến để giải quyết số nguyên liệu làm ra, trong khi yếu tố chất lượng và giá thành, tính cạnh tranh thấp. Khi đó, vai trò của liên kết bốn nhà trở nên cực kỳ quan trọng.
Một vấn đề nữa đặt ra là cơ quan nào cho phép đầu tư? Bất cứ ai đều có thể đầu tư sản xuất, trong lĩnh vực công nghiệp, nông nghiệp. Họ có thể là DN tư nhân hay DN nước ngoài. Lẽ ra, khi xin phép đầu tư, các dự án đó phải được tập trung vào một đầu mối. Cơ quan này sẽ xem xét, quyết định có cho xây dựng nhà máy đó hay không. Liệu địa điểm sản xuất, vùng nguyên liệu, lao động tại đó đã hợp lý để xây dựng nhà máy chế biến hay chưa? Với tình trạng ''năm cha ba mẹ'' hiện nay, khi là Bộ NN-PTNT, khi là Bộ Thương mại, khi Bộ KH-ĐT, ra quyết định, thì tình trạng nhà máy mới chen chân nhà máy cũ (trong khi nhà máy cũ chưa hoạt động hết công suất); tình trạng thừa nguyên liệu, thiếu nhà máy chế biến sẽ vẫn lặp lại.
Theo Bộ trưởng Lê Huy Ngọ, trong việc đề ra và thực hiện quy hoạch, cần phải có thưởng phạt nghiêm minh. ''Tôi hoàn toàn nhất trí là phải có thưởng phạt về quy hoạch. Nhiều khi quy hoạch chúng ta làm chỉ như những tài liệu tham khảo. Theo tôi, khi đề ra cái gì, phải có quy hoạch mới được đầu tư, không có quy hoạch dứt khoát không đầu tư - đây là quy định, là chế tài hết sức quan trọng'', Bộ trưởng Lê Huy Ngọ nói.
Theo Bộ trưởng, việc thực hiện sản xuất không theo quy hoạch vừa rồi cũng có phần trách nhiệm của các địa phương, các ngành. Bộ trưởng bức xúc: ''Rõ ràng là chúng ta làm chưa tốt việc bố trí đầu tư. Phải quy trách nhiệm cho người chủ đầu tư, song, người thẩm định cũng chiếm vai trò quan trọng''. Đầu tư sản xuất hiện nay thường qua ba khâu: chủ đề đầu tư (làm dự án), cơ quan thẩm định và cơ quan quyết định đầu tư. Sắp tới, ngoài việc khuyến khích đầu tư theo quy hoạch, Bộ sẽ phân cấp rõ trách nhiệm của các đơn vị trên.
|